Quảng Ninh: Tích cực trồng rừng ngập mặn

10/04/2015 00:00

(TN&MT) - Quảng Ninh là một trong nhiều địa phương chịu sự ảnh hưởng to lớn do biến đổi khí hậu gây nên, do đó, việc xác định trồng rừng ngập mặn ven biển là...

 

(TN&MT) - Quảng Ninh là một trong nhiều địa phương chịu sự ảnh hưởng to lớn do biến đổi khí hậu gây nên, do đó, việc xác định trồng rừng ngập mặn ven biển là giải pháp hữu hiệu nhất để ứng phó biến đổi khí hậu. Từ năm 1993, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã khởi động dự án dưới sự hỗ trợ của Hội Chữ thập đỏ Nhật Bản thông qua Hiệp hội Chữ thập đỏ - Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế. Dự án được triển khai ở 10 tỉnh, thành phố.

Năm 1997, Hội Chữ thập đỏ Quảng Ninh đã bắt tay ngay vào thực hiện Dự án: Pha 1 và 2 (giai đoạn 1997 - 2007) tại 22 xã, thuộc 8 huyện, thị và thành phố có diện tích ven sông biển. Dự án đã trồng 1.670ha rừng ngập mặn và phi lao với tỷ lệ sống và phát triển thành rừng đạt gần 60%.

Giai đoạn 2008 - 2013, Dự án pha 3 đã trồng được 665ha rừng tại các xã ven biển TP Móng Cái, TP Uông Bí, huyện Tiên Yên và Thị xã Quảng Yên. Tỷ lệ sống cao và đang phát triển thành rừng. Năm ,2014 đến nay Dự án pha 4 đang được triển khai với 2 tiểu dự án: Xây dựng hệ thống thoát nước thải tại xã Bình Dương (Đông Triều) và xây dựng hệ thống nước sạch tại phường Hải Đông (TP Móng Cái). Đồng thời thành lập mới 2 đội ứng phó cấp cộng đồng và hỗ trợ tập huấn 2 lớp cộng đồng ứng phó với thảm hoạ cho đội thanh niên xung kích phường Hải Yên Tp. Móng Cái và phường Tuần Châu, TP Hạ Long.

Bà Trương Thị Hạnh, một người dân sống tại xã Thanh Lân, huyện Cô Tô cho biết: Cô Tô là huyện đảo, “bức tường xanh” rất quan trọng với người dân mỗi khi mùa mưa bão về, không chỉ thế còn mang đến nguồn lợi thủy hải sản phong phú, đa dạng. Hay nói chính xác, hệ thống rừng ngập mặn là “nồi cơm” có khả năng tái sinh cho người dân chúng tôi.

Rừng ngập mặn đang tạo kế sinh nhai cho hàng ngàn người dân bám biển
Rừng ngập mặn đang tạo kế sinh nhai cho hàng ngàn người dân bám biển

Ngoài ra, Quảng Ninh đã thành lập 6 đội tình nguyện viên (10 người/đội) bảo vệ rừng ngập mặn tại phường Hà An, xã Hoàng Tân (TX Quảng Yên); các xã Quảng Thắng, Quảng Phong, Quảng Minh (huyện Hải Hà); phường Hải Yên (TP Móng Cái). Các tình nguyện viên được tập huấn kỹ năng quản lý và bảo vệ rừng, các hoạt động ứng phó với thiên tai, thảm hoạ, cách sơ cấp cứu ban đầu, cứu hộ, cứu nạn...

Đi đôi với việc thành lập, tập huấn các kiến thức kỹ năng về trồng, bảo vệ rừng, các thành viên của đội cũng được các cấp Hội lập danh sách quản lý theo hướng dẫn của TW Hội Chữ thập đỏ. Nhờ có các đội bảo vệ rừng được thành lập, thường xuyên kiểm tra, tuần tra, tuyên truyền, vận động nên ý thức người dân tại các địa phương có Dự án đã được nâng cao. Thông qua các lớp tập huấn góp phần làm thay đổi, nâng cao nhận thức, ý thức trong việc bảo vệ rừng ngập mặn. Đơn cử, nhờ được tuyên truyền, người dân xã Đông Hải (huyện Tiên Yên) đã hiểu và có nhiều hoạt động hưởng ứng tích cực. Nhiều ngư dân sẵn sàng tham gia các hoạt động tình nguyện, giúp đỡ phương tiện tàu thuyền, đồng thời phát hiện, ngăn chặn kịp thời các đối tượng đánh bắt hải sản mang tính huỷ diệt như bằng kích điện, lưới sai quy cách ảnh hưởng đến hệ sinh thái rừng ngập mặn.

Ông Nguyên Thanh Phương, Giám đốc BQL Vườn quốc gia Bái Tử Long cho biết: Hệ thống rừng ngập mặn rất quan trọng trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học, cân bằng sinh thái và là lá chắn tiền tiêu giúp con người ứng phó với những tai ương mà biến đổi khí hậu có thể gây ra. 

Thảm thực vật rừng ngập mặn  ở Quảng Ninh đang hồi sinh mạnh mẽ và dần hiện hữu một màu xanh rộng lớn . Dự án trồng rừng ngập mặn để ứng phó với biến đổi khí hậu ở Quảng Ninh bước đầu đã thành công, nó đang trở thành “bức tường xanh” vững chắc, là nơi cư ngụ của nhiều loài sinh vật cả dưới nước và trên cạn, từng bước cải thiện cuộc sống của người dân bám biển thông qua hoạt động đánh bắt, khai thác thủy hải sản bền vững.

Lê Xuân

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Ninh: Tích cực trồng rừng ngập mặn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO