Xã hội

Quảng Ninh: Bảo vệ hệ sinh thái biển tạo sinh kế bền vững

Phạm Hoạch 23/06/2023 - 16:33

(TN&MT) - Những năm qua, công tác bảo vệ đa dạng sinh học, phát triển các hệ sinh thái vùng biển luôn được tỉnh Quảng Ninh chú trọng, trong đó địa phương chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, xử lý nghiêm các hành vi khai thác mang tính huỷ diệt nguồn lợi thuỷ sản và gây hại môi trường, cũng như triển khai nhiều giải pháp bảo vệ hệ sinh thái san hô, rừng ngập mặn gắn với xây dựng sinh kế bền vững cho người dân.

Bảo vệ hệ sinh thái biển

Quảng Ninh có bờ biển dài hơn 250 km, diện tích mặt biển rộng trên 6.000 km2, trên 2.700 hòn đảo lớn nhỏ và trên 40.000 ha bãi triều, 20.000 ha eo vịnh. Với những tiềm năng và lợi thế nêu trên, Quảng Ninh đã có nhiều chính sách ưu tiên đầu tư, thu hút các nguồn lực, từng bước phát triển kinh tế biển đảo.

Tuy nhiên, những năm gần đây, do ảnh hưởng biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, ô nhiễm môi trường ven biển từ hoạt động đánh bắt, nuôi trồng thủy sản khiến nguồn lợi thủy sản dần giảm sút nên ảnh hưởng không nhỏ đến sinh kế của người dân vùng ven biển. Trước thực trạng này, tỉnh Quảng Ninh đã triển khai nhiều giải pháp nhằm bảo vệ môi trường hệ sinh thái biển và nguồn lợi thuỷ sản ven bờ.

anh-qn-11.jpg
Đông đảo người dân xã Đồng Rui, huyện Tiên Yên tham gia trồng rừng ngập mặn, tạo sinh kế lâu dài.

Đồng Rui được đánh giá là một trong những cánh rừng ngập mặn đẹp nhất ở miền Bắc hiện nay, với gần 3.000ha, chiếm hơn nửa diện tích đất tự nhiên của xã Đồng Rui, huyện Tiên Yên. Rừng ngập mặn ở đây có nhiều loại cây đã hàng trăm năm tuổi được bảo tồn nghiêm ngặt để duy trì nguồn gen quý, cũng là nguồn sinh kế của nhiều thế hệ người dân nơi đây với nguồn lợi hải sản có giá trị như tôm, ốc, cua, ngán. Vì vậy, trong những năm qua, người dân và chính quyền đã cùng chung tay trồng, chăm sóc, bảo vệ và phát huy giá trị của rừng.

Để bảo vệ những cánh rừng ngập mặn, cách đây hơn 10 năm, tổ quản lý rừng ngập mặn của các thôn đã được thành lập gồm 5-6 người/tổ với lực lượng CCB làm nòng cốt, có nhiệm vụ phối hợp với lực lượng kiểm lâm thường xuyên tuần tra kiểm soát và nhắc nhở bà con bảo vệ rừng. Nhờ vậy, 100% diện tích rừng ngập mặn tự nhiên hiện có và mới trồng trên địa bàn xã được phục hồi quản lý, bảo vệ, phát triển tốt, môi trường được cải thiện, các nguồn lợi thuỷ sản trước đây bị cạn kiệt thì nay đã được hồi sinh, tạo sinh kế và thu nhập ổn định cho người dân ở địa phương.

Cùng với việc bảo vệ hệ sinh thái biển, công tác kiểm tra xử lý hành vi đánh bắt theo hình thức hủy diệt cũng như tái tạo nguồn lợi thuỷ sản luôn được tỉnh Quảng Ninh chú trọng. Theo ông Đỗ Đình Minh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Ninh, từ đầu năm đến nay, các lực lượng chức năng và các địa phương đã xử phạt 238 vụ vi phạm về đánh bắt thủy sản, thu nộp ngân sách trên 3,3 tỷ đồng. Với phương châm muốn phát triển bền vững sinh kế biển, phải bảo vệ được đa dạng sinh học và nguồn lợi thủy sản, hàng năm ngành thuỷ sản tỉnh đều tổ chức các đợt thả cá giống về môi trường tự nhiên để tái tạo nguồn lợi thủy sản. Vào tháng 4/2023 vừa qua, địa phương đã thả 2,3 triệu con giống thủy sản, gồm các loại có giá trị kinh tế cao như cá vược, cá giò, cá song, tôm thẻ, đối mục về môi trường nhằm tái tạo nguồn lợi.

Tạo sinh kế bền vững cho người dân

Những năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng đến các chủ phương tiện đánh bắt thủy sản, cũng như cộng đồng người dân sinh sống ven biển về việc bảo vệ môi trường biển, rừng ngập mặn cũng chính là bảo vệ nguồn sinh kế lâu dài cho chính mình.

Ông Hoàng Văn Thống, thôn Hạ, xã Đồng Rui, huyện Tiên Yên cho biết: Việc hồi sinh lại những cánh rừng ngập mặn ở địa phương đã tạo thành vành đai xanh giúp chống chọi lại với sóng gió, bão lũ mà còn đem lại nguồn lợi thủy sản giúp cho hàng trăm hộ dân có nguồn thu ổn định, vươn lên trong cuộc sống. Rừng ngập mặn còn được bà con ở địa phương khai thác thu hút khách du lịch đến trải nghiệm bắt hải sản dưới những tán rừng.

anh-qn-12.jpg
Những cánh rừng ngập mặn đem lại nguồn thủy sản giá trị giúp cho người dân ven biển huyện Đầm Hà có thu nhập ổn định.

Khu đất ngập nước Đồng Rui được đánh giá là có đủ điều kiện đáp ứng các tiêu chí lựa chọn của một vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế đã quy định trong Công ước Ramsar. Trong 1.227 loài tại Đồng Rui, đã xác định được 67 loài quý hiếm có giá trị bảo tồn theo cấp độ khác nhau. Tháng 8/2020, Sở TN&MT Quảng Ninh đã lập hồ sơ đề nghị công nhận khu Ramsar cho Khu đất ngập nước Đồng Rui. Dự án đã tiến hành nghiên cứu điều tra bổ sung, phân tích, đánh giá các số liệu về tự nhiên, môi trường, đa dạng sinh học, KT-XH tại khu vực đất ngập nước Đồng Rui theo hướng dẫn của Ban Thư ký Công ước Ramsar.

Việc sớm được công nhận là khu Ramsar trong thời gian tới sẽ giúp nâng cao vị thế của vùng đất ngập nước Đồng Rui nói chung và rừng ngập mặn Đồng Rui nói riêng đối với các quốc gia trên thế giới. Đồng thời là điều kiện thuận lợi để tạo sinh kế bền vững cho người dân trong việc trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng gắn với khai thác thủy sản và phát triển ngành du lịch trải nghiệm gắn với bảo vệ môi trường hệ sinh thái ven biển.

Song song với đó, Quảng Ninh luôn chú trọng triển khai việc lập quy hoạch chi tiết các khu bảo tồn biển Cô Tô, đảo Trần và khu bảo tồn đất ngập nước Đồng Rui với tổng diện tích khoảng 5.883ha được quan tâm triển khai thực hiện mục tiêu bảo vệ các hệ sinh thái, bảo vệ các loài sinh vật biển có giá trị kinh tế, khoa học, bảo vệ môi trường gắn với phát triển du lịch sinh thái, tạo sinh kế bền vững cho người dân, nhất là bà con vùng ven biển.

Thời gian tới, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục tăng cường tuyên truyền để các tổ chức, cá nhân năng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm và có các hành động cụ thể, thiết thực, cùng chung sức bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, cũng như gìn giữ, bảo vệ những cánh rừng ngập mặn, tạo sinh kế lâu dài bền vững cho người dân ven biển- ông Đỗ Đình Minh cho biết thêm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Ninh: Bảo vệ hệ sinh thái biển tạo sinh kế bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO