Quảng Ninh: Thực hiện mục tiêu kép, vừa chống dịch vừa phát triển sản xuất kinh doanh

Phạm Hoạch| 24/06/2021 14:49

(TN&MT) - Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang “hoành hành” gây ảnh hưởng đến sự phát triển về kinh tế- xã hội, tỉnh Quảng Ninh đã chung tay hỗ trợ, đồng hành cùng các nhà đầu tư, doanh nghiệp trên địa bàn tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch ở mức độ cao nhất, tuyệt đối không để dịch xuất hiện, gây đứt gãy hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Ổn định sản xuất, chống dịch hiệu quả

Theo đó, Quảng Ninh xác định rõ khu vực công nghiệp và xây dựng là trụ cột đảm bảo chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế và thu ngân sách, trọng tâm là công nghiệp than, điện, chế biến, chế tạo, công nghiệp phụ trợ. Tỉnh cũng chỉ đạo khẩn trương đẩy nhanh tiến độ xây dựng các nhà máy mới và đưa vào sản xuất dự án công nghiệp chế biến, chế tạo tại các KKT, KCN, nâng cao năng lực sản xuất, tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, nhất là sản phẩm công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn theo tinh thần Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 16/11/2020 của Tỉnh ủy về phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp chế biến, chế tạo để bù đắp sự giảm sút của khu vực dịch vụ và thuế sản phẩm, ngành Than.

Công nhân của Tập đoàn Foxconn tại KCN Đông Mai luôn tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch trong sản xuất.

Các KCN nằm trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh hiện có gần 30 nghìn công nhân, người lao động làm việc tại 56 doanh nghiệp. Trước diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây lan dịch Covid-19, ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD) trong các KCN, tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương nêu cao tinh thần trách nhiệm, thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.

Đại diện Ban Quản lý KKT tỉnh Quảng Ninh, cho biết, Ban đã yêu cầu giám đốc các doanh nghiệp, nhà máy, xí nghiệp, nhà đầu tư và nhà thầu thi công xây dựng trong các KCN trên địa bàn tỉnh chỉ đạo, tổ chức xét nghiệm ngẫu nhiên hằng tuần bằng test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 hoặc RT-PCR (gộp mẫu) cho ít nhất 20% công nhân, người lao động tại đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, khu nhà trọ của người lao động.

Với hơn 7.400 lao động đang làm việc tại KCN Đông Mai (TX.Quảng Yên), công tác phòng, chống dịch tại đây được triển khai hiệu quả, có nhiều cải tiến, đổi mới, phù hợp với điều kiện thực tế tại từng đơn vị sản xuất. Các doanh nghiệp trong KCN quán triệt công nhân lao động tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, nâng cao ý thức tự giác, tự quản, tuân thủ nguyên tắc 5K của Bộ Y tế, khai báo y tế trung thực, đeo khẩu trang bắt buộc tại nơi công cộng, khuyến khích thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 tự nguyện, xây dựng kịch bản cụ thể đối với các tình huống có thể xảy ra, 100% doanh nghiệp lập chốt kiểm soát ra vào cổng, bố trí xe đưa đón công nhân và các chuyên gia.

Anh Nguyễn Văn Hưng, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng và Vận tải Hưng Thịnh cho biết, trước ảnh hưởng của đại dịch, đơn vị luôn thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch theo chỉ đạo của các cấp chính quyền, nên Công ty vẫn duy trì tốt hoạt động vận tải cung cấp đất san lấp đảm bảo tiến độ thi công tại các cụm, khu công nghiệp trên địa bàn TP.Uông Bí.

Gắn công tác bảo vệ môi trường với phòng, chống dịch

Cùng với công tác phòng chống dịch, công tác bảo vệ môi trường cũng được tỉnh Quảng Ninh và các doanh nghiệp hết sức chú trọng. Trong đó, tỉnh tập trung hoàn thành các nhà máy xử lý rác thải, các trạm xử lý nước thải tại các KCN, CCN trên địa bàn. Đối với các doanh nghiệp thực hiện khai thác, chế biến khoáng sản và các nhà máy xi măng lắp đặt hệ thống quan trắc tự động hệ thống khí thải, nước thải truyền tải số liệu về Sở TN&MT.

Trạm xử lý nước thải tại KCN Cái Lân, TP.Hạ Long đưa vào hoạt động nhiều năm qua góp phần bảo vệ môi trường.

Giám đốc Sở TN&MT Quảng Ninh, Trần Như Long cho biết, hiện Sở đã xây dựng các nhóm giải pháp để triển khai theo đúng Quy hoạch môi trường tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó sẽ thúc đẩy việc áp dụng tiêu chuẩn môi trường của những nước phát triển như các nước châu Âu, Nhật Bản, xúc tiến các hoạt động giáo dục môi trường và nâng cao nhận thức cộng đồng, đẩy mạnh xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường, đặc biệt là xử lý ô nhiễm môi trường. Đồng thời tiếp tục vận hành các trạm quan trắc môi trường tự động nhằm cung cấp thông tin để phục vụ công tác quản lý nhà nước, các CCN, KCN bắt buộc phải đầu tư công trình bảo vệ môi trường trước khi đưa vào vận hành.

Cùng với đó, Sở sẽ tham mưu, báo cáo tỉnh đề xuất với Trung ương về nguồn ngân sách đặc biệt phục vụ cho hoạt động bảo vệ môi trường; phấn đấu tăng tổng chi ngân sách nhà nước của tỉnh cho công tác bảo vệ môi trường trên 2%/năm. Đồng thời, tích cực huy động nguồn kinh phí từ các quỹ tài trợ, vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), huy động vốn đầu tư nước ngoài (FDI), vốn vay ADB để triển khai các dự án thoát nước và xử lý nước thải trên địa bàn Uông Bí, Hạ Long, Móng Cái. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về giám sát môi trường, tham gia vào mạng lưới quan trắc môi trường quốc tế, như mạng lưới giám sát lắng đọng axit Đông Á (EANET) để giải quyết vấn đề môi trường liên quốc gia và Hợp tác quốc tế bảo vệ môi trường vịnh Hạ Long.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Ninh: Thực hiện mục tiêu kép, vừa chống dịch vừa phát triển sản xuất kinh doanh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO