Quảng Ngãi: Hướng quản lý rừng bền vững

Lan Anh| 09/09/2020 16:57

(TN&MT) - Toàn tỉnh Quảng Ngãi có trên 334.000 ha đất có rừng, chiếm hơn 52% tổng diện tích tự nhiên của tỉnh. Địa phương đang chủ động đưa ra các giải pháp bắt tay vào hiện thực hóa các chính sách bảo vệ và phát triển rừng bền vững, xúc tiến tái sinh những khu rừng tự nhiên.

Tỉnh Quảng Ngãi cũng đặt mục tiêu hết năm 2020 phải thực hiện chuyển đổi xong 5.000ha rừng sản xuất từ gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn theo tiêu chuẩn quốc tế (FSC). Tuy nhiên đến nay, địa phương mới chỉ thực hiện được 2.800 ha rừng gỗ lớn theo chứng chỉ FSC thuộc Công ty Lâm nghiệp Ba Tơ.

Cán bộ lâm nghiệp hướng dẫn người dân trồng mới, phát triển rừng

Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Ngãi, do truyền thống của người dân từ trước đến nay sản xuất rừng theo quy mô hộ gia đình, nguồn vốn ít, nên sau khi bỏ một khoản tiền để đầu tư, họ muốn nhanh chóng thu lợi nên người trồng rừng chấp nhận bán gỗ non, trong khi đó, tham gia trồng rừng FSC thì 10 năm mới được thu hoạch, nhưng mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Xuất phát từ thực tế trên, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ người dân chuyển đổi trồng rừng gỗ nhỏ sang trồng rừng gỗ lớn.

UBND tỉnh cũng đã phê duyệt dự án chuyển 507ha rừng trồng nguyên liệu gỗ nhỏ sang trồng rừng gỗ lớn, trong hai năm 2019- 2020, trên địa bàn các huyện Sơn Hà, Ba Tơ, Đức Phổ, Mộ Đức, Trà Bồng, Bình Sơn... với mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, tỷ lệ độ che phủ rừng sẽ đạt 52% theo kế hoạch.

Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi có công văn chỉ đạo các sở, ban ngành xây dựng và thực hiện phương án quản lý rừng bền vững. Cụ thể, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn Ban Quản lý rừng phòng hộ tỉnh, các chủ rừng là tổ chức thuộc các thành phần kinh tế thực hiện nghiêm túc việc xây dựng và thực hiện phương án quản lý rừng bền vững theo quy định tại Điều 27 Luật Lâm nghiệp. Đồng thời phối hợp kiểm tra chặt chẽ hoạt động đánh giá, cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững theo quy định tại Điều 34 Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ, trong đó các tổ chức hoạt động cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững.

Tuyên truyền, vận động và hỗ trợ các chủ rừng tự nguyện liên kết để lập phương án quản lý rừng bền vững và thực hiện cấp chứng chỉ rừng, trong đó khuyến khích đăng ký cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững theo Hệ thống chứng chỉ rừng quốc gia (VFCS); ưu tiên các nguồn vốn từ các chương trình, dự án hỗ trợ cho các chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, hợp tác xã lâm nghiệp có rừng trồng sản xuất về quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng.

Đồng thời, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu, đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù của tỉnh, xác định các giải pháp phù hợp trọng tâm, trọng điểm để hỗ trợ chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân hoặc nhóm hộ đang quản lý rừng trồng là rừng sản xuất xây dựng, thực hiện phương án quản lý rừng bền vững và chứng chỉ quản lý rừng bền vững; lồng ghép nguồn vốn kinh phí từ các chương trình, dự án có nội dung về quản lý rừng bền vững, cần ưu tiên hỗ trợ cho chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân.

Các Sở Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư tham mưu UBND tỉnh bố trí nguồn vốn và hướng dẫn sử dụng kinh phí xây dựng phương án, cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững và thực hiện các hoạt động quản lý rừng bền vững theo quy định. Trong đó, khuyến khích nguồn kinh phí xây dựng và thực hiện phương án do chủ rừng tự huy động từ nguồn vốn hợp pháp hoặc tìm kiếm các đối tác, nhà đầu tư trong lĩnh vực lâm nghiệp để hỗ trợ xây dựng phương án phù hợp với mục đích sử dụng rừng của từng chủ rừng.

Tỉnh Quảng Ngãi cũng đặt mục tiêu hết năm 2020 phải thực hiện chuyển đổi xong 5.000ha rừng sản xuất từ gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn theo tiêu chuẩn quốc tế (FSC).

Các địa phương chỉ đạo UBND cấp xã tuyên truyền, hướng dẫn các chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư hoặc hộ gia đình, cá nhân liên kết thành nhóm hộ (trên cơ sở tự nguyện) để tổ chức thực hiện các hoạt động quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững; đồng thời, theo dõi việc thực hiện các hoạt động quản lý rừng bền vững của chủ rừng trên địa bàn theo nội dung, kế hoạch đã xác định trong phương án được phê duyệt.

Các chủ rừng xây dựng, trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt hoặc tự phê duyệt phương án quản lý rừng bền vững và tổ chức thực hiện phương án theo quy định,..

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Ngãi: Hướng quản lý rừng bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO