Quảng Ngãi: Đề xuất bảo tồn 5 nguồn gen sinh vật biển đang bị đe dọa

Lan Anh| 26/05/2020 17:56

(TN&MT) - Nguồn tài nguyên hải sản có nguồn gen quý hiếm tại huyện đảo Lý Sơn đang ngày càng cạn kiệt. Do đó, Ban quản lý Khu bảo tồn biển Lý Sơn (MPA) đã đề xuất một chương trình bảo tồn 5 nguồn gen hải sản nguy cấp, quý hiếm bản địa đảo Lý Sơn.

Đa dạng sinh học suy giảm

Vùng biển Lý Sơn có độ đa dạng sinh học cao với các hệ sinh thái điển hình như rạn san hô, thảm cỏ biển với trên 700 loài động thực vật biển được xác định. Trong đó có 157 loài san hô, 202 loài cá biển, 137 loài rong biển, 96 loài giáp xác, 40 loài da gai, 6 loài cỏ biển...vv. Ngoài ra còn có 25 loài nằm trong danh mục các loài thuỷ sinh quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng ở Việt Nam cần được bảo vệ, phục hồi và phát triển do Bộ NN&PTNT công bố năm 2008. Đây là nơi đã chứng kiến sự tồn tại và mất đi của nhiều loài sinh vật quý hiếm như san hô đen, hải sâm, tôm hùm, trai tai tượng...

Các nguồn chất thải là một trong những nguyên nhân làm suy giảm hệ sinh thái tại vùng biển đảo Lý Sơn

Tuy nhiên, những năm qua, độ đa dạng sinh học ở vùng biển ven đảo Lý Sơn đang dần bị suy giảm nghiêm trọng bởi tình trạng đánh bắt thủy sản quá mức và bằng phương tiện mang tính hủy diệt như thuốc nổ, súng điện... Mặc dù lực lượng Công an, Biên phòng đã triệt phá hàng loạt đường dây buôn bán, vận chuyển thuốc nổ trái phép, song một số người dân vẫn lén lút dùng thuốc nổ để “tàn sát” hệ sinh thái biển.

Ngoài ra, các chất hóa học như thuốc diệt nấm, diệt cỏ, diệt kí sinh trùng trong nông nghiệp bị ngấm vào mạch nước ngầm, các chai lọ đựng thuốc hóa học người dân lại đổ thải ra môi trường theo nước mưa ra biển gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường biển.

Một yếu tố khác ảnh hưởng trực tiếp đến hệ sinh thái rạn san hô, rong và cỏ biển của Khu bảo tồn biển là người dân trên đảo khai thác cát để trồng tỏi mỗi năm lên đến trên 150 nghìn m3, dẫn tới gia tăng xói lở bờ biển, các khu vực có cỏ biển sẽ bị phá hủy.

Trong khi đó, những năm gần đây, lượng du khách đến đảo Lý Sơn ngày càng đông, trung bình mỗi ngày có từ 1.000 - 2.000 lượt người tham quan đảo Lý Sơn, những ngày lễ, cuối tuần số lượng đến đảo có thể gần 4.000 - 5.000 người. Ô nhiễm môi trường biển và sự suy giảm của đa dạng sinh học ở Lý Sơn đang đe dọa lớn đến chiến lược phát triển du lịch bền vững của địa phương này.

Nhiều loài hải sản bản địa ở Lý Sơn đang có nguy cơ bị biến mất

Cấp thiết bảo tồn

Trước thực trạng này, Ban quản lý Khu bảo tồn biển Lý Sơn (MPA) đã đề xuất một chương trình bảo tồn gen loài hải sản nguy cấp, quý hiếm bản địa cấp tỉnh tại huyện đảo Lý Sơn lên UBND huyện Lý Sơn, UBND tỉnh Quảng Ngãi. Cụ thể, hải sâm (holothurian nobilis), bào ngư (haliotis sorenseni), tôm hùm đá nhiệt đới (panulirus ornatus), trai tai tượng (tridacna maxima) và rong biển đỏ (laurencia continia) đang bị đánh bắt quá mức ở vùng biển.

Ông Phùng Đình Toàn, Giám đốc của Ban quản lý Khu bảo tồn biển Lý Sơn cho biết năm loài mà BQL đề xuất bảo tồn đã được Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) liệt kê là loài có nguy cơ tuyệt chủng do khai thác hàng loạt trong những năm gần đây. Ngoài ra, việc bảo tồn nguồn gen quý hiếm còn góp phần phát triển nguồn gen phục vụ sản xuất, đặc biệt là nguồn gen được sản xuất ở quy mô hàng hóa, nguồn gen trở thành sản phẩm đặc trưng của địa phương.

Theo đó, 5 nguồn gen của loài hải sản nguy cấp, quý hiếm bản địa được bảo tồn trong giai đoạn 2021 -2025 bằng các giải pháp bảo tồn tại chỗ, ứng dụng tạo giống và nuôi thành phẩm trong quy mô hàng hóa địa phương.

Bảo tồn các nguồn gen quý hiếm, vừa phục vụ sản xuất ở quy mô hàng hóa, tạo sản phẩm đặc trưng địa phương huyện đảo Lý Sơn

Đến năm 2025, thực hiện hoàn thành xác định được thực trạng, giá trị nguồn gen, đánh giá ban đầu ít nhất 25 nguồn gen, tư liệu hóa được ít nhất 25 nguồn gen, xây dựng ít nhất 2 mô hình bảo tồn, đề xuất giải pháp bảo tồn. Tổng kinh phí dự kiến thực hiện 5 tỷ đồng cho 5 năm.

“Sự bùng nổ du lịch và sự phát triển nhanh chóng của các nhà nghỉ, khách sạn ở đảo trong những thập kỷ qua đã dẫn đến hệ lụy sử dụng quá mức tài nguyên thiên nhiên, hải sản và nguồn nước ngọt. Do vậy, nhu cầu bảo tồn nguồn gen quý hiếm như hải sâm, bào ngư, trai tai tượng, tôm hùm để lưu giữ, nhân giống đưa sản xuất phục vụ người dân, du khách là rất cao.”- ông Toàn khẳng định.

Được biết, năm 2018, tỉnh Quảng Ngãi đã phân bổ số tiền 42 tỷ đồng (1,8 triệu USD) để hỗ trợ phục hồi hệ sinh thái và giám sát đa dạng sinh học cũng như tăng cường bảo vệ Khu bảo tồn biển Lý Sơn trong giai đoạn 2018-2022.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Ngãi: Đề xuất bảo tồn 5 nguồn gen sinh vật biển đang bị đe dọa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO