Quảng Ngãi: Ngăn chặn tình trạng xâm hại đất rừng

Võ Hà| 11/05/2021 11:44

(TN&MT) - Ngành nông nghiệp và tài nguyên, môi trường cần tăng cường công tác quản lý sử dụng đất lâm nghiệp và giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi. Đồng thời, quyết liệt ngăn chặn có hiệu quả việc tái lấn chiếm đất rừng phòng hộ.

Đó là nội dung chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi về tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng để chủ động ứng phó trước những mối nguy cơ tiềm ẩn tác động đến rừng và đất quy hoạch phát triển rừng.

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu càu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của lực lượng Kiểm lâm và Lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng theo quy định tại Nghị định số 01/2019/NĐ-CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ; đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa trong công tác quản lý, giám sát tài nguyên rừng và PCCCR.

Tỉnh Quảng Ngãi có hơn 336.784 ha đất lâm nghiệp

Rà soát, hoàn chỉnh cơ cấu 03 loại rừng sát với tình hình thực tế phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, phù hợp nhu cầu sử dụng đất thời kỳ 2021-2030 của tỉnh làm cơ sở để tổ chức thực hiện và kiểm tra, giám sát; xây dựng kế hoạch, huy động các nguồn lực, kể cả nguồn xã hội hóa để triển khai công tác trồng rừng, phục hồi rừng không để xảy ra tình trạng tái lấn chiếm đối với diện tích người dẫn cam kết trả lại cho Ban Quản lý rừng phòng hộ tỉnh.

Chỉ đạo các Chủ rừng nhóm II xây dựng, bố trí nguồn lực, tổ chức thực hiện các phương án, kế hoạch bảo vệ rừng và PCCCR theo đúng quy định pháp luật; thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin, báo cáo về bảo vệ rừng và PCCCR; chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về kết quả tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao trên lâm phần quản lý.

Sở Tài nguyên và Môi trường tăng cường công tác quản lý sử dụng đất lâm nghiệp và giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các huyện, thị xã, thành phố xây dựng phương án cụ thể giải quyết những trường hợp người dân sản xuất ổn định trong diện tích quy hoạch rừng phòng hộ; xử lý triệt để việc cấp GCNQSD đất chồng lấn quy hoạch phòng hộ; rà soát, hoàn chỉnh cơ cấu 03 loại rừng đảm bảo phù hợp nhu cầu sử dụng đất thời kỳ 2021-2030 của tỉnh.

Những năm qua,  tình trạng tình trạng xâm phạm đất lâm nghiệp kéo dài, gây ra bất bình trong nhân dân.

Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến khích động viên người dân tham gia đấu tranh, ngăn chặn và tố giác các hành vi vi phạm trong lĩnh vực lâm nghiệp; chú trọng việc phát hiện, nêu gương điển hình trong phong trào toàn dân tham gia bảo vệ rừng.

Tiếp tục kéo dài thời gian thực hiện nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững các cấp giai đoạn 2016-2020 cho đến khi có hướng dẫn mới của cấp thẩm quyền; phân công nhiệm vụ, địa bàn phụ trách cho từng thành viên và tăng cường kiểm tra, đôn đốc, giám sát địa bàn, nhất là các địa bàn trọng điểm nguy cơ phá rừng, cháy rừng cao.

Quản lý chặt chẽ việc phát đốt nương rẫy, xử lý thực bì sau khai thác rừng trồng đảm bảo an toàn, có kiểm soát; xây dựng và thực hiện có hiệu quả phương án huy động các lực lượng tham gia chữa cháy rừng trên địa bàn quản lý.

Chỉ đạo ngành chức năng có liên quan và UBND xã, phường, thị trấn xây dựng kế hoạch, bố trí lực lượng, tổ chức kiểm tra, điều tra, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật về lâm nghiệp; đẩy nhanh tiến độ lập và tổ chức thực hiện Kế hoạch giao rừng gắn với giao đất lâm nghiệp trên địa bàn.

Phòng nghiệp vụ và Công an các huyện, thị xã, thành phố tăng cường phối hợp giữa các lực lượng (Công an, Quân đội, Kiểm lâm) trong công tác bảo vệ rừng và PCCCR. Đối với các vụ phá rừng, cháy rừng xảy ra gây thiệt hại lớn về tài nguyên rừng, cần chủ động lập án điều tra, đấu tranh ngăn chặn tội phạm đốt rừng, hủy hoại rừng để kịp thời xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật nhằm giáo dục, phòng ngừa và răn đe chung.

Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, chủ động phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các huyện, thị xã, thành phố các đơn vị liên quan đẩy mạnh công tác quản lý bảo vệ rừng, phát triển rừng, PCCCR và quản lý lâm sản; thực hiện tốt Quy chế phối hợp đã ký kết; sẵn sàng ứng cứu khi có cháy rừng xảy ra trên địa bàn tỉnh.

Tỉnh Quảng Ngãi có hơn 336.784 ha đất lâm nghiệp (chiếm khoảng 67% diện tích đất tự nhiên toàn tỉnh), trong đó đất có rừng 150.784 ha (gồm rừng giàu chiếm 14%, rừng trung bình 20%, rừng nghèo 32%, rừng non 34%). 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Ngãi: Ngăn chặn tình trạng xâm hại đất rừng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO