Thứ Tư, 28/5/2025 22:43 (GMT +7)

| Hotline: 0983.970.780

Quảng Ninh: Ban hành công điện khẩn chủ động ứng phó bão số 2

Thứ Tư 10/08/2022 , 16:08 (GMT+7)

(TN&MT) - Sáng 10/8, UBND tỉnh Quảng Ninh ban hành Công điện khẩn số 02/CĐ-UBND về việc chủ động ứng phó bão số 2.

Để đảm bảo an toàn cho tàu thuyền đang hoạt động trên vùng biển Quảng Ninh, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN&PTDS tỉnh Quảng Ninh đề nghị Sở Giao thông - Vận tải, Cảng vụ hàng hải Quảng Ninh, Cảng vụ đường thủy nội địa, UBND các địa phương ven biển xem xét tạm ngừng cấp phép cho các phương tiện thủy ra khơi (Có thể xem xét, cho phép các tàu được chạy từ các tuyến đảo về đất liền tránh trú và kết thúc công việc trước 18 giờ ngày 10/8/2022).

Đồng thời, tạm ngừng cấp phép cho các phương tiện du lịch biển, lưu trú qua đêm tại các điểm du lịch trên biển. Thời gian tạm ngừng bắt đầu từ 12 giờ ngày 10/8/2022.

anh-qn-22.jpg
Cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Vạn Gia, TP.Móng Cái giúp ngư dân trên địa bàn chằng giữ tàu thuyền ứng phó bão số 2

Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Quảng Ninh cho biết, để chủ động đối phó với bão số 2 (MULAN), đơn vị đang tích cực phối hợp với các địa phương ven biển tuyên truyền, vận động và kêu gọi ngư dân đang hoạt động trên biển vào khu neo đậu, tránh trú bão an toàn.

Đến 10h ngày 10/8, lực lượng BĐBP tỉnh đã kêu gọi và sắp xếp nơi neo đậu cho 7.235 phương tiện với 14.122 ngư dân và 1.605 ô, lồng bè với 1.501 người vào nơi tránh trú bão an toàn.

Từ chiều ngày 9/8, các Đồn Biên phòng trong tỉnh đã chủ động phối hợp với các địa phương, đơn vị chức năng liên quan nghiêm cấm các tàu thuyền ra khơi; tham gia giúp đỡ ngư dân chằng chống, neo đậu phương tiện tàu thuyền, bè nuôi trồng thủy sản bảo đảm an toàn. Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Quảng Ninh cũng đã bố trí 210 cán bộ, chiến sỹ và 20 phương tiện (3 tàu, 12 xuồng, 5 ô tô) tham gia thường trực, để sẵn sàng ứng cứu khi có tình huống xảy ra.

Trao đổi với PV Báo TN&MT, Đại tá, Lê Trọng Hòa, Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Ninh - cơ quan thường trực PCTT-TKCN&PTDS tỉnh Quảng Ninh cho biết, để chủ động ứng phó với bão số 2, đơn vị điện chỉ đạo các đơn vị trực thuộc duy trì nghiêm chế độ trực chỉ huy, trực ban, theo dõi chặt chẽ diễn biến của cơ bão; chủ động lực lượng, phương tiện sẵn sàng xử lý có hiệu quả các tình huống phát sinh; phối hợp đẩy mạnh công tuyên truyền, kêu gọi các phương tiện đang đánh bắt thủy sản ngoài biển vào nơi tránh, trú an toàn.

anh-qn-23.jpg
Các ngành chức năng tỉnh Quảng Ninh tạm ngừng cấp phép cho các phương tiện du lịch biển, lưu trú qua đêm tại các điểm du lịch trên biển từ 12h ngày 10/8

Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh cũng đã bố trí 200 cán bộ, chiến sỹ và 700 dân quân và 12 ô tô các loại cùng 9 tàu xuồng sẵn sàng ứng cứu khi có tình huống xảy ra.

Cùng với đó, các ngành, địa phương dừng tất cả các cuộc họp không cần thiết tập trung triển khai các biện pháp phòng chống bão số 2 theo các chỉ đạo của Trung ương và của Tỉnh ủy và UBND tỉnh. 

Các địa phương ven biển Hạ Long, Vân Đồn, Cẩm Phả, Hải Hà, Đầm Hà, Tiên Yên, Móng Cái, Cô Tô khẩn trương thông tin cho chủ phương tiện, ngư dân, người có hoạt động sản xuất trên biển về diễn biến của bão, hỗ trợ Nhân dân vào nơi tránh trú bão an toàn. Mọi công tác phải hoàn thành trước 17h ngày 10/8.

Đối với ngành Than và các địa phương có hoạt động khai thác khoáng sản phải đặc biệt tập trung chỉ đạo triển khai ngay các biện pháp đảm bảo tuyệt đối an toàn bãi thải mỏ, nhất là các bãi thải có độ cao lớn, nằm gần khu vực dân cư, thực hiện di dời dân đến nơi an toàn; triển khai các biện pháp phòng chống bão đối với các mỏ hầm lò, mỏ lộ thiên.

Đối với các công trường đang thi công các dự án, yêu cầu các chủ đầu tư, nhà thầu rà soát kiểm tra không để công nhân, người lao động ở lại các lán trại trên các khu vực đất yếu, gần sông suối.

Các địa phương đồng thời khẩn trương triển khai các giải pháp ứng phó với hoàn lưu của bão, có thể gây mưa to, kéo dài, tiềm ẩn nguy cơ ngập lụt, sạt lở đất, nhất là các địa phương miền núi, ven biển và khu vực có hoạt động khai thác khoáng sản. Bố trí người trực 24/24 ở những vị trí ngập sâu, nước chảy siết, sạt lở, kiên quyết không cho người, phương tiện qua lại; rà soát vận động nhân dân tạm di dời xa các vị trí kè chắn đất tự xây không đảm bảo an toàn.

Xem thêm
TP.HCM sắp xóa sổ xe xăng khỏi các app xe công nghệ

TP.HCM TP.HCM đang xúc tiến kế hoạch chuyển đổi 400.000 xe xăng sang xe điện, tiến tới xóa sổ xe xăng của tài xế công nghệ khỏi các app xe công nghệ.

Đề xuất vớt rác 1 lần/tuần tại các tuyến kênh thoát nước TP HCM

TP HCM Sở Xây dựng TP HCM vừa đề xuất tổ chức vớt rác tối thiểu 1 lần/tuần trên toàn bộ 23 tuyến kênh thoát nước, với tổng chiều dài hơn 41 km.

Gian nan xử lý ô nhiễm môi trường bãi rác thải Đông Vinh

Nghệ An Đã 14 năm trôi qua kể từ ngày bãi rác Đông Vinh chính thức đóng cửa, thế nhưng, công tác xử lý triệt để ô nhiễm môi trường vẫn đang diễn ra khá chậm chạp.

Nhà khoa học Việt phát triển công nghệ định vị vệ tinh

Hệ thống RTK-VIỆT, một ứng dụng được phát minh bởi các nhà khoa học Việt Nam, đang mở ra cơ hội làm chủ công nghệ định vị vệ tinh cho người dùng Việt Nam.

Giới thiệu Bộ nhận diện Ngày Môi trường thế giới (5/6/2025)

Bộ nhận diện góp phần chuyên nghiệp hóa công tác tổ chức, định vị hình ảnh một chiến dịch môi trường quy mô quốc gia.

Bình luận mới nhất