Quảng Ninh: “Chuyện lạ” về cách cấp sổ đỏ tại huyện Cô Tô

Phạm Hoạch| 18/05/2021 09:18

(TN&MT) - Gần 2 năm nay, một người dân ở huyện Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh, sau khi nhận được quyết định xử phạt hành chính về hành vi “phá rừng trái pháp luật” đã nhiều lần làm đơn khiếu nại đến nay. Từ đây, “hé lộ” cách cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo kiểu “không giống ai” của các cơ quan chức năng huyện Cô Tô.

Khai hoang và quản lý sử dụng ổn định hàng nghìn m2 đất từ năm 1979 đến nay, khi đang phát tỉa cây trong vườn rừng, ông Vũ Văn Tỏe ở thôn Nam Đồng, xã Đồng Tiến, huyện Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh bị lực lượng chức năng địa phương đến lập biên bản và tham mưu cho UBND huyện Cô Tô ra quyết định xử phạt hành chính 40 triệu đồng về hành vi “phá rừng trái pháp luật”.

Ông Vũ Hữu Tỏe bên gốc xoan trong vườn có gốc to cả người ôm, nhưng văn bản của huyện Cô Tô khẳng định "2 cây xoan mới trồng được khoảng 3 tháng"

Đưa chúng tôi đi thăm khu vườn rừng của gia đình, ông Vũ Hữu Tỏe cho biết, tôi sinh năm 1954, quê tại TP.Hải Phòng, năm 1972 đi bộ đội và đến năm 1978 thì xuất ngũ. Năm 1979, tôi và một số người cùng quê Hải Phòng ra khu vực thôn Bắc Vàn, xã Cô Tô thuộc huyện Cẩm Phả (nay là thôn Nam Đồng, xã Đồng Tiến, huyện Cô Tô) làm kinh tế mới. Tại đây, gia đình tôi đã khai hoang, xây dựng nhà cửa, công trình phụ, canh tác trồng cây trên diện tích hơn 6.000m2 và ở ổn định, không có tranh chấp từ đó đến nay. Đến năm 2003, gia đình tôi được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) là 450m2, trong đó đất ở là 396m2, số diện tích còn lại gia đình vẫn quản lý, sử dụng ổn định và canh tác và trồng các loại cây nhãn, xoài, xoan, bạch đàn, thông mã vĩ...

Nhiều cây xoài trong vườn nhà ông Tỏe được trồng hàng chục năm về trước

Đến tháng 8/2019, gia đình ông Tỏe tiến hành cải tạo lại vườn đồi, trong khu vườn nhà ông có một số cây tự nhiên do gia đình để lại làm bóng mát, khi thấy không cần thiết, nên gia đình đã chặt hạ. Việc cải tạo vườn đồi diễn ra bình thường như mọi lần, nhưng bất ngờ, gia đình ông Toẻ bị cán bộ Kiểm lâm huyện Cô Tô đến lập biên bản về hành vi phá rừng phòng hộ.

Theo biên bản số 02, ngày 6/8/2019 của Hạt Kiểm lâm huyện Cô Tô quyết định “Tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề” đối với ông Vũ Hữu Tỏe, tang vật gồm: 37 lóng gỗ tròn từ 1,05m -1,65m, đường kính từ 13- 30cm với tổng khối lượng là 1,234m3”.

Vạt rừng phi lao cùng chuồng nuôi bò được gia đình ông Tỏe xây gần 20 năm về trước

Đến ngày 30/8/2019, UBND huyện Cô Tô đã có Quyết định số 486 do ông Vũ Văn Hiển, Phó Chủ tịch UBND huyện ký quyết định xử phạt hành chính đối với ông Vũ Hữu Tỏe số tiền 40 triệu đồng, đồng thời yêu cầu ông Tỏe phải trồng lại rừng trên diện tích bị phá.

Không đồng ý với quyết định xử phạt hành chính của UBND huyện Cô Tô, ngay sau đó, ông Vũ Hữu Tỏe đã làm đơn kiến nghị tới các cấp có thẩm quyền của tỉnh Quảng Ninh. Nội dung đơn khiếu nại của ông Tỏe gửi các cấp cho rằng, việc xử phạt gia đình ông như vậy là không đúng, bởi lẽ, gia đình ông đã khai hoang, quản lý, canh tác ổn định khu vườn đồi này từ năm 1979. Mặc khác, ông Tỏe cũng kiến nghị việc xác định đất rừng phòng hộ không rõ ràng, không có mốc giới, chồng lấn lên đất canh tác của gia đình.

Được biết, UBND huyện Cô Tô đã 2 lần có văn bản trả lời kiến nghị của ông Vũ Hữu Tỏe. Cụ thể, ngày 19/9/2019, UBND huyện Cô Tô có văn bản số 856 trả lời đơn đề nghị của gia đình ông Toẻ. Tiếp đó, ngày 19/12/2019, UBND huyện Cô Tô có văn bản số 736 về việc giải quyết đơn khiếu nại của ông Vũ Hữu Tỏe.

Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà UBND huyện Cô Tô cấp cho gia đình ông Vũ Hữu Tỏe từ năm 2003, thể hiện gianh rới với thửa liền kề đều là đất vườn và đất màu, trong khi văn bản của huyện Cô Tô khẳng định là đất rừng phòng hộ

Theo đó, 2 văn bản của UBND huyện Cô Tô trả lời đối với đơn kiến nghị và khiếu nại của ông Vũ Hữu Tỏe đều căn cứ vào Quyết định 3722, ngày 19/9/2018 của UBND tỉnh Quảng Ninh về phê duyệt kết quả rà soát, điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng đến năm 2025 định hướng đến năm 2030 và Kế hoạch số 133 ngày 1/3/2019 của UBND huyện Cô Tô về việc công bố công khai quyết định về quy hoạch rừng để mọi tổ chức và công dân biết; quy hoạch này có bản đồ chi tiết về các loại rừng, toạ độ cụ thể.

Trớ trêu hơn, 2 văn bản của UBND huyện Cô Tô trả lời ông Tỏe cách nhau có 3 tháng nhưng thể hiện sự “khập khiễng” giữa các số liệu. Cụ thể, tại văn bản số 856, ngày 19/9/2019, diện tích rừng bị chặt phá là 1.170m2, sau đó tại văn bản số 736, ngày 19/12/2019, lại xác định diện tích rừng bị chặt phá khoảng 1.300m2.

Trong khi gia đình ông Tỏe được cấp GCNQSDĐ từ năm 2003, và trong sơ đồ thửa đất thể hiện các mặt giáp ranh liền kề thửa đất ghi là đất vườn và đất màu. Tuy nhiên, văn trả lời của UBND huyện Cô Tô đều căn cứ vào các Quyết định, Kế hoạch được ban hành lần lượt vào các năm 2018 và 2019, tức là 15 năm sau khi gia đình ông Vũ Hữu Tỏe được cấp đất lần đầu (năm 2003)?.

Hàng trăm m2 rừng tự nhiên bị chặt phá nằm gần ngay thửa đất của gia đình ông Vũ Hữu Tỏe từ nhiều tháng nay, nhưng chưa bị xử lý

Thậm chí, tại văn bản 736 (ngày 19/12/2018) còn chỉ rõ, kết quả xác minh vị trí thửa đất tại lô 7, khoảnh 2, tiểu khu 217 tại thôn Nam Đồng, xã Đồng Tiến hiện có 2 cây xoan, 2 cây dâu da và một số cây chuối gia đình ông Vũ Hữu Tỏe mới trồng được khoảng 3 tháng. Trong khi cây xoan trong vườn nhà ông Tỏe có gốc to cả người ôm không hết?.

Điều đáng nói là việc cấp GCNQSDĐ của các cơ quan chức năng huyện Cô Tô đối với ông Vũ Hữu Tỏe có nhiều điểm bất cập. Cụ thể, tại GCNQSDĐ mà UBND huyện Cô Tô cấp ngày 19/12/2003 cho ông Vũ Hữu Tỏe với diện tích 450m2, nhưng trong sơ đồ thửa đất không hề thể hiện các mốc giới, các vị trí giáp ranh liền thửa, cụ thể, vị trí giáp ranh thửa đất thì 3 mặt chỉ ghi đất vườn, còn lại 1 mặt ghi đất màu.

Một Công ty ngang nhiên xẻ núi mở đường trên đất quốc phòng làm lối vào khu du lịch sinh thái tại bãi biển Hồng Vàn, xã Đồng Tiến

Cũng theo ông Tỏe, cuối năm 12/2018, UBND huyện Cô Tô đã cấp 2 GCNQSDĐ cho gia đình ông với tổng diện tích là 1.333,8m2, trong đó một thửa đất nuôi trồng thủy sản có diện tích 549,7m2 và một thửa đất trồng cây hàng năm có diện tích 784,1m2 . Thêm một lần nữa, tại sơ đồ của 2 thửa đất này phần các vị trí giáp ranh liền thửa không ghi cụ thể, chỉ thể hiện một mặt ghi giáp mương nước và một mặt giáp ngõ, còn các mặt khác không ghi cụ thể.

Ông Vũ Hữu Tỏe cho biết, tôi đã nhiều lần làm đơn kiến nghị gửi các ngành, các cấp từ huyện đến tỉnh và cơ quan chức năng Trung ương, thậm chí làm đơn tố cáo người ra quyết định xử phạt hành chính đối với gia đình. Nhưng đến nay, chỉ thấy có văn bản trả lời của một số cơ quan là đã nhận được đơn kiến nghị, còn kết quả giải quyết như thế nào thì chưa thấy công văn trả lời.

Để làm rõ những nội dung ông Vũ Hữu Tỏe phản ánh liên quan đến nguồn gốc sử dụng đất, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cũng như công tác quản lý đất đai, xây dựng trên địa bàn huyện, PV Báo TN&MT đã nhiều lần nhắn tin, gọi điện cho lãnh đạo huyện Cô Tô để đặt lịch làm việc, nhưng đều không thấy trả lời.

Báo TN&MT sẽ tiếp tục thông tin vụ việc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Ninh: “Chuyện lạ” về cách cấp sổ đỏ tại huyện Cô Tô
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO