Quảng Nam: Nghi vấn “núp bóng” xây dựng trang trại “tận thu” đất đi bán?

Lan Anh| 26/03/2020 11:07

(TN&MT) - Nhiều người dân xã Quế Hiệp khi phản ánh đến Báo Tài nguyên và Môi trường về tình trạng ô nhiễm cũng như thực trạng thi công xây dựng trang trại chăn nuôi heo tập trung tại thôn Nghi Sơn, xã Quế Hiệp, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam có nhiều vấn đề mập mờ, không hợp lý.

Dự án “hành dân”

Thời gian qua, người dân dọc tuyến đường ĐH1 QS dài khoảng 22km, chạy qua các xã Quế Hiệp, Quế Xuân 2, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam phản ánh tình trạng xe chở đất quá tải chạy đua chuyến, liên tục từ 3h sáng tới 22h đêm khiến cuộc sống của bị đảo lộn, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông và ô nhiễm môi trường. Bức xúc trước việc gây ô nhiễm của đoàn xe chuyên chở, người dân tại địa phương đã có lần chặn đường không cho xe chạy. Nhưng rồi đâu lại vào đấy, đoàn xe vẫn cứ bon bon như không có chuyện gì xảy ra.

Ông Phan Vinh, thôn Phú Nguyên, xã Quế Xuân 2 bức xúc, những xe chở đất này không những vận chuyển quá tải trọng, phóng nhanh, vượt ẩu “để đua chuyến”, mà còn không được phủ bạt che chắn cẩn thận. Mỗi khi xe tải nối đuôi nhau phi qua, cuốn bụi lên mù mịt, gây ô nhiễm cả khu vực.

Người dân dọc tuyến đường DDH1 QS bức xúc trước tình trạng các xe chở đất gây ô nhiễm môi trường

“Khu vực này ngày xưa là vùng quê yên bình, từ sau Tết đến nay xe chạy rầm rầm, còi xe bấm inh ỏi, mà không phủ bạt chi hết gây ra bụi bặm ngày đêm, người dân hưởng hết. Có bữa mấy xe ni xém gạt họ chết ngay gần ủy ban đó. Dân chừ ra đường thì nơm nớp lo sợ xe chở đất cán phải. Bao nhiêu người kiến nghị lên xã mà có được chi đâu.”- ông Vinh cho biết.

Theo dấu các xe chở đất gắn biển hiệu của Giang Kỳ Thịnh, Hoàng Lan, Hùng Hà, LLP... đến tận nơi đào xúc đất thuộc Dự án trang trại chăn nuôi tập trung tại thôn Nghi Sơn, xã Quế Hiệp, huyện Quế Sơn. Tại đây, các máy xúc đang hoạt động hết công suất với hàng chục xe ben lớn nhỏ chở đất ra vào liên tục. Chỉ trong vòng một tiếng đồng hồ “mật phục” tại mỏ đất, phóng viên đếm được có hơn 100 lượt xe ra vào tấp nập chở đất đi bán cho các dự án san lấp ngoài địa phương. Với tốc độ “đua chuyến” liên tục ra vào của các xe chở đất như vậy nhưng theo quan sát của phóng viên, những quy định cần có tại mỏ khai thác đất như camera giám sát, trạm cân hay cắm mốc lộ giới để kiểm soát khối lượng đất tại đây đều không có.

Các xe này lấy đất từ dự án Trang trại chăn nuôi tập trung tại thôn Nghi Sơn, xã Quế Hiệp, huyện Quế Sơn

Nhiều nghi vấn từ việc “tận thu” đất

Theo tìm hiểu, Dự án Trang trại chăn nuôi heo tập trung tại thôn Nghi Sơn, xã Quế Hiệp, huyện Quế Sơn được UBND tỉnh Quảng Nam cấp Quyết định chủ trương đầu tư số 2136/QD-UBND ngày 14/6/2017 giao Công ty TNHH Trọng Thắng thực hiện. Dự án có tổng diện tích đất sử dụng khoảng 7,6 ha. Đến ngày 9/4/2019, UBND tỉnh Quảng Nam có công văn cho phép Công ty TNHHH MTV Thương mại Dịch vụ Trực Em lập hồ sơ cấp giấy phép khai thác khoáng sản làm vật liệu san lấp công trình.

Theo quyết định đầu tư, dự án khởi công vào tháng 1/2018, dự kiến đến tháng 5/2018 đưa dự án vào hoạt động. Tuy nhiên, Công ty Trọng Thắng liên tục xin gia hạn dự án với lý do gặp vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng. Cụ thể, DN này xin gia hạn lần 1 trong thời gian 1 năm, dự kiến đến tháng 5/2019 hoàn thành (giãn 12 tháng so với Quyết định chủ trương đầu tư đã cấp).

Chấp thuận việc xin gia hạn này, Trung tâm hành chính công và xúc tiến đầu tư Quảng Nam yêu cầu công ty phải đưa dự án vào hoạt động từ tháng 5/2019, trong trường hợp đến tháng 1/2019 dự án vẫn không triển khai xây dựng thì đề nghị UBND tỉnh thu hồi dự án. Thế nhưng, đến thời điểm hiện nay là cuối tháng 3/2020, dự án vẫn ngổn ngang ở giai đoạn “tận thu” đất để làm mặt bằng. Trong khi đó, theo quy định thì dự án chỉ được gia hạn 1 lần và thời gian không quá 06 tháng.

Các xe chở đất nườm nượp ra vào chở đất nhưng không có trạm cân cũng như camera giám sát

Ông Nguyễn Bi - Trưởng phòng TN&MT huyện Quế Sơn cho rằng, việc các xe chở đất phải hoạt động hết công suất là để kịp tiến độ bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư triển khai dự án. Do điều kiện khó khăn về địa hình cùng các điều kiện điện đài nên địa phương ghi nhận kiến nghị của doanh nghiệp không lắp camera giám sát khối lượng! Lượng đất dư thừa ra từ quá trình này thì mới xin tận thu, đưa ra ngoài để san lấp hoặc đổ thải theo đúng chủ trương của tỉnh chứ không phải làm theo kiểu khai thác đất xong rồi bỏ.

“Mình ghi nhận kiến nghị của DN khó khăn về mặt điện đài chớ mình vẫn yêu cầu người ta phải có camera. Còn về phía trách nhiệm của DN phải đề nghị cơ quan có thẩm quyền cho phép. Mà thực ra, trên địa bàn toàn tỉnh ni, trong đó có Quế Sơn một số đơn vị tận thu người ta không thể làm kịp được. Việc lắp camera chỉ là một biện pháp giám sát khối lượng mà thôi”. - ông Bi cho hay.

Theo đại diện phòng TN&MT huyện Quế Sơn, không cần camera vẫn có thể biết khối lượng đất lấy đi

Những dấu hiệu “ưu ái” cho doanh nghiệp tận thu đất bỏ qua các quy định như thế nào, Báo Tài nguyên & Môi trường sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Nam: Nghi vấn “núp bóng” xây dựng trang trại “tận thu” đất đi bán?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO