Khoáng sản

Quảng Ninh: Đẩy mạnh việc sử dụng đất đá thải mỏ làm vật liệu san lấp

Phạm Hoạch 28/11/2023 - 15:17

(TN&MT) - Hàng năm, các mỏ than trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đưa ra các bãi thải khoảng 150 triệu m3 đất đá, chiếm dụng hàng nghìn ha đất. Các bãi thải đất đá mỏ than chủ yếu tập trung tại các địa phương gồm Uông Bí, Hạ Long, Cẩm Phả, Đông Triều và luôn tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, sạt lở, trôi lấp đất đá xuống đường giao thông, cầu cống, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân xung quanh, nhất là mùa mưa bão.

Tận dụng nguồn vật liệu dồi dào

Với lượng đất đá thải mỏ trên địa bàn rất lớn, trong khi hiện nay nhu cầu sử dụng đất đá để san lấp mặt bằng các dự án, công trình tại tỉnh Quảng Ninh hàng năm rất lớn, bình quân khoảng 130 triệu m3 mỗi năm. Trong khi các mỏ đất đồi tại địa phương chỉ đáp ứng khoảng 25% nhu cầu trên địa bàn. Bên cạnh việc phát triển công nghiệp, xây dựng, tỉnh Quảng Ninh đang chú trọng phát triển du lịch, dịch vụ, phát triển kinh tế xanh, do đó yêu cầu đặt ra cần phải hạn chế tối đa việc khai thác các mỏ đất đồi trên địa bàn tỉnh.

anh-qn-02.jpg
Những bãi đất đá thải mỏ cao hàng trăm mét tại TP. Cẩm Phả luôn tiềm ẩn nguy cơ đối với người và phương tiện tham gia giao thông

Theo báo cáo của Tập đoàn Công nghiệp Than- Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tổng Công ty Đông Bắc, tổng trữ lượng đất đá thải mỏ có thể khai thác, sử dụng làm vật liệu san lấp khoảng 1.374 triệu m3, trong đó, bãi thải của TKV có thể cung cấp 1.228 triệu m3, bãi thải của Tổng Công ty Đông Bắc có thể cung cấp 146 triệu m3.

Kết quả phân tích, xét nghiệm mẫu của các cơ quan chuyên môn cho thấy các thành phần trong đất đá thải mỏ chủ yếu là khoáng vật, khoáng chất đảm bảo về tiêu chuẩn và chất lượng làm vật liệu san nền, thay thế vật liệu san lấp truyền thống. Đặc biệt, qua thực tiễn kết quả kiểm soát môi trường trong thời gian vừa qua cho thấy không làm gia tăng yếu tố gây ô nhiễm môi trường đối với các dự án có sử dụng đất đá thải làm vật liệu san lấp.

Với những cơ sở nêu trên, trong thời gian qua UBND tỉnh Quảng Ninh đã báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường cho phép được sử dụng đất đá thải mỏ làm vật liệu san lập các công trình dự án trên địa bàn tỉnh. Đến nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đồng ý cho tỉnh Quảng Ninh được phép khai thác đất đá thải mỏ tại 4 bãi thải với tổng khối lượng khoảng 12,43 triệu m3, cụ thể như: Bãi thải của Công ty cổ phần than Núi Béo (0,7 triệu m3); Bãi thải Tây Khe Sim - Tây Lộ Trí của Tổng công ty Đông Bắc (3,5 triệu m3); Bãi thải Suối Lại của TKV (3,5 triệu m3) và Bãi thải Nam Tràng Bạch của Tổng công ty Đông Bắc (4,73 triệu m3).

anh-qn-03.jpg
Vào mùa mưa bão nhiều hộ dân ở xung quanh bãi thải mỏ tại phường Mông Dương, TP. Cẩm Phả luôn sống trong cảnh lo âu do nguy cơ sạt lở đất đá các bãi thải trên cao trôi xuống

Ngoài ra, 2 bãi thải là Nam Tràng Bạch (giai đoạn 2) và bãi thải của Công ty CP than Cọc Sáu với hơn 21 triệu tấn đang được Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét cho phép được sử dụng làm vật liệu san lấp.

Trao đổi với PV, Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Quảng Ninh - Ngọc Thái Hoàng cho biết: Việc đưa vào khai thác, sử dụng đất đá thải mỏ tại các bãi thải nêu trên đã bước đầu giải quyết được nhu cầu về vật liệu san lấp của một số dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh như Dự án Cầu Cửa Lục 3, Dự án khu đô thị - du lịch, dịch vụ Bái Tử Long II, Dự án Đường ven sông kết nối từ đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đến TX. Đông Triều và các dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh.

Hướng đi mới hiệu quả

Mới đây, Sở Xây dựng tỉnh Quảng Ninh phối hợp với cơ quan chức năng khảo sát dây chuyền chế biến đất đá thải mỏ làm vật liệu đắp nền K95, K98 do hai đơn vị trên địa bàn tỉnh là Công ty Cổ phần Dịch vụ vệ sinh môi trường Đông Khê và Công ty TNHH Thương mại S&D, tại TX. Đông Triều phối hợp, nghiên cứu và lắp đặt nhằm đáp ứng nhu cầu cho các dự án, công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh.

anh-qn-01.jpg
Hệ thống sàng, nghiền đất đá thải của Công ty CP Dịch vụ vệ sinh môi trường Đông Khê đã đi vào hoạt động

Theo Văn bản số 4437/SXD-KT&VLXD của Sở Xây dựng, đơn vị đã đánh giá mức độ phù hợp của dây chuyền sản xuất, cần điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng và điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư dự án là có thể triển khai theo đúng chỉ đạo của UBND tỉnh. Qua khảo sát thực tế, Sở Xây dựng Quảng Ninh đã có văn bản đề xuất UBND tỉnh về triển khai mô hình này, đồng thời Sở cũng đề nghị các cơ quan chức năng liên quan, địa phương hướng dẫn, hỗ trợ đơn vị.

Theo đó, Công ty CP Dịch vụ vệ sinh môi trường Đông Khê và Công ty TNHH Thương mại S&D đã phối hợp, liên kết thí điểm sản xuất, chế biến đất đá thải mỏ làm vật liệu đắp nền K95, K98. Cụ thể, Công ty CP Dịch vụ vệ sinh môi trường Đông Khê đã lắp đặt dây chuyền trong khuôn viên trên diện tích đất sử dụng khoảng 1,4 ha. Nguồn nguyên liệu được sử dụng cho hoạt động được lấy từ nguồn đất đá thải mỏ của bãi thải Nam Tràng Bạch được cấp phép khai thác, vận chuyển giao cho Công ty TNHH Thương mại S&D đảm nhận.

Chia sẻ với PV, ông Nguyễn Văn Luyến, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dịch vụ vệ sinh môi trường Đông Khê cho biết: Công ty đã nghiên cứu, lắp đặt thành công, thử nghiệm dây chuyền chế biến chất thải rắn xây dựng, đất đá thải mỏ thành vật liệu gia cố nền móng công trình. Sản phẩm đất đá cấp phối hỗn hợp qua nghiền sàng, phối trộn đã được kiểm nghiệm bởi Viện Quy hoạch và Thiết kế xây dựng Quảng Ninh và được các cơ quan chuyên môn lấy mẫu kiểm tra nhằm đánh giá khả năng phục vụ nhu cầu sử dụng gia cố, đắp nền. Dây chuyền hiện đã được lắp đặt và vận hành thử nghiệm tại kho bãi tập kết của Công ty với công suất khoảng 1.000 m3/ngày đêm. Đây là một trong những đơn vị ở Quảng Ninh đi tiên phong trong nghiên cứu, thử nghiệm, lắp đặt dây chuyền chế biến đất, đá thải mỏ làm vật liệu đắp nền K95, K98.

anh-qn-04.jpg
Một số dự án trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đối diện nguy cơ chậm tiến độ do thiếu nguồn đất san lấp nền

Việc tỉnh Quảng Ninh được phép sử dụng đất đá thải trong quá trình khai thác than làm vật liệu san lấp, nhất là làm vật liệu đắp nền K95, K98 thay thế đất đồi, sẽ góp phần làm tăng hiệu quả sử dụng khoáng sản, giảm diện tích đất sử dụng làm bãi thải ngoài, hạ được độ cao bãi thải giảm nguy cơ sạt lở, giảm chi phí cải tạo phục hồi môi trường, giảm nguy cơ gây ô nhiễm môi trường không khí, môi trường đất, môi trường nước. Đồng thời, tạo việc làm, tăng thu ngân sách địa phương, tháo gỡ khó khăn về nhu cầu vật liệu san lấp mặt bằng các dự án, công trình trên địa bàn tỉnh, cũng như hạn chế việc khai thác đất đồi.

Trong thời gian tới, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài nguyên và Môi trường trong công tác quản lý nhà nước về tài nguyên đất đá thải mỏ, khoáng sản đi kèm than trên địa bàn, kiểm soát việc tổ chức triển khai thực hiện các phương án quản lý đất đá thải mỏ, cũng như tăng cường sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên, đảm bảo an ninh vật liệu xây dựng và phát triển nền kinh tế tuần hoàn- ông Ngọc Thái Hoàng cho biết thêm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Ninh: Đẩy mạnh việc sử dụng đất đá thải mỏ làm vật liệu san lấp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO