Quảng Nam: Sẽ thành lập Khu bảo tồn loài sinh cảnh chà vá chân xám

18/07/2019 19:42

(TN&MT) - Để bảo vệ đàn voọc chà vá chân xám tại thôn Đồng Cố, xã Tam Mỹ Tây, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam trước nguy cơ tuyệt chủng, tỉnh Quảng Nam đang hợp tác với GreenViet thành lập Khu bảo tồn loài sinh cảnh cho đàn voọc với diện tích 150 hecta.

Voọc chà vá chân xám quý hiếm tại khu vực núi Hòn Dồ, xã Tam Mỹ Tây, huyện Núi Thành
Voọc chà vá chân xám quý hiếm tại khu vực núi Hòn Dồ, xã Tam Mỹ Tây, huyện Núi Thành

Ông Trần Hữu Vỹ - Giám đốc Trung tâm GreenViet cho biết: Đề án “Bảo tồn loài voọc chà vá chân xám tại xã Tam Mỹ Tây, huyện Núi Thành giai đoạn 2019-2028” đưa ra mục tiêu phục hồi tối thiểu 150 hecta sinh cảnh sống cho loài voọc chà vá chân xám, kéo dài trong 10 năm (2019 - 2028). Tổng kinh phí dự kiến triển khai đề án là hơn 100 tỷ đồng, chia thành hai giai đoạn.

Các nhóm hoạt động chính của đề án gồm: Giao khoán bảo vệ rừng, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cộng đồng thôn; phục hồi sinh cảnh sống cho các loài chà vá chân xám; nghiên cứu khoa học; thành lập Trung tâm diễn giải thiên nhiên; hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng; phát triển du lịch sinh thái; phát triển kinh tế xã hội vùng đệm; đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ.

Qua kết quả tham vấn, cộng đồng dân cư địa phương đều tích cực ủng hộ Đề án bảo tồn voọc chà vá chân xám, sẵn sàng giao lại đất nương rẫy để phục hồi sinh cảnh sống cho loài voọc. Tuy nhiên, Nhà nước phải có giải pháp đảm bảo sinh kế thay thế bền vững và đền bù theo quy định hiện hành khi thu hồi nương rẫy của người dân.

Hiện qua khảo sát có khoảng 50 con chà vá chân xám đang sinh sống trong ít nhất 4 đàn tại khu vực núi Hòn Dồ, Hòn Ông, Dương Bông và Dương Bản Lầu ở thôn Đồng Cố, xã Tam Mỹ Tây, huyện Núi Thành.

Ông Lê Trí Thanh - Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam thị sát khu vực sống của đàn voọc
Ông Lê Trí Thanh - Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam thị sát khu vực sống của đàn voọc

Không gian sống hiện tại của loài này rộng khoảng 25 héc ta, là những dãy rừng hẹp còn sót lại trên đỉnh núi đá nhưng lại bị chia cắt bởi diện tích rừng keo của người dân địa phương. Chính vì vậy, có nhiều mối đe dọa đến sự sinh tồn của quần thể voọc chà vá chân xám như thiếu thức ăn, nơi ở, khó chống chịu với thời tiết xấu, nguy cơ thoái hóa gen, cháy rừng…

Việc thành lập Khu bảo tồn loài sinh cảnh chà vá chân xám tại xã Tam Mỹ Tây hiện nay là cần thiết. Qua đó, tạo cơ sở pháp lý cho công tác bảo tồn và có thể kết nối với việc bảo tồn những nhóm quần thể chà vá chân xám mới được phát hiện ở huyện Phú Ninh (Quảng Nam), huyện Trà Bồng (Quảng Ngãi).

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh cho biết, thời gian tới, đơn vị tư vấn xây dựng Đề án cần tiếp tục hoàn thiện những ý kiến góp ý của các bên liên quan trước khi trình UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt thành lập Khu bảo tồn loài sinh cảnh voọc chà vá chân xám tại huyện Núi Thành.

Đây sẽ là căn cứ pháp lý để tỉnh bố trí nguồn lực cũng như kêu gọi sự hợp tác của các tổ chức bảo tồn thiên nhiên quốc tế, doanh nghiệp làm du lịch cùng chung tay xây dựng khu bảo tồn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Nam: Sẽ thành lập Khu bảo tồn loài sinh cảnh chà vá chân xám
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO