Quảng Ngãi: Hệ lụy từ nuôi tôm phong trào

16/03/2017 00:00

(TN&MT) - Sông Kinh kéo dài khoảng 6km, từ Cửa Đại về đến cửa Sa Kỳ với rừng dừa nước thơ mộng, là nguồn sinh thủy cho hàng trăm loại thủy hải sản sinh sống. Tuy nhiên, những năm gần, nhiều hộ dân thuộc xã Tịnh Khê, TP. Quảng Ngãi đã ngang nhiến đắp hồ xây bao, lấn chiếm dòng sông để nuôi tôm khiến lòng sông thu hẹp, dòng chảy bị tắc nghẽn, tàu thuyền không thể đi lại.

Hơn 50 hồ nuôi tôm phong trào lấn chiếm sông Kinh
Hơn 50 hồ nuôi tôm phong trào lấn chiếm sông Kinh

Ông Trần Văn Chinh, một người dân xã Tịnh Khê, năm nay đã 78 tuổi hồi tưởng: cách đây trên 10 năm, dòng sông Kinh có bề rộng lên đến 50 - 60m, tàu thuyền đi lại tấp nập, nước trong nhìn thấy cả cá bơi lội tung tăng. Tuy nhiên, do nhiều hộ lấn chiếm lòng sông để nuôi tôm, đến nay lòng sông chỉ rộng còn chừng 10m, lại ô nhiễm trầm trọng.

Anh Trần Quang Vỹ, cán bộ thủy sản xã Tịnh Khê cho biết: khoảng từ năm 1995, phong trào nuôi tôm trên địa bàn tỉnh nói chung và xã Tịnh Khê nói riêng phát triển rất mạnh. Ban đầu, chỉ một vài hộ tận dụng dòng nước ven sông để nuôi tôm cho thu nhấp rất cao. Thấy vậy, nhiều người dân trong xã đã mạnh ai nấy làm, lại thiếu sự sát sao của chính quyền địa phương nên chỉ trong thời gian ngắn, với khoảng 2km dọc theo bờ sông đã có đến hơn 50 hồ tôm tự phát mọc lên, lấn chiếm lòng sông, khiến con sông rộng khoảng 50m bị thu hẹp lại chỉ còn trên dưới 10m. Việc tập trung quá nhiều hồ nuôi tôm trên một diện tích nhỏ, hơn nữa lại lấn chiếm lòng sông khiến dòng chảy bị tắc nghẽn, hệ quả tất yếu là ô nhiễm môi trường khiến tôm bị bệnh chết hàng loạt, người nuôi thì trắng tay. Các hồ bị bỏ hoang, che chắn dòng chảy khiến dòng sông càng thêm ô nhiễm.

Sông Kinh giờ chỉ rộng khoảng 10m, lại thêm ô nhiễm trầm trọng và vắng bóng cá tôm
Sông Kinh giờ chỉ rộng khoảng 10m, lại thêm ô nhiễm trầm trọng và vắng bóng cá tôm

Anh Hồ Hải, một người dân trong xã cho biết: trước đây, dòng sông Kinh có rừng dừa nước trải dài nên rất nhiều tôm cá sinh sống. Từ khi nuôi tôm, dòng chảy bị thu hẹp mạnh, lại bị ô nhiễm nên cá tôm vắng bóng. Nếu có nhiều người còn chẳng dám ăn vì sợ ô nhiễm.

Khi được hỏi tại sao các hồ nuôi tôm tự phát mọc lên không theo quy hoạch, che chắn dòng chảy mà không bị tháo dỡ, ông Trương Thanh Thảo- Chủ tịch UBND xã Tịnh Khê cho biết: do ô nhiễm nên các hộ nuôi tôm liên tục thất bại. Nhiều hộ lâm vào cảnh nợ nần phải chật vật tìm sinh kế khác hoặc đi nơi khác làm ăn thì lấy đâu ra tiền để tháo dỡ.

Với việc lòng sông bị tắc nghẽn, hiện nay các tàu thuyền không thể ra vào dòng sông để neo đậu, tránh trú bão gây ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động của ngư dân. Hơn nữa, hệ lụy của việc nuôi tôm tự phát vẫn còn đến nay với việc môi trường bị ô nhiễm nặng. Khi mùa nước lớn, nước ở dòng sông thường bị ứ nghẽn, rác thải tràn lan, mùi hôi thối bốc lên nồng nắc, ảnh hưởng lớn đến hàng trăm hộ dân sinh sống ven dòng sông.

Cận cảnh một hồ nuôi tôm bị bỏ hoang trên sông Kinh
Cận cảnh một hồ nuôi tôm bị bỏ hoang trên sông Kinh

Không chỉ cảnh quan sinh thái bị xáo trộn, môi trường bị ô nhiễm mà tiềm năng du lịch của địa phương cũng bị ảnh hưởng rất nhiều bởi sông Kinh nằm trong chuỗi du lịch: rừng dừa nước - sông Kinh - khu du lịch biển Mỹ Khê nên địa phương đã nhiều lần kiến nghị lên cấp trên cho chủ trương, kinh phí để tiến hành giải tỏa, nạo vét dòng sông, nhưng đến giờ vẫn chưa thấy phản hồi. Trong tương lai gần, xã Tịnh Khê sẽ được quy hoạch trở thành phường Tịnh Khê, tuy nhiên, với thực trạng như hiện nay thì rất khó, ông Thảo thở dài.

Được biết, Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản, thuộc Sở NN&PTNT tỉnh đã tiến hành khảo sát thực trạng để có những bước giải quyết tình trạng ngổn ngang, ô nhiễm trên dòng sông Kinh nhưng đến giờ tất cả vẫn nằm trên giấy. Rất mong UBND thành phố, tỉnh Quảng Ngãi quan tâm, ông Thảo kiến nghị.

Đức Huy 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Ngãi: Hệ lụy từ nuôi tôm phong trào
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO