Quảng Ninh: Mập mờ tiền… "hỗ trợ" GPMB trong ngành Than?!

11/11/2015 00:00

  Ở Thành phố Cẩm Phả nơi mà hầu hết diện tích đất rừng là vùng quy hoạch khai thác than hoặc đổ thải của ngành Than. Bởi sự "màu mỡ" này đã sinh ra một...

 

Ở Thành phố Cẩm Phả nơi mà hầu hết diện tích đất rừng là vùng quy hoạch khai thác than hoặc đổ thải của ngành Than. Bởi sự “màu mỡ” này đã sinh ra một số đối tượng hoặc cá nhân núp dưới hình thức doanh nghiệp địa phương chuyên “ sản xuất , kinh doanh” kiểu tận thu than hoặc trồng rừng trái phép để vòi vĩnh nhận tiền đền bù.

Sau khi báo chí đăng tải một số bài để vạch trần thủ đoạn, dấu hiệu lợi dụng chính sách đền bù, hỗ trợ để “ rút ruột” Nhà nước… Nhưng dường như các cơ quan chức năng của địa phương vẫn chưa có động thái nào nhằm ngăn chặn “phong trào” này.

Đầu tiên phải kể đến việc hỗ trợ cây cối, hoa màu, tài sản, công cải tạo… của hộ gia đình ông Phạm Đức Long và bà Phạm Thị Thúy gần 2,3 tỷ đồng của Công ty CP than Tây Nam Đá Mài – Vinacomin. Khi xem xét các hồ sơ cho thấy tại văn bản số 1590 ngày 10/11/2014 của Công ty than TNĐM có nội dung: “ Trên mặt bằng diện tích đất trên có một số cây trồng trái phép mà trước đó Công ty than Dương Huy, Công an TP. Cẩm Phả, Công an xã Dương Huy đã lập biên bản đình chỉ gia đình ông Phạm Đức Long đã trồng cây trái phép”…Cuối văn bản Công ty than TNĐM đề nghị các cấp chính quyền địa phương quan tâm, giúp đỡ.

Để tìm hiểu nguồn cơn mà Than TNĐM đã “dốc tâm, dốc túi hỗ trợ” cho gia đình ông Phạm Đức Long PV được biết, trước kia vùng đất này thuộc quy hoạch cho Công ty than Dương Huy, đến cuối năm 2014 thì được bàn giao cho Than TNĐM. Trong khi một cán bộ của Than Dương Huy cho biết thời điểm bàn giao thì khu đất này không có cây cối, tài sản gì(?!).

Như vậy thì việc “hỗ trợ” bằng tiền của Nhà nước của Than TNĐM cho hộ gia đình ông Phạm Đức Long cần phải được xem xét lại bởi lẽ:

Thứ nhất, tiền của Công ty CP than TNĐM (bản chất là doanh nghiệp Nhà nước vì vốn Nhà nước là chủ đạo) là tiền của Nhà nước; do vậy khi Than TNĐM muốn có đất để làm dự án thì phải được lập dự án, lập phương án đền bù do Trung tâm Phát triển Quỹ đất Cẩm Phả tiến hành và áp dụng theo các chính sách, pháp luật hiện hành.

Thứ hai, từ nhân chứng và văn bản 1590 cho thấy khu đất này đã bị gia đình ông Long chiếm để trồng cây trái phép và đã có biên bản xử lý. Để tìm nguồn chứng cứ cho văn bản trên, PV đã tiếp cận UBND phường Mông Dương, xã Dương Huy, Công ty than Dương Huy để thu thập các biên bản nhưng cũng chỉ là việc “mò kim đáy bể”?! Mặt khác, nếu theo như khẳng định của một cán bộ Công ty than Dương Huy là phần đất này trước khi được bàn giao cho Than TNĐM là đất trống (thời điểm bàn giao và thời điểm nhận hộ trợ của hộ gia đình ông Long rất gần nhau) là chính xác thì liệu sự “hỗ trợ” kia có phải là khống hay không? Thêm nữa, việc sử dụng đất trái phép, trồng cây hay xây dựng công trình trái phép đã được các cơ quan chức năng kiểm tra, lập biên bản như nội dung văn bản 1590 đã nêu thì về nguyên tắc là không thể đền bù, hỗ trợ.

Trong khi đó, để phúc đáp lời “xin quan tâm” của Công ty than TNĐM, ngày 26/12/2014 UBND TP.Cẩm Phả ra văn bản 2615 có đoạn: “ về việc bồi thường, hỗ trợ GPMB đối với hộ ông Phạm Đức Long và bà Vũ Thị Thúy là chưa có cơ sở giải quyết. Lý do, Công ty CP than TNĐM chưa đủ điều kiện thực hiện bồi thường, hỗ trợ GPMB theo quy định”. Nói một cách khác là Công ty than TNĐM không thể có quyền bồi thường, hỗ trợ GPMB theo quy định pháp luật.

Vậy mà không hiểu vì lý do gì mà số tiền gần 2,3 tỷ đồng của Nhà nước đã được Công ty này tự ý “hỗ trợ” cho hộ gia đình ông Long, bà Thúy?.

Một vụ việc khác tại Công ty CP than Mông Dương – Vinacomin, đất rừng thuộc vùng quy hoạch khai thác than đang được Công ty này quản lý, sử dụng. Công ty than Mông Dương đã giao cho Hội Cựu Chiến binh của Công ty trồng rừng sản xuất. Tưởng rằng Hội CCB Công ty có thêm cơ hội cải thiện đời sống do lợi tức từ việc trồng rừng, nào ngờ bị một số các nhân của Hội chuyển nhượng trái phép tài sản trên đất cho Chi nhánh Công ty CP Thiên Nam (một doanh nghiệp tư nhân). Và bán cây trên đất thì khác nào nhượng luôn cả quyền sử dụng đất cho Công ty này nữa. Hành vi này hoàn toàn trái pháp luật và quy định mà Công ty than Mông Dương đã kết luận. Đồng thời vô hình trung nó sẽ gâ hậu quả khôn lường về sau khi Than Mông Dương tiến hành GPMB.

Tổng giá trị của thỏa thuận chuyển nhượng tài sản là gần 2 tỷ đồng; trong đó Hội CCB chỉ được nhận 200 triệu đồng; số còn lại được trả cho ông Phạm Đức Long, một người dân ở địa phương đã có công sức đầu tư vào đất của Công ty than Mông Dương?!

Được biết, hiện nay Công ty than Hạ Long – TKV cũng đang có công trình là một băng tải vận chuyển than chạy qua đất “của” Chi nhánh Công ty CP Thiên Nam. Công ty than Hạ Long cũng đã nhờ đến Trung tâm PTQĐ Cẩm Phả để giải quyết theo đúng trình tự pháp luật. Theo một cán bộ của TT này cho biết khu đất này TT không thể tiến hành lập phương án bồi thường, GPMB theo quy định pháp luật được vì chưa có quy hoạch cho dự án của Than Hạ Long. Mặt khác khu đất này tỉnh Quảng Ninh đã thu hồi từ Thiên Nam, Thiên Nam đã kiện nhưng quyết định cuối cùng của Tòa cho thấy đất này hiện nay vẫn không thuộc QSD của Thiên Nam.

Qua tìm hiểu một số cơ quan tại Cẩm Phả, PV được biết lợi dụng sự cấp thiết để có mặt bằng thi công của một số đơn vị ngành Than; do việc chậm trễ thi công, sản xuất sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới doanh thu, tiến độ sản xuất và việc làm của hàng ngàn lao động, lợi dụng tính cấp bách này và bằng nhiều thủ đoạn như ngăn cản thi công, đe dọa…Các đối tượng có đất lấn chiếm đã ép khó một số đơn vị “móc hầu bao” mà không đúng quy định pháp luật để “hỗ trợ” cho đối tượng.

Theo ý kiến của một số chuyên gia luật cho biết, hành vi trên có thể là hành vi đe dọa sẽ dũng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản ; vi phạm Điều 135; Tội cưỡng đoạt tài sản.

Hiện nay trên địa bàn Cẩm Phả mặc dù chính quyền địa phương đã nhiều lần chặt phá, cưỡng chế những hành vi chiếm dụng đất, trồng cây, xây dựng trái phép trên các khu vực khai thác và quy hoạch khai thác than của Tập đoàn Than – Khoáng sản VN. Ví dụ như phường Mông Dương – Cẩm Phả đã cho chặt phá hàng chục ha cây trồng trái phép trong năm 2014, nhưng một số khu vực chính quyền “chưa kịp” ra tay… thì đương nhiên ngành Than lại bị móc tiền oan uổng.

Đã có nhiều nhiều ha đất của Nhà nước, của doanh nghiệp Nhà nước bị chiếm dụng, trống cây, xây dựng trái phép ở Cẩm Phả; đã có hàng chục tỷ đồng của một số doanh nghiệp Nhà nước bị “hỗ trợ” vô lý cho những hành vi trái pháp luật trên. Và nếu “phong trào” này không được sớm chấm dứt, sớm điều tra, xác minh thì đây sẽ là kẻ hở lớn nhất, “rút ruột” Nhà nước “hợp lý” nhất – góp phần làm tăng giá thành sản xuất than, một trong nhưng nguyên nhân “đau đầu” nhất hiện nay là than Việt Nam sản xuất có nguy cơ đắt nhất thế giới.

Theo Báo Xây dựng

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Ninh: Mập mờ tiền… "hỗ trợ" GPMB trong ngành Than?!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO