Quảng Nam: Nâng cao hiệu quả quản lý và bảo vệ rừng

16/07/2018 19:51

(TN&MT) - Để thực hiện mục tiêu phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững, thời gian qua tỉnh Quảng Nam đã ban hành nhiều nghị quyết chuyên đề, cơ chế chính sách ... để tăng cường công tác bảo vệ rừng trong tình hình mới, phát triển kinh tế lâm nghiệp kết hợp với phát triển kinh tế - xã hội miền núi tỉnh Quảng Nam. Tuy nhiên, tình trạng xâm hại rừng trái phép vẫn còn diễn ra, tỉnh Quảng Nam cần có những giải pháp để khắc phục hạn chế, tồn tại trong công tác quản lý và bảo vệ rừng.

Thay đổi ý thức người dân

Là địa phương có diện tích phần lớn rừng núi, đời sống người dân còn nhiều khó khăn, chủ yếu sản xuất nương rẫy, nhận thức về công tác bảo vệ rừng và PCCCR còn hạn chế. Nhu cầu gỗ làm nhà của người dân miền núi là rất lớn, giá gỗ nguyên liệu cao dẫn đến người dân lấn chiếm đất lâm nghiệp, khai thác gỗ trái phép ngày càng gia tăng. Chính vì thế, việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức gắn với trách nhiệm quản lý, bảo vệ rừng của các cấp ủy đảng, chính quyền... mọi tầng lớp nhân dân là rất quan trọng. Nhất là đề cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu của các địa phương, đơn vị trong công tác quản lý, bảo vệ rừng.

Tỉnh Quảng Nam đang tổ chức rà soát lại quỹ đất lâm nghiệp trên địa bàn, đẩy mạnh công tác giao đất, giao rừng, thuê đất thuê rừng cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn, các tổ chức cá nhân phát triển kinh tế lâm nghiệp, phát triển lâm sản ngoài gỗ, cây dược liệu dưới tán rừng. Hiện có 4 tổ chức thuê dịch vụ môi trường rừng để trồng sâm Ngọc Linh với diện tích 44,47ha và 2 đơn vị sự  nghiệp của địa phương sửa dụng dịch vụ môi trường rừng để trồng sâm Ngọc Linh với diện tích 10,9ha. Đồng thời, tỉnh Quảng Nam cũng đang quy hoạch phát triển cây quế Trà My với diện tích 10.000 ha. Đây là tín hiệu tốt để người dân có công ăn việc làm, tạo sinh kế ổn định cho người dân đi đôi với công tác bảo vệ và phát triển rừng.
 

Nếu kiện toàn được bộ máy quản lý và có đủ nhân lực trong công tác bảo vệ rừng, tỉnh Quảng Nam không chỉ quản lý bảo vệ rừng tốt mà còn nâng cao hiệu quả trong sản xuất lâm nghiệp
Nếu kiện toàn được bộ máy quản lý và có đủ nhân lực trong công tác bảo vệ rừng, tỉnh Quảng Nam không chỉ quản lý bảo vệ rừng tốt mà còn nâng cao hiệu quả trong sản xuất lâm nghiệp

Ngoài ra, đối với rừng phòng hộ ven biển, để quản lý, bảo vệ  gắn với phát triển các dự án theo quyết định mở rộng Khu kinh tế mở Chu Lai của Thủ tướng Chính phủ nhằm xây dựng vùng kinh tế động lực cho sự phát triển của Quảng Nam và kỳ vọng nơi này sẽ trở thành trung tâm du lịch, dịch vụ, giải trí mang tầm Quốc tế, tỉnh Quảng Nam đang sắp xếp, thiết lập các đai rừng phòng hộ; đảm bảo vừa phát triển được các khu chức năng, khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch, sắp xếp bố trí lại dân cư để đảm bảo an toàn khi xảy ra thiên tai, đồng thời giữ được hệ thống rừng để chống chịu gió bão, vừa tạo cảnh quan sinh thái ở khu vực ven biển cũng như góp phần giảm tác động của biến đổi khí hậu. Theo dự tính, tổng diện tích thiết lập bố trí lại các đai rừng phòng hộ ven biển khoảng 2.120 ha.

Sắp xếp tổ chức lại lực lượng bảo vệ rừng

Toàn tỉnh Quảng Nam có diện tích đất lâm nghiệp là 729.756,8 ha, theo quy định thì thì tổng nhu cầu biên chế quản lý 3 loại rừng  (rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất) là 880 biên chế, tuy nhiên tỉnh Quảng Nam chỉ mới có 405 biên chế, thiếu trầm trọng nhân lực phục vụ công tác quản lý và bảo vệ rừng. Do đó, trong báo cáo tình hình thực hiện sản xuất lâm nghiệp và quản lý bảo vệ rừng 5 tháng đầu năm 2018, tỉnh Quảng Nam đã đề nghị Chính phủ xem xét, điều chuyển định biên công chức kiểm lâm của những địa phương có diện tích rừng tự nhiên ít, trữ lượng thấp để bổ sung cho những địa phương có diện tích rừng tự nhiên lớn, công tác bảo vệ rừng phức tạp như  Quảng Nam.
 

Là địa phương có diện tích phần lớn rừng núi, người dân chủ yếu sản xuất nương rẫy, nhận thức về công tác bảo vệ rừng còn hạn chế nên việc nâng cao ý thức cho người dân trong công tác bảo vệ rừng rất cần thiết
Là địa phương có diện tích phần lớn rừng núi, người dân chủ yếu sản xuất nương rẫy, nhận thức về công tác bảo vệ rừng còn hạn chế nên việc nâng cao ý thức cho người dân trong công tác bảo vệ rừng rất cần thiết

Về tổ chức bộ máy, tỉnh Quảng Nam đã đề nghị lê Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức lại các Hạt Kiểm lâm trong các khu rừng phòng hộ, đặc dụng theo hướng trên địa bàn mỗi huyện chỉ tổ chức 1 Hạt Kiểm lâm thực thi pháp luật về quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn toàn huyện, không phân biệt trong hay ngoài lâm phận  các khu rừng phòng hộ, đặc dụng. Giám đốc Ban quản lý rừng độc lập với Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm, Hạt Kiểm lâm trực thuộc Chi cục Kiểm lâm. Việc thành lập Hạt Kiểm lâm tại các Ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng do địa phương quản lý chỉ thực hiện khi thực sự cần thiết.

Đồng thời, cho phép tỉnh Quảng Nam làm thí điểm tách các Ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng quản lý theo lưu vực, liên huyện hiện có thành các Ban quản lý từng huyện và phân cấp trực thuộc UBND huyện (có thể giao quản lý thêm các diện tích rừng tự nhiên khác trên địa bàn huyện hiện nay do UBND xã quản lý; bổ sung thêm nhiệm vụ thực hiện Chương trình phát triển rừng bền vững trên địa bàn huyện).

Cụ thể như, trên địa bàn huyện Nam Giang, sắp xếp lại BQL Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh và BQL rừng phòng hộ Nam Sông Bung thành một BQL và đề nghị Bộ NN&PTNT hỗ trợ để thực hiện chủ trương chuyển hạng Vườn Quốc Gia Sông Thanh; trên địa bàn huyện Phước Sơn giải thể 2 Hạt Kiểm lâm rừng phòng hộ Đak Mi và Phước Sơn - Hiệp Đức để thành lập lại Hạt Kiểm lâm Phước Sơn thực hiện chức năng thừa hành pháp luật trên địa bàn toàn huyện Phước Sơn. Đối với địa bàn các huyện khác cũng nên sắp xếp mỗi huyện chỉ có 1 BQL rừng để phân cấp cho địa phương quản lý.

Nếu kiện toàn được bộ máy quản lý và có đủ nhân lực trong công tác bảo vệ rừng, tỉnh Quảng Nam không chỉ quản lý bảo vệ rừng tốt mà còn nâng cao hiệu quả trong sản xuất lâm nghiệp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Nam: Nâng cao hiệu quả quản lý và bảo vệ rừng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO