Quảng Ninh: Bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn

10/06/2016 00:00

(TN&MT) - Để bảo vệ và phát triển hệ thống rừng ngập mặn (RNM) thành “lá chắn xanh”, giảm nhẹ thiên tai…tỉnh Quảng Ninh đang triển khai nhiều biện pháp cấp bách.

Báo cáo Sở NN&PTNT Quảng Ninh cho thấy, toàn tỉnh có hơn 21.140ha RNM, tập trung nhiều ở các địa phương như: Móng Cái, Tiên Yên, Quảng Yên, Vân Đồn... Tuy nhiên, do nhận thức về vai trò của rừng ngập mặn của trong cộng đồng còn nhiều hạn chế dẫn đến việc san gạt đổ thải, chặt phá cây ngập mặn để lấy củi đốt, sản xuất than củi của người dân ven biển… khiến diện tích rừng ngập mặn ven biển Quảng Ninh suy giảm đáng kể.

Trước thực trạng đó, từ năm 2008 - 2014, Quảng Ninh đã chú trọng tới bảo vệ và phát triển rừng, nhờ đó đã trồng mới được hơn 1.700ha với tổng kinh phí hơn 22,4 tỷ đồng. Giai đoạn 2015 - 2020, Quảng Ninh đang triển khai 3 dự án bằng kinh phí của chương trình biến đổi khí hậu (SP-RCC) gồm: Dự án gây bồi, tạo bãi và trồng cây ngập mặn tại thôn 1, xã Hải Đông (TP Móng Cái), tổng kinh phí 27 tỷ đồng; Dự án nâng cấp đê Quan Lạn (huyện Vân Đồn) và trồng RNM, kinh phí 18 tỷ đồng; Dự án đầu tư bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ, đặc dụng ven biển tỉnh giai đoạn 2015-2020, tổng mức đầu tư 92 tỷ đồng. Những dự án này sẽ góp phần quan trọng trong việc khôi phục và phát triển RNM của các địa phương... Bên cạnh đó, thông qua các dự án dự án: PAM 5325, Hội Chữ thập đỏ, Quỹ Nhi đồng Anh, tỉnh Quảng Ninh trồng trồng mới được hơn 2.300ha rừng các loại.

Thảm thực vật RNM phát triển tốt tại huyện đảo Cô Tô
Thảm thực vật RNM phát triển tốt tại huyện đảo Cô Tô

Đặc biệt, tại Quảng Yên, một trong những địa phương có nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế từ bãi triều và RNM nhưng do tình trạng chặt phá rừng lấy củi diễn ra triền miên, nên diện tích đất RNM tại Quảng Yên bị suy giảm nghiêm trọng. Vì vậy, những năm gần đây Quảng Yên cũng đã tranh thủ sự hỗ trợ các dự án, trồng mới được được hơn 238ha RNM. Cùng với việc trồng mới RNM, Quảng Yên tích cực tuyên truyền đến các hộ dân về việc bảo vệ RNM, nhờ đó tình trạng chặt phá RNM không còn tái diễn.

Ông Đặng Tiến Hải, Phó Chủ tịch UBND thị xã Quảng Yên khẳng định: Hiệu quả kinh tế và xã hội của thảm RNM ở Quảng Ninh nhiều năm gần đây được người dân đánh giá rất cao. Nhờ bảo vệ tốt RNM nên hệ thống đê điều của địa phương được đảm bảo an toàn hơn; đem lại nhiều nguồn thu từ nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản…

Tuy vậy, trong quá trình khôi phục và phát triển RNM hiện nay, Quảng Ninh cũng đang gặp không ít khó khăn như: Lượng chất thải rắn, nước thải của các mỏ than đang khai thác chưa được xử lý, nước sinh hoạt trong dân cư thải trực tiếp ra biển làm ảnh hưởng tới môi trường sinh thái RNM; quá trình đô thị hoá lấn biển làm thu hẹp diện tích RNM; kinh phí cho việc quản lý và bảo vệ RNM còn thiếu; môi trường sống của RNM rất khắc nghiệt; chưa có cơ chế chính sách khuyến khích người dân tham gia bảo vệ và phát triển RNM.

Để rừng ngập mặn trở thành lá chắn xanh, Ông Hoàng Công Đãng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Ninh cho biết: Thời gian tới, tỉnh tiếp tục triển khai chương trình bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2015-2020. Bên cạnh đó tăng cường các giải pháp và cơ chế chính sách như: Chính sách giao khoán, cho thuê đất rừng đến hộ gia đình theo Nghị định số 23/2006/NĐ-CP, trong đó ưu tiên giao khoán đất rừng cho người dân địa phương và cộng đồng dân cư; chính sách đầu tư theo Quyết định số 38/2005/QĐ-BNN của Bộ NN&PTNT và các chính sách được hưởng lợi của chủ rừng... nhằm bảo vệ RNM tốt hơn.

Lê Xuân

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Ninh: Bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO