Quảng Nam: Triển khai các giải pháp giảm thiểu sức ép môi trường tới khu di sản Mỹ Sơn

04/01/2019 09:44

(TN&MT) - UBND tỉnh Quảng Nam vừa Phê duyệt Kế hoạch Quản lý Di sản văn hóa Thế giới Khu Di tích Mỹ Sơn nhằm bảo vệ tính nguyên vẹn, xác thực các giá trị nổi bật toàn cầu về văn hóa lịch sử, khảo cổ, cảnh quan, môi trường,tiến tới xây dựng hồ sơ mở rộng trình UNESCO công nhận lần 2 là Di sản Văn hóa Thế giới.

Quảng Nam đang bước đầu sưu tầm phục dựng lại một số nghi lễ cổ trong Khu Di tích Mỹ Sơn như: các điệu múa, các nghi lễ cúng tế (ảnh BQL Di tích)
Quảng Nam đang bước đầu sưu tầm phục dựng lại một số nghi lễ cổ trong Khu Di tích Mỹ Sơn như: các điệu múa, các nghi lễ cúng tế. Ảnh: BQL Di tích

Để thực hiện mục tiêu đó, tỉnh Quảng Nam xác định tầm quan trọng trong việc xây dựng cơ chế phối hợp hoạt động giữa Ban Quản lý Di sản và các cơ quan hữu quan, các doanh nghiệp du lịch, cộng đồng người dân; cũng như công tác đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao năng lực quản lý và trình độ chuyên môn cho đội ngũ làm công tác bảo tồn di sản. Đồng thời, huy động nguồn lực tài chính để phục vụ cho công tác nghiên cứu bảo tồn, tăng cường giao lưu, hợp tác quốc tế. Đặc biệt là thực hiện các giải pháp nhằm giảm thiểu sức ép về môi trường đối với khu di sản Mỹ Sơn để phát triển bền vững.

Theo kế hoạch đã phê duyệt, giai đoạn 2018 - 2020 và định hướng đến 2030, Quảng Nam sẽ tập trung khảo sát, đo đạc, đánh giá mức độ ô nhiễm và ảnh hưởng đối với môi trường tự nhiên gây ra; Nghiên cứu kỹ thuật và vật liệu gốc, tìm kiếm các vật liệu tương đương với vật liệu gốc của di tích để thay thế. Cùng với đó thực hiện các giải pháp như gia cố, tái định vị, khôi phục từng phần, tái sử dụng vật liệu gốc, phục chế vật liệu thay thế, thám sát khảo cổ, lập hồ sơ di tích, bảo tồn nền móng và dựng bia, biển để giới thiệu đối với các công trình, hiện vật đã bị mất, không xác định được vị trí cũ hoặc chỉ còn lại vết tích.

Khu di tích Mỹ Sơn với kiến trúc nghệ thuật điêu khắc đặc sắc của nền văn hoá Chăm (ảnh BQL Di tích)
Khu di tích Mỹ Sơn với kiến trúc nghệ thuật điêu khắc đặc sắc của nền văn hoá Chăm. Ảnh: BQL Di tích

Cùng với đó, triển khai các hoạt động nhằm giảm thiểu nhân tố ảnh hưởng về sức ép môi trường tới khu di sản, lập phương án và triển khai quy hoạch bảo tồn cảnh quan cây xanh phù hợp trong khu vực di sản thế giới và vùng đệm. Đồng thời, trồng các loại cây đặc trưng của khu Đền - Tháp, các loại cây đặc trưng của rừng tự nhiên, các loại cây bản địa.

Cùng với đó, tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện pháp luật trong lĩnh vực trồng và bảo vệ rừng, gắn công tác bảo vệ môi trường với việc quản lý lĩnh vực lâm nghiệp, phòng cháy và chữa cháy rừng, nhằm bảo tồn tính đa dạng sinh học trong các khu rừng, gìn giữ tối đa diện tích rừng tự nhiên. Hiện nay, trong khu vực di sản thế giới và vùng đệm vẫn còn thường xuyên diễn ra các hoạt động khai thác lâm sản ngoài gỗ, khai thác gỗ làm than củi… của người dân nên cần thiết phải có phương án điều chỉnh khoanh vùng các khu di tích và cụm di tích liên quan trong khu di sản, tiến tới xây dựng hồ sơ mở rộng Khu Di tích Mỹ Sơn trình UNESCO công nhận lần 2 là Di sản Văn hóa Thế giới.

Theo đó, trong giai đoạn 2018 - 2020, Quảng Nam sẽ hoàn thành việc xây dựng bản đồ GIS về khoanh vùng bảo vệ các điểm di tích để tích hợp vào hệ thống dữ liệu của tỉnh Quảng Nam, tạo điều kiện cho việc tìm hiểu thông tin về Khu Di tích Mỹ Sơn và hỗ trợ công tác quản lý khu vực khoanh vùng bảo vệ di sản.

Quảng Nam đang tiến tới xây dựng hồ sơ mở rộng Khu Di tích Mỹ Sơn trình UNESCO công nhận lần 2 là Di sản Văn hóa Thế giới (ảnh BQL Di tích)
Quảng Nam đang tiến tới xây dựng hồ sơ mở rộng Khu Di tích Mỹ Sơn trình UNESCO công nhận lần 2 là Di sản Văn hóa Thế giới. Ảnh: BQL Di tích

Trong công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể, tỉnh Quảng Nam sẽ bước đầu nghiên cứu, sưu tầm phục dựng lại một số nghi lễ cổ trong Khu Di tích Mỹ Sơn như các điệu múa, các nghi lễ cúng tế…; khôi phục một số nghề truyền thống của dân tộc Chăm như: gốm, điêu khắc đá, dệt vải, tổ chức sản xuất và giới thiệu sản phẩm đến với du khách; kết hợp sử dụng công nghệ mô phỏng lại các di tích bằng các hình ảnh ba chiều để du khách có thể hình dung đầy đủ tổng thể về Khu di tích Mỹ Sơn, cũng như các tư liệu lịch sử, văn hoá, kiến trúc nghệ thuật điêu khắc đặc sắc của nền văn hoá Chăm.

Được biết, năm 2018, đã có sự chuyển dịch về đối tượng khách, lượng khách Hàn Quốc, Trung Quốc tới tham quan di tích Mỹ Sơn tăng mạnh, các thị trường khách truyền thống như: Tây Âu, Úc, Nhật Bản vẫn giữ ổn định. Kết thúc năm 2018, tổng lượt khách đến Mỹ Sơn tăng 10,34% so với cùng kỳ năm trước, đạt 392,070 lượt người, doanh thu qua vé đạt trên 60 tỷ đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Nam: Triển khai các giải pháp giảm thiểu sức ép môi trường tới khu di sản Mỹ Sơn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO