Quảng Ninh khai thác gắn với phát triển bền vững ngành thủy sản

Bài và ảnh: Phạm Hoạch| 27/10/2020 11:14

(TN&MT) - Những năm qua, Quảng Ninh đã triển khai nhiều giải pháp nhằm bảo vệ, khai thác bền vững nguồn lợi thủy sản, nhất là từ khi Chỉ thị số 18 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh “Về tăng cường công tác quản lý khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh” được ban hành năm 2017, đã tạo ra bước chuyển biến rõ nét, hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Vùng biển Vịnh Hạ Long, Bái Tử Long mang trong mình trên 100 trăm loài cá, san hô, rong biển, cỏ biển và hàng chục loài thực vật ngập mặn, thực vật, động vật phù du, động vật đáy biển. Với sự đa dạng, phong của hệ sinh thái biển là tiền đề để ngành thủy sản của Quảng Ninh phát triển. Giai đoạn từ năm 2015 đến năm 2018, sản lượng khai thác thủy sản gần bờ của tỉnh đã lên đến 30.000 tấn/năm. Trong khi theo tính toán của các ngành chức năng tỉnh Quảng Ninh, sản lượng khai thác ven bờ ở mức 18 nghìn tấn/năm là phù hợp.

Đội tàu câu mực khơi tại cầu cảng huyện Vân Đồn

Do vậy, để duy trì sản lượng đánh bắt cũng như bảo vệ nguồn lợi thủy sản tự nhiên, cần có giải pháp đồng bộ, kết hợp hiệu quả giữa việc tăng cường tuyên truyền thông tin đến bà con ngư dân, cũng như đẩy mạnh việc kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm.

Những năm qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với các địa phương ven biển như: TX. Quảng Yên, huyện Hải Hà, TP. Cẩm Phả, huyện Đầm Hà tổ chức nhiều hội nghị, đối thoại để giải thích, vận động ngư dân hiểu và thực hiện nghiêm các quy định, chính sách của Trung ương và của tỉnh về bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Qua đó, công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh đã có sự chuyển biến mạnh mẽ, nhận thức của người dân, nhất là ngư dân ven biển về bảo vệ nguồn lợi thủy sản và môi trường sinh thái đã có sự chuyển biến rõ rệt, người dân đã ý thức về việc giải cứu và thả về tự nhiên các loài thủy sinh vật quý hiếm.

Từ năm 2017 đến nay, toàn tỉnh đã xử phạt 4.676 vụ vi phạm về khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, thu phạt nộp ngân sách Nhà nước gần 23 tỷ đồng, tịch thu, tiêu hủy nhiều ngư cụ đánh bắt mang tính tận diệt.

Nhiều ngư dân huyện Vân Đồn chuyển từ nghề đánh bắt ven bờ sang nghề đan lưới

Cùng với đó, nhiều hoạt động bảo tồn, tái tạo nguồn lợi thủy sản được thực hiện trên địa bàn tỉnh. Đến nay, Quảng Ninh đã thả trên 11,3 triệu con giống tôm, cua, cá các loại về môi trường tự nhiên và thả 43 triệu con giống thủy sản các loại tái tạo, bổ sung nguồn lợi cho Vịnh Bắc Bộ. Đồng thời, triển khai thực hiện Dự án quy hoạch chi tiết các khu bảo tồn biển Cô Tô - Đảo Trần với tổng diện tích quy hoạch trên 18 nghìn ha và 14 khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản nhằm bảo tồn nguồn gen quý hiếm, nhân giống các loài thủy sản có giá trị kinh tế cao.

Mặt khác, các địa phương tiến hành thống kê, rà soát tàu cá trong toàn tỉnh để xây dựng phương án chuyển đổi nghề đối với các tàu, thuyền công suất nhỏ hoạt động ven bờ. Đến nay, đã lập được danh sách 1.277 chủ tàu hoạt động nghề cấm tại các địa phương trong tỉnh, chuyển đổi nghề cho 951 chủ tàu và hộ ngư dân với khoảng 3.340 lao động.

Một trong những giải pháp mà Quảng Ninh quyết tâm thực hiện để bảo vệ nguồn lợi thủy sản bền vững đó là xây dựng một ngư trường xanh với nguồn lợi thủy sản dồi dào, phong phú, tạo sinh kế cho hàng nghìn hộ ngư dân đang hàng ngày bám biển. Tuy vậy, để có được một ngư trường xanh mang tính bền vững cần giải quyết được những khó khăn, mâu thuẫn mang tính xung đột. Đó là, sản lượng khai thác thủy sản tăng lên theo từng năm gần đây, trong khi trữ lượng nguồn lợi thủy sản lại suy giảm nhiều so với  những thập kỷ trước, dẫn đến ngư dân thường xuyên hoạt động nghề và sử dụng ngư cụ cấm để tăng sản lượng đánh bắt, bất chấp các quy định pháp luật về khai thác thủy sản. Điều này, gây sức ép lớn cho nguồn lợi và môi trường thủy sản tại vùng biển ven bờ và khó khăn cho công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát trong việc bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản.

Mỗi năm,Quảng Ninh tiến hành thả hàng triệu con giống cá các loại về môi trường tự nhiên

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, Nguyễn Văn Công cho biết, cần xác định việc thanh tra, kiểm soát là giải pháp quan trọng hàng đầu, bởi, chỉ có quan tâm triển khai thường xuyên, liên tục, rộng khắp mới kiểm soát và hạn chế số lượng phương tiện làm nghề cấm. Đồng thời, tăng cường phối hợp giữa các lực lượng chức năng, địa phương tiến hành tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, xử lý các phương tiện khai thác thủy sản vi phạm để bảo vệ nguồn lợi thủy sản và môi trường sinh thái biển.

Có thể nói, từ khi triển khai thực hiện Chỉ thị số 18 với sự vào cuộc mạnh mẽ của lực lượng chức năng và các địa phương, ngành thủy sản của Quảng Ninh có nhiều chuyển biến rõ nét, nhất là trong công tác quản lý hoạt động khai thác thủy sản, cũng như tái tạo nguồn lợi thủy sản theo hướng bền vững, lâu dài, góp phần đưa Quảng Ninh trở thành địa phương mạnh về biển, giàu từ biển.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Ninh khai thác gắn với phát triển bền vững ngành thủy sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO