Quảng Nam: Trả “nợ” rừng xanh

Lan Anh| 22/02/2021 18:58

(TN&MT) - Nhiều cánh rừng bị biến mất - do chuyển đổi mục đích để xây dựng các nhà máy thủy điện và du lịch đã được phục hồi nhanh từ việc trồng rừng thay thế . Màu xanh đang dần trở lại với những cánh rừng ở Quảng Nam.

Phủ xanh rừng

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Quảng Nam, đến nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có hơn 2.148 hecta diện tích đất rừng phải chuyển đổi mục đích, chủ yếu là các dự án thủy điện, khai thác khoáng sản, du lịch và công trình công ích. Sở NN&PTNT Quảng Nam đã tham mưu tỉnh phê duyệt phương án trồng rừng thay thế với tổng diện tích là 2.388 ha. Đến hết năm 2020, tổng diện tích trồng rừng thay thế là hơn 2.200ha, đạt hơn 92,22% so với diện tích đã được tỉnh phê duyệt phương án trồng rừng.

Quảng Nam tích cực trồng rừng thay thế diện tích đất rừng nhường cho các dự án

Đánh giá chất lượng rừng trồng, Sở NN&PTNT cho rằng, phần lớn cây giống trồng rừng được chủ đầu tư mua có nguồn gốc xuất xứ, có giấy chứng nhận nguồn gốc lô cây con do cơ quan quản lý nhà nước cấp, đảm bảo tiêu chuẩn cây con trồng rừng. Hầu hết diện tích rừng trồng được thực hiện đảm bảo theo hồ sơ thiết kế đã được phê duyệt như công tác xử lý thực bì, mật độ trồng, loài cây, đào hố, bón phân.

Theo ông Lê Minh Hưng - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, nhìn chung trồng rừng thay thế diện tích rừng chuyển mục đích sử dụng để xây dựng các công trình thủy điện đảm bảo theo hồ sơ thiết kế đã được phê duyệt, phần lớn diện tích cây trồng sinh trưởng và phát triển bình thường. Tỷ lệ cây sống cao, bình quân trên 75% so với mật độ kiến thiết, đảm bảo mật độ cây sống quy định đối với rừng trồng, cụ thể năm trồng rừng có 87,41% cây sống; năm thứ nhất chăm sóc có 86,4% cây sống; năm thứ 2 có 79,08% cây sống; năm thứ 3 có 78,29% cây sống; năm thứ 4 có 77,81% cây sống;....Tuy nhiên, cây sống có chiều cao dưới 1m đối với rừng trồng năm thứ 3 và năm thứ 4 chiếm tỷ lệ tương đối cao.

Các loại cây được trồng thay thế chủ yếu là giống cây bản địa, đáp ứng được mục tiêu của rừng thay thế sau khi thành rừng.

Mặc dù mới trồng với chu kỳ ngắn, nhưng tương lai các khu vực đã trồng, chăm sóc, quản lý bảo vệ nghiêm ngặt sẽ phục hồi nhanh hệ sinh thái, gây rừng tự nhiên, bảo vệ hiệu quả đất và mạch nước ngầm.  

Quyết liệt các giải pháp

Ông Huỳnh Đức, Giám đốc Quỹ BV&PTR tỉnh Quảng Nam cho biết, đa phần các doanh nghiệp khi thực hiện chuyển đổi không có chuyên môn để trồng lại rừng thay thế, vì vậy đều chọn phương án nộp tiền vào quỹ. Đến nay, có 37 dự án đã nộp tiền về quỹ, với số tiền 168 tỷ đồng. Tỉnh Quảng Nam yêu cầu các dự án thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng, phải lập phương án trồng rừng thay thế, tuân thủ nghiêm nộp quỹ trồng rừng thay thế cho Quỹ Bảo vệ phát triển rừng hoặc Ban Quản lý rừng cấp huyện mới được triển khai dự án.Vì vậy, tỉnh Quảng Nam gần như không có trường hợp các doanh nghiệp chây ỳ nộp tiền trồng rừng thay thế, họ có thể chậm nhưng bắt buộc phải nộp.

Công tác khảo sát khu vực trồng rừng, loại cây trồng phù hợp thay thế được giao chi cục kiểm lâm, chính quyền địa phương, Quỹ bảo vệ phát triển rừng… Sau đó hợp đồng với các đơn vị có liên quan để thực hiện lại việc trồng rừng, có sự giám sát của người dân và chủ đầu tư. Do vậy, trong quá trình triển khai trồng rừng thay thế đã diễn ra được thuận lợi. Tuy nhiên, đến nay ở Quảng Nam chưa có dự án trồng rừng thay thế nào kết thúc, vì thực tế ở Quảng Nam mỗi dự án là “một năm trồng, bốn năm chăm sóc, 5 năm quản lý bảo vệ”, có nghĩa là 10 năm kết thúc dự án rồi mới bàn giao. 

Để bảo đảm quyền lợi và nghĩa vụ của người dân,  Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Tây Giang yêu cầu đơn vị thi công phải sử dụng lao động địa phương 

Ông Nguyễn Văn Sinh, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Tây Giang cho biết, hiện nay đơn vị đang thực hiện trồng rừng thay thế chuyển mục đích để xây dựng công trình thủy điện sông Bung 2 với diện tích gần 60 hecta. Để tránh xảy ra xung đột với người dân trong quá trình thu hồi đất, Ban quản lý rừng thường xuyên vận động nhân dân hiểu đúng, ủng hộ chủ trương trồng rừng thay thế. Bên cạnh đó, bảo đảm quyền lợi và nghĩa vụ của người dân ngay từ ban đầu, ràng buộc các đơn vị thi công phải sử dụng lao động địa phương ngay từ giai đoạn trồng, đến chăm sóc, quản lý, bảo vệ và thực hiện giao nhận khoáng sau 10 năm kết thúc dự án.

“Trồng rừng thay thế cần có cái tâm để làm, chọn đúng loài cây phù hợp với thổ nhưỡng khí hậu của địa phương, hiện nay ở Tây Giang cây Lim đang phát triển rất tốt. Việc trồng rừng thay thế nếu được thực hiện tốt thì sau 10 năm chúng ta sẽ có được rừng tự nhiên, góp phần đảm bảo nguồn nước, phòng hộ đầu nguồn. ”- ông Sinh cho hay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Nam: Trả “nợ” rừng xanh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO