Quảng Nam: Tăng cường kiểm soát ô nhiễm không khí các điểm nóng về ô nhiễm bụi, khí thải

Anh Dũng| 27/03/2023 12:59

UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành công văn số 1582/UBND-KTN yêu cầu các Sở, ngành, địa phương tăng cường kiểm soát ô nhiễm không khí và xử lý triệt để các điểm nóng về ô nhiễm bụi, khí thải trên địa bàn tỉnh.

qn.jpg

Quảng Nam chỉ đạo tăng cường kiểm soát ô nhiễm không khí và xử lý triệt để các điểm nóng về ô nhiễm bụi, khí thải

Theo đó, các Sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố: Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công văn số 2429/UBND-KTN ngày 27/4/2021 và Công văn số 189/UBND-KTN ngày 10/1/2020 về việc tăng cường kiểm soát ô nhiễm không khí và xử lý triệt để các điểm nóng về ô nhiễm bụi, khí thải trên địa bàn tỉnh.

Triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo phân công trong nội dung Báo cáo hiện trạng môi trường tỉnh Quảng Nam năm 2021 "Chất lượng môi trường không khí - Thực trạng và giải pháp” đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1795/QĐ-UBND ngày 6/7/2022.

Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) có trách nhiệm công bố kết quả quan trắc chất lượng môi trường không khí trên Cổng thông tin điện tử của Sở và phối hợp với các cơ quan liên quan công bố trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh và các phương tiện truyền thông; thực hiện kết nối về Bộ TN&MT (sau khi có hướng dẫn về kỹ thuật kết nối dữ liệu của Bộ TN&MT) để các cơ quan chuyên môn, cơ quan thông tấn, báo chí có thể theo dõi, tiếp cận và đưa tin. Trường hợp xảy ra ô nhiễm môi trường không khí, chủ động phối hợp với các Sở, ban, ngành, địa phương liên quan kịp thời cảnh báo cho cộng đồng, Nhân dân biết, phòng tránh, thực hiện biện pháp khắc phục, giảm thiểu.

Tổ chức kiểm tra, giám sát, yêu cầu các cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn thực hiện các biện pháp kiểm soát, đảm bảo xử lý khí thải đạt quy chuẩn kỹ thuật về môi trường, đặc biệt là các cơ sở có phát sinh nguồn bụi, khí thải lớn; đôn đốc, giám sát các cơ sở sản xuất thuộc đối tượng phải lắp đặt quan trắc khí thải tự động và truyền dữ liệu về Sở TN&MT theo quy định.

Tổng hợp danh sách các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có phát sinh bụi, khí thải thuộc đối tượng phải thực hiện quan trắc khí thải tự động, liên tục theo quy định tại Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường; đồng thời, hướng dẫn các cơ sở thuộc đối tượng thực hiện quan trắc khí thải tự động, liên tục thực hiện việc lắp đặt thiết bị quan trắc và truyền dữ liệu về Sở TN&MT, Bộ TN&MT theo đúng quy định.

Sở Thông tin và Truyền thông, Báo Quảng Nam, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh sử dụng các nguồn dữ liệu quan trắc chất lượng môi trường không khí do các cơ quan có thẩm quyền thực hiện để cung cấp thông tin cho cộng đồng xã hội thông qua các phương tiện truyền thông hoặc thông tin dự báo khí tượng, thời tiết hàng ngày.

Sở Giao thông vận tải, Sở Xây dựng kiểm tra, đôn đốc các chủ đầu tư, đơn vị quản lý, thi công các công trình xây dựng, giao thông, cải tạo hạ tầng đô thị thực hiện nghiêm các biện pháp ngăn ngừa, giảm thiểu phát tán bụi, khí thải ra môi trường xung quanh (che chắn công trình, phương tiện vận chuyển vật liệu xây dựng, phế thải xây dựng, phun nước rửa đường…).

Sở Công Thương, Ban Quản lý các Khu kinh tế và Khu công nghiệp tỉnh có trách nhiệm kiểm soát, quản lý chặt chẽ việc phát sinh các loại hơi hoá chất độc hại, khí thải của các cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn, lĩnh vực quản lý; đặc biệt là các cơ sở sản xuất hoá chất, nhiệt điện, xi măng...

Công an tỉnh tăng cường biện pháp nghiệp vụ, phát hiện và kịp thời xử lý các hành vi vi phạm các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, đặc biệt là môi trường không khí.

UBND các huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm chỉ đạo các Phòng chuyên môn và UBND các xã, phường, thị trấn tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân không đốt chất thải rắn, rơm rạ sau thu hoạch để giảm phát sinh khí thải, bụi, gây ô nhiễm môi trường; kịp thời kiểm tra thực tế, xác định và ngăn chặn các hoạt động đốt lộ thiên trên địa bàn. Đồng thời, có các giải pháp tận thu, tái sử dụng phụ phẩm nông nghiệp cho các mục đính khác, hạn chế tình trạng đốt gây ô nhiễm môi trường. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường đối với hành vi đốt chất thải rắn sinh hoạt không đúng quy định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Nam: Tăng cường kiểm soát ô nhiễm không khí các điểm nóng về ô nhiễm bụi, khí thải
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO