Quảng Nam: Ngăn chặn khai thác vàng “chui”

24/10/2013 00:00

Chỉ trong một thời gian ngắn, tại thôn Bồng Miêu, xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh, Quảng Nam đã xảy ra 2 vụ tai nạn làm 4 người đào đãi vàng trái phép...

(TN&MT) - Chỉ trong một thời gian ngắn, tại thôn Bồng Miêu, xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh, Quảng Nam đã xảy ra 2 vụ tai nạn làm 4 người đào đãi vàng trái phép thiệt mạng, khiến tình hình an ninh trật tự ở đây càng thêm phức tạp. Trước tình trạng khai thác vàng “chui” đang rộ lên ở khu vực này, các cơ quan chức năng Quảng Nam đang khẩn trương vào cuộc để ổn định an ninh trật tự và cuộc sống cho người dân.
   
Muôn kiu… “vàng tc”
   
  Tam Lãnh vốn là khu vực phức tạp về khai thác vàng trái phép. Đặc biệt, mấy tháng gần đây, nhiều người dân ở địa phương khác tới đây khai thác vàng trái phép. “Chúng tôi nhận định, tình trạng này sẽ kéo theo hàng loạt tệ nạn như tiêm chích ma túy, cờ bạc, rồi buôn bán chất cyanua, thuốc nổ… làm cho tình hình an ninh trật tự càng trở nên phức tạp. Trong khi đó, Tam Lãnh là xã có diện tích rộng, tiếp giáp với nhiều địa phương khác như Tiên Phước, Bắc Trà My, Núi Thành nên rất khó trong khâu quản lý con người” - Thượng tá Lê Hoài Nam - Phó Trưởng Công an huyện Phú Ninh cho biết.
   
  Tuy nhiên, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của chính quyền địa phương, thời gian qua, các lực lượng chức năng của huyện đã phối hợp tổ chức 6 đợt truy quét các đối tượng khai thác, chế biến, tàng trữ, vận chuyển khoáng sản trái phép tại xã Tam Lãnh với gần 200 lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia. Đồng thời tiến hành chốt chặn, kiểm soát hành chính tại Đồi Sim và Hố Ráy.
   
  Cũng theo Thượng tá Lê Hoài Nam, do địa bàn phức tạp nên nhiều đối tượng trà trộn vào để lén lút khai thác. Đặc biệt là khu vực Núi Kẽm, nơi thường xuyên diễn ra các hoạt động khai thác vàng trái phép, nằm gần khu dân cư nên người ta có thể dễ dàng tiếp cận khu vực này.
   
   
  Thêm vào đó, hệ thống hầm hào từ thời Pháp để lại chằng chịt, rất sâu, có nơi sâu đến 300 - 400m. Những người khai thác sau này lại đào thêm các ngõ ngách… nên lực lượng chức năng khó có thể kiểm soát hết được. Những trường hợp thiệt mạng vừa qua do thiếu oxy khi chui xuống hầm sâu là một minh chứng rõ nhất. Khi chưa được hỗ trợ về các máy móc cần thiết, khó có thể tiến hành kiểm soát được, bởi đa số những người khai thác vàng trái phép đều chui xuống dưới hầm sâu để hoạt động.
   
  Bên cạnh đó, một số khu vực trồng keo, sắn của người dân địa phương nằm ngay trên khu vực khai thác vàng trái phép. Một số đối tượng lợi dụng để trà trộn vào đó, rất khó kiểm soát. Nếu có hỏi, họ bảo đi làm rẫy thì lực lượng truy quét cũng chịu. Vả lại, có quá nhiều đường để đi vào khu vực này. Mình có thể đặt chốt chặn tại các trục đường chính, chứ còn đường mòn, đường của người dân đi làm rẫy, không thể chốt chặn được. Lực lượng còn quá mỏng nên khó kiểm soát.
  Tỉnh ra “tối hậu thư”
   
  Trước mắt, các ban ngành phải vào cuộc, phối hợp làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân không khai thác vàng trái phép. Các lực lượng liên quan, mà chủ công là công an, phải phối hợp chặt chẽ, liên tục tổ chức tiến hành truy quét, xử lý vi phạm, đẩy đuổi đối tượng khai thác vàng trái phép ra khỏi địa phương.
   
  Hiện nay, để đảm bảo tình hình an ninh trật tự trên địa bàn cũng như các vùng lân cận, Đồn Công an Tam Lãnh đã được thành lập. “Chúng tôi cũng đã xây dựng phương án chốt chặn hành chính trên 2 tuyến giao thông trọng điểm ở khu vực khai thác nhằm khống chế, ngăn chặn hoạt động tiếp tế cho những người khai thác vàng trái phép trên địa bàn. Sắp tới, Công an huyện tham mưu tiến hành đặt biển cấm, biển báo nguy hiểm ở các miệng hầm, lò để cảnh báo cho người dân được biết. Đối với những hệ thống hầm lò quá nguy hiểm, sẽ tiến hành đánh sập” - Thượng tá Lê Hoài Nam cho hay.
   
  Song hành với công tác chốt chặn, việc đẩy mạnh chính sách an sinh xã hội, tạo việc làm cho những người không có việc làm ổn định là quan trọng. Bởi thử làm phép so sánh đơn giản, một gia đình có 4 người, làm 5 sào ruộng, trong 1 mùa vụ cao nhất thu được cũng chỉ hơn 10 triệu đồng. Nhưng nếu làm vàng, chỉ cần “gặp may” 1 tuần, có thể đạt được số tiền đó. Nói cách khác, những người làm vàng đều là những người khó khăn về cuộc sống. Chính vì vậy, nếu hỗ trợ họ có công ăn việc làm ổn định, ít ra cũng cho họ thấy không cần thiết phải đánh cược số phận với sự hiểm nguy để có được nguồn lợi đó. Nếu đảm bảo được điều này, tin rằng số người tham gia làm vàng trái phép sẽ giảm đi rất nhiều.
   
  Trước diễn biến phức tạp tình hình khai thác khoáng sản, lâm sản trái phép ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Nam thời gian từ sau tết 2013 đến nay, ông Lê Phước Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã ra Công văn số 1777/UBND-KTN ngày 20/5 yêu cầu các UBND huyện/thành phố trên địa bàn tỉnh tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm túc về tăng cường công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh.  Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo cho Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở NN&PTNT tỉnh có trách nhiệm phối hợp chỉ đạo, đôn đốc và kiểm tra công tác chấp hành của các địa phương trong lĩnh vực quản lý hoạt động khoáng sản và bảo vệ rừng; địa phương nào để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản và lâm sản trái phép do buông lỏng quản lý phải lập biên bản và báo cáo về UBND tỉnh và Sở Nội vụ, trong đó đề xuất phê bình, kỷ luật đối với chính quyền địa phương và các cá nhân liên quan; địa phương nào để tái diễn nhiều lần có tính hệ thống phải đề xuất thay thế cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý kịp thời. Mặt khác, Sở Nội vụ phải phối hợp kiểm tra, theo dõi và không đưa vào xét thi đua, khen thưởng hàng năm đối với các địa phương do buông lỏng quản lý để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản và lâm sản trái phép trên địa bàn.
Xuân Lam
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Nam: Ngăn chặn khai thác vàng “chui”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO