(TN&MT) - Cùng với nhiều tộc người thiểu số trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, từ bao đời nay, người Sán Dìu vẫn gìn giữ, bảo tồn phong tục độc đáo trong dịp đón năm mới đó là tục lấy nước đầu năm để cầu một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, gia đình no ấm, và giáo dục thế hệ sau luôn bảo vệ rừng, bảo vệ nguồn nước.
Không chỉ đối với người Sán Dìu, một số tộc người như Dao, Tày cũng có tục lấy nước đầu năm mới, với quan niệm giọt nước mát đầu năm mới là điều may mắn, là nguồn sống của con người. Vì vậy, khi thời khắc chuyển sang năm mới, trước khi trời sáng, tùy theo tộc người mà đồng bào mang ống, bương, mang thùng đi lấy nước ở nơi đầu nguồn hoặc những khúc sông, hồ trong sạch mang về nhà dùng.
Ông Tô Văn Lưu, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Bình Dân, huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) cho biết: Với hơn 95% dân số của xã là người Sán Dìu, từ bao đời nay, gia đình tôi và bà con nơi đây vẫn duy trì tục lấy nước đầu năm. Vào thời khắc chuyển sang năm mới, bà con mang ống, mang thùng đi lấy nước ở nơi đầu nguồn suối, khe mang về nhà múc một cốc đặt lên ban thờ thắp hương tổ tiên và dùng để sinh hoạt trong gia đình. Việc lấy nước sạch về nhà đầu năm mới là bước khởi thủy đầu năm, tài lộc sẽ vào như nước, may mắn, mọi việc đều hanh thông, mùa màng tươi tốt, gia đình thuận hòa yên ấm.
Tục đi lấy nước đầu năm mới cũng thể hiện mong ước những vận may sẽ đến với gia đình trong cả một năm mới, đó là sự bày tỏ lòng biết ơn các đáng siêu nhiên đã ban tặng nguồn nước- sự sống cho muôn loài. Theo đó, trong tín ngưỡng lấy nước đầu năm mới, tộc người Sán Dìu đều định tâm tín ngưỡng thần Nước và trước khi lấy nước, họ đều sắm lễ đặt ở nơi sẽ lấy nước để cúng tế Thủy thần Hà Bá.
Xuất phát từ tâm thức, tín ngưỡng thần Nước, bà con sử dụng nguồn nước sạch được lấy về trong thời khắc thiêng liêng Đất - Trời giao hòa, đó là để cho mọi thành viên trong gia đình đều được dùng nấu ăn, đun nước uống, rửa mặt, dâng lên ban thờ, mong mọi người đều được khỏe mạnh, tươi vui, yên ấm và no đủ.
Anh Ngô Văn Quảng, dân tộc Sán Dìu, ở thôn Vòng Tre, xã Bình Dân, huyện Vân Đồn cho biết: Bà con chúng tôi thường chuẩn bị lễ vật như hương, bánh chưng, rượu, tiền vàng, gạo muối rồi chọn thời khắc giao thừa sẽ đi lấy nước đầu năm tại các con suối. Sau khi cúng khấn Thần nước xong, nước đi xin về sẽ được nấu ăn, uống, rửa mặt, có gia đình còn múc một cốc đặt lên ban thờ thắp hương tổ tiên.
Được biết, tỉnh Quảng Ninh hiện đang triển khai Kế hoạch thí điểm xây dựng, bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa 4 làng dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch cộng đồng khu vực miền núi tỉnh Quảng Ninh, giai đoạn 2023- 2025, trong đó có làng người Sán Dìu ở thôn Vòng Tre, xã Bình Dân, huyện Vân Đồn.
Kế hoạch hướng đến mục tiêu bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Sán Dìu hiện đang sinh sống ở địa phương, lưu giữ vãn hóa truyền thống, ngăn chặn sự mai một văn hóa trong điều kiện hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng. Đồng thời phát huy giá trị văn hóa truyền thống thông qua sinh kế phát triển du lịch cộng đồng, nhằm quảng bá văn hóa dân tộc của địa phương, cũng như nâng cao lòng tự hào dân tộc, tạo sinh kế bền vững cho người dân bản địa, góp phần tăng trưởng “xanh” trong yêu cầu phát triển kinh tế thời hiện đại.
Hiện nay, bà con trong thôn Vòng Tre, cũng như xã Bình Dân đang tích cực hưởng ứng, triển khai, sưu tầm, phục dựng các nông cụ, cũng như luôn quan tâm việc bảo vệ môi trường, thực hiện thu gom rác, trồng cây xanh, hoa để tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch đẹp.
Tuy nhiên, trước yêu cầu thực tiễn hiện nay về bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ nguồn nước, rừng đầu nguồn để phát triển bền vững luôn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà các cấp chính quyền tỉnh Quảng Ninh đang quyết liệt triển khai.
Việc lưu giữ, truyền bá phong tục lấy nước đầu năm qua bao đời của người Sán Dìu cũng như đồng bào DTTS khác là cách để thế hệ trước giáo dục cho con cháu thế hệ sau phải có ý thức bảo vệ môi sinh của cộng đồng, đây là tín ngưỡng có giá trị văn hóa, giá trị giáo dục, vì vậy bà con luôn nhắc nhau phải có ý thức trách nhiệm trong việc gìn giữ, bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ nguồn nước để duy trì sự sống và phát triển theo hướng bền vững- ông Tô Văn Lưu cho biết thêm.