Quảng Ngãi: Vùng “rốn lũ” không còn sợ lũ nhờ bè nổi

Võ Hà| 15/11/2021 19:35

(TN&MT) - Nằm dọc con sông Vệ nên mỗi khi vào mùa mưa bão, xã Hành Tín Đông, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi được xem là vùng “rốn lũ”. Nhằm bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản trong mùa mưa lũ, người dân đã sáng chế ra chiếc bè nổi chống lũ để sống chung an toàn với mưa lũ.

Mùa mưa bão 3 năm nay, gia đình ông Lê Xuân Hòa ở thôn Xuân Hòa, xã Hành Tín Đông (Nghĩa Hành) thêm vững tin hơn khi gia đình làm được bè chống lũ. Gia đình ông hiện có hai chiếc bè nổi chống lũ. Một chiếc diện tích 15 mét vuông để đồ dùng thiết yếu trong gia đình, một chiếc 6 mét vuông để nhốt gà khi nước lớn.

Ông Hòa chia sẻ, những năm trước khi hai vợ chồng ông đi tránh lũ nhà hàng xóm về, tài sản trong nhà bị nước lũ cuốn trôi không còn gì. Cách đây 3 năm ông quyết tâm, tự làm chiếc bè nổi để cất giữ đồ dùng, nông sản trong gia đình khi mưa lũ.

Bè nổi chống lũ của ông Lê Xuân Hòa

“Lũ năm trước, xe bị ngâm nước, tốn gần triệu bạc mới nổ máy được. Từ ngày có bè gia đình tôi không bị thiệt hại gì, yên tâm chèo ghe hỗ trợ bà con hàng xóm ở vùng thấp lên vùng cao” - ông Hòa phấn khởi nói.

Nhận thấy bè nổi chống lũ phát huy hiệu quả, nhiều hộ dân ở xã Hành Tín Đông cũng học hỏi sáng kiến của ông Hòa. Gia đình ông Lương Văn Năm cũng làm một chiếc bè nổi diện tích 18 mét vuông để chống lũ cho đàn gia súc. Với diện tích này ông Năm chia là 6 ô nhỏ, để nhốt 25 con heo. Năm nay ông tăng đàn heo nên vừa sửa chữa lại cho bè cứng cáp hơn.

“Với chiếc bè này, mùa lũ năm 2020 gia đình tôi đã nuôi 11 con heo, bò, cất vật dụng thiết yếu cho gia đình và 4 chiếc xe gắn máy. Nếu nhà nào không có gác thì cả gia đình lên bè cũng an toàn” - ông Năm chia sẻ.

Chiếc bè nổi chống lũ để sống chung an toàn với mưa lũ.

Ưu thế của loại bè nổi này là nhẹ và bên dưới có gắn những thùng phuy đủ sức nâng nhà lên mặt nước. Bè nổi được cố định bằng 2 cây cọc cắm xuống đất để không bị xô lệch hoặc nước cuốn trôi, bên trên là khung gỗ hoặc sắt, mái tôn, xung quanh là vách lưới B40. Sau khi hoàn thiện, bè nổi sẽ hoạt động theo nguyên lý nước lên thì nhà lên, nước xuống thì nhà cũng xuống. Mỗi chiếc bè có diện tích từ 3 – 20 m2, theo nhu cầu của mỗi gia đình. Chi phí cho mỗi chiếc bè từ 5 triệu đến 20 triệu đồng.

Nhớ trận lũ trước đây, cả xã Hành Tín Đông… bị ngập sâu. Sau lũ, nhiều tài sản của dân bị hư hỏng Rất xót. Bây giờ, nhờ có bè người dân ở đây đã đưa vật nuôi, lúa, gạo, đồ dùng thiết yếu lên bè, buộc chặt bè vào điểm tựa an toàn để giữ thăng bằng và cố định vị trí nổi cho bè đã góp phần giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.

Ông Lương Văn Năm làm một chiếc bè nổi diện tích 18 mét vuông để chống lũ cho đàn gia súc

Ông Nguyễn Ngọc Sinh - Phó Chủ tịch UBND xã Hành Tín Đông cho biết, đây là một sáng kiến hữu hiệu của người để sống chung với lũ, giúp giúp đảm bảo tài sản và tính mạng cho người dân. Chi phí cũng không quá lớn nên thời gian tới, địa phương sẽ động viên người dân địa phương, nhất là vùng thường xuyên bị ngập sâu khi mưa lũ làm nhà phao để sống chung với lũ một cách an toàn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Ngãi: Vùng “rốn lũ” không còn sợ lũ nhờ bè nổi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO