Quảng Nam: Lắp đặt hệ thống camera giám sát qua Internet quản lý khai thác khoáng sản trái phép
Thứ Ba 12/06/2018 , 15:26 (GMT+7)
(TN&MT) - Sáng nay (12/6), tại thị xã Điện Bàn, UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức Hội nghị bàn phương án quản lý khoáng sản cát, sạn và sỏi lòng sông Vu Gia – Thu...
(TN&MT) - Sáng nay (12/6), tại thị xã Điện Bàn, UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức Hội nghị bàn phương án quản lý khoáng sản cát, sạn và sỏi lòng sông Vu Gia - Thu Bồn. Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu chủ trì, cùng lãnh đạo 4 địa phương là TX. Điện Bàn, huyện Đại Lộc, Duy Xuyên, Thành phố Hội An và 131 xã phường, thị trấn quản lý lòng sông Vu Gia - Thu Bồn tham gia hội nghị.
Hoạt động khai thác cát, sỏi trên sông Thu Bồn tại Điện Bàn rất khó kiểm soát
Hầu hết các doanh nghiệp đều vi phạm
Theo Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Quảng Nam: Hiện nay, Quảng Nam quy hoạch 184 mỏ, điểm khai thác cát, sỏi với tổng diện tích hơn 1.700 ha, trữ lượng khoảng 60 triệu mét khối. UBND tỉnh Quảng Nam đã cấp phép cho 28 doanh nghiệp với 37 giấy phép khai thác cát, sỏi, chủ yếu tập trung ở sông Vu Gia - Thu Bồn. Theo báo cáo, tổng sản lượng khai thác năm 2016 và 2017 là 1 triệu m3. 5 tháng đầu năm 2018 khối lượng khai thác giảm so với cùng kỳ do nhu cầu cát trên thị trường giảm mạnh.
Báo cáo đánh giá tình hình khai thác cát, sỏi của UBND tỉnh Quảng Nam cho biết: hầu hết các doanh nghiệp khai thác khoáng sản vẫn còn nhiều vi phạm, tồn tại. Vì lợi nhuận, nhiều đơn vị được cấp phép chưa tự giác thực hiện đúng, đầy đủ các quy định của pháp luật trong quá trình hoạt động. Qua kiểm tra, cơ quan chức năng tỉnh Quảng Nam đã tiến hành xử lí vi phạm 12 đơn vị và chuyển cho các cơ quan thẩm quyền xem xét. Các lỗi mà các doanh nghiệp vi phạm chủ yếu như: khai thác vượt ranh giới cấp phép; các doanh nghiệp không có giám đốc điều hành mỏ; lập báo cáo thống kê, kiểm tra trữ lượng khoáng sản không đầy đủ thông tin; khai thác không đúng trình tự; không thực hiện giám sát môi trường; cắm móc các điểm khép góc chưa đầy đủ số lượng; không có giấy phép bến thủy nội địa.
Quá trình kiểm tra, có 7 giấy phép đang tạm dừng hoạt động khai thác, trong đó có 01 giấy phép tạm dừng vì không có đường vận chuyển của Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng Phú Quang (khai thác tại Điện Bàn); 01 doanh nghiệp tạm dừng do thay đổi công nghệ khai thác; 5 giấy phép tạm dừng do không được sự đồng thuận của người dân, trong đó có 3 giấy phép ở Điện Bàn là công ty 501 (02 giấy phép); Công ty Gia Lộc (02 giấy phép); công ty An Thịnh (01 giấy phép) và công ty Nhất Tài (01 giấy phép).
Khai thác cát gây sói lở bờ sông Thu Bồn đoạn qua TX. Điện Bàn
Trong những thời điểm nhu cầu cát, sỏi xây dựng trên thị trường tăng mạnh đã xảy ra tình trạng các doanh nghiệp cho khai thác ồ ạt, khai thác trái phép không đúng trữ lượng cho phép, hoạt động vận chuyển khoáng sản gây ô nhiễm môi trường, hư hỏng đường giao thông gây bức xúc trong người dân.
Khó kiểm soát hoạt động khai thác
Cát, sỏi là loại khoáng sản dễ khai thác, không cần đầu tư nhiều nhưng lợi nhuận mang lại cao khi khai thác trái phép, nên nhiều đối tượng đã cố tình vi phạm với nhiều phương thức, thủ đoạn nhằm đối phó với cơ quan chức năng như: khai thác ban đêm, khai thác ở các vùng giáp ranh giữa các địa phương. Khi có hoạt động kiểm tra của lực lượng chức năng thì các đối tượng di chuyển phương tiện khai thác đến địa điểm khác nhằm tránh bị kiểm tra, xử lý, có tổ chức cảnh giới ngày, đêm để thông báo cho nhau, thậm chí trang bị công cụ để chống trả lại lực lượng chức năng khi bị bắt giữ. Nếu không có thanh tra giao thông và lực lượng công an đi cùng rất khó tiếp cận và lập hồ sơ xử lý. Thậm chí không loại trừ khả năng các đối tượng cấu kết với cán bộ, công chức phụ trách để nắm trước kế hoạch, lịch kiểm tra của cơ quan chức năng, hoặc có sự tiếp tay làm ngơ, bao che cho các đối tượng khai thác trái phép.
Ngoài ra, việc tồn tại hàng chục các bến bãi tập kết cát sỏi của các tổ chức cá nhân không có mỏ được cấp phép và các bến bãi tập kết trái phép cũng đã góp phần tạo điều kiện cho các đối tượng tập kết và tiêu thụ cát, sỏi trái phép.
Nguyên nhân được xác định là: một số cấp ủy, chính quyền địa phương, cán bộ phụ trách chưa thực hiện đúng, đầy đủ nội dung chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Nam và những quy định của pháp luật, thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý và không loại trừ khả năng chạy theo lợi ích cục bộ nên đã làm ngơ, bao che, tiếp tay cho các đối tượng vi phạm, hoặc xử lý vi phạm không nghiêm, nhờn luật.
Người dân xã Điện Quang, TX. Điện Bàn phản ánh với PV Báo TN&MT về tình trạng sạt lở bờ sông Thu Bồn do hoạt động khai thác cát lòng sông
Để ngăn chặn và đẩy lùi các vi phạm trong hoạt động khai thác cát, sỏi trên địa bàn, Sở TN&MT tỉnh Quảng Nam đã đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam xem xét, tiếp tục chỉ đạo các ngành, địa phương thực hiện nghiêm các giải pháp, nội dung về triển khai các giải pháp, nhiệm vụ nhằm tăng cương hiệu lực quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh; Chương trình hành động tăng cường quản lý bảo vệ tài nguyên khoáng sản (Giai đoạn 2016 - 2020) của tỉnh Quảng Nam. Theo đó, thực hiện hiệu quả việc kê khai, theo dõi chặt chẽ sản lượng khoáng sản thực tế khai thác và nghĩa vụ tài chính đối với các đơn vị được cấp phép; tăng cường công tác kiểm tra giám sát việc chấp hành các quy định về thời gian khai tác cát, sỏi của các doanh nghiệp.
Tăng cường công tác quản lý địa bàn của các cấp chính quyền địa phương trong việc theo dõi nắm tình hình khai thác, phương tiện khai thác, vận chuyển, tập kết, trung chuyển kinh doanh cát, sỏi trên địa bàn; đề xuất sắp xếp lại bến bãi theo hướng tập trung, lắp đặt hệ thống camera giám sát qua internet để đảm bảo hạn chế trình trạng khai thác trái phép, vận chuyển quá tải trọng và hành trình phương tiện giao thông để có hình thức xử lý nghiêm các đơn vị vi phạm.
Phát biểu trọng hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam ông Đinh Văn Thu đã nhấn mạnh: UBND tỉnh Quảng Nam sẽ cương quyết đóng cửa các bến bãi tập kết cát, sỏi không có đầy đủ giấy tờ theo quy định; tiếp tục tạm dừng cấp mới, gia hạn, chuyển nhượng giấy phép khai thác cát, sỏi trên địa bàn TX.Điện Bàn, huyện Đại Lộc, Duy Xuyên, TP. Hội An. Đối với các địa phương còn lại cấp tối đa không quá 03 giấy phép. Phải xác định việc ngăn chặn và đẩy lùi các vi phạm trong hoạt động khai thác cát, sỏi gây thất thoát tài nguyên quốc gia là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên của các cấp chính quyền địa phương.
Công an tỉnh Bắc Giang sẽ tăng cường công tác kiểm tra để kíp thời phát hiện các hành vi tiêu cực, tham nhũng trong công tác cấp phép, quản lý, khai thác khoáng sản.
Trước thực tế giá cát xây dựng tại Đà Nẵng tăng gấp ba do nguồn cung khan hiếm, thành phố Đà Nẵng phối hợp tỉnh Quảng Nam bình ổn giá, đảm bảo nguồn vật liệu.
UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành Quyết định số 1571/QĐ-UBND về việc thực hiện Kế hoạch triển khai thi hành Luật Địa chất và khoáng sản trên địa bàn tỉnh.
Nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương là người ghi dấu ấn đặc biệt trong việc xây dựng những công trình bản đồ địa chất khoáng sản, góp phần mở ra chiến lược phát triển công nghiệp khai khoáng cũng như phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Bộ Xây dựng đề nghị quản lý chặt chẽ, tăng cường kiểm tra, giám sát việc cấp phép, khai thác cát, sỏi trên sông, suối, kênh, rạch để hạn chế xảy ra sạt lở.
Chính phủ chấp thuận áp dụng quy định về cấp giấy phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, đối với các mỏ cát biển tại Phú Quốc (Kiên Giang).
UBND tỉnh Quảng Ngãi chỉ đạo các sở, ban, ngành và địa phương tăng cường công tác bảo đảm an toàn công trình đê điều, thủy lợi trong mùa mưa, lũ năm 2025.