Quảng Ninh quyết liệt quản lý tài nguyên cát đá, sỏi: Thiết lập trật tự các điểm cát, đá cuội nhỏ lẻ tại Bình Liêu

Bài và ảnh: Nam Cường| 15/09/2020 11:41

(TN&MT) - Hiện nay, trên địa bàn huyện miền núi Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh có 13 điểm có khoáng sản làm vật liệu thông thường là cát, đá cuội tại các bãi bồi dọc sông Tiên Yên, thuộc các xã Hoành Mô, Đồng Tâm, Lục Hồn, Tình Húc, Vô Ngại.

 Trong khi địa phương và người dân có nhu cầu lớn về xây dựng nhà ở, và các công trình nông thôn mới, vì vậy, người dân địa phương đề nghị tỉnh xem xét mở rộng cấp phép một số điểm, bãi khai thác cát, đá, sỏi, để đáp ứng nhu cầu về vật liệu xây dựng cung cấp trên địa bàn huyện.

Để giải quyết vấn đề này, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ủy quyền, giao trách nhiệm cho UBND huyện Bình Liêu quản lý, lựa chọn các đơn vị thu gom cát, sỏi lòng sông suối trong quá trình thi công các công trình phát triển KT-XH để tận dụng làm vật liệu xây dựng thông thường, phục vụ nhu cầu xây dựng của người dân và các công trình nông thôn mới trên địa bàn.

Hệ thống nghiền đá cuội thành cát tại Công ty CP Đầu tư xây dựng Nam Kỳ, huyện Bình Liêu

Theo điều chỉnh Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và khoáng sản phân tán nhỏ lẻ trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, trên địa bàn huyện Bình Liêu có quy hoạch 1 mỏ cát, cuội, sỏi, tại thôn Pắc Puông, xã Vô Ngại, phục vụ làm vật liệu xây dựng trên địa bàn. Mỏ này thuộc Công ty CP Đầu tư xây dựng Nam Kỳ quản lý, khai thác với quy mô diện tích 10 ha, trữ lượng tài nguyên 124.000 m3, công suất khai thác 40.000 m3/năm, sản lượng khai thác giai đoạn 2018 - 2020 là 80.000 m3 và giai đoạn 2021 - 2030 là 24.000 m3.

Hiện nay, Công ty CP Đầu tư xây dựng Nam Kỳ, có trụ sở tại huyện Bình Liêu đã được UBND tỉnh Quảng Ninh cấp giấy phép khai thác khoáng sản (cát, sỏi cuội) thông qua đấu giá quyền khai thác khoáng sản và đang hoàn thiện các thủ tục pháp lý có liên quan và tiến hành khai thác cát theo giấy phép đã được cấp.

Tận dụng nguồn đá cuội tại các suối trên địa bàn huyện Bình Liêu để sản xuất thành cát xây dựng

Trao đổi với PV Báo Tài nguyên và Môi trường, Giám đốc Công ty CP Đầu tư xây dựng Nam Kỳ, Vũ Thế Bình cho biết, do mỏ có quy mô nhỏ, địa hình chia cắt, chủ yếu là tận dụng lượng đá cuội dọc theo lòng sông, nên trữ lượng không nhiều, phần lớn là xay đá cuội thành cát xây dựng, cung cấp cho các công trình xây dựng nông thôn mới, cũng như người dân xây dựng trên địa bàn huyện. Hiện nay, Công ty tạo công ăn việc làm cho 20 người lao động tại địa phương, thu nhập bình quân 6 triệu đồng/tháng.

Còn anh Phan Tiến Mạnh, công nhân trực máy nghiền đá cuội cho biết, bản thân là người tại địa phương, lên đi làm tại Công ty cũng khá tiện lợi vì không phải đi xa, với mức lương khoảng 6 triệu đồng/tháng cũng tạm đủ trang trải cuộc sống trong gia đình.

Có thể nói đối với các khu vực ven sông suối có các bãi cát, đá cuội, sỏi trữ lượng nhỏ, điển hình như tại huyện miền núi Bình Liêu với địa hình chia cắt, nhiều đồi núi, thì theo nhận định của chính quyền địa phương và các ngành chức năng, việc lập dự án đầu tư khai thác có quy mô công nghiệp sẽ không mang lại hiệu quả kinh tế và mất rất nhiều thời gian để hoàn thiện hồ sơ cấp phép.

Vì vậy, với việc Công ty CP Đầu tư xây dựng Nam Kỳ được cấp phép khai thác cát, cuội trên địa bàn huyện Bình Liêu với quy mô vừa phải, phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương, giúp cho việc cung ứng vật liệu ngay tại địa bàn được thuận tiện, giảm chi phí vận chuyển, đáp ứng nhu cầu xây dựng đối với người dân địa phương, cũng như các công trình nông thôn mới của địa phương.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Ninh quyết liệt quản lý tài nguyên cát đá, sỏi: Thiết lập trật tự các điểm cát, đá cuội nhỏ lẻ tại Bình Liêu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO