Quảng Nam: Khởi nghiệp từ Nông nghiệp hữu cơ

07/12/2018 16:46

(TN&MT) - Sản xuất nông nghiệp hữu cơ nhằm bảo đảm cho hệ sinh thái phát triển bền vững, tạo ra sản phẩm an toàn, hướng đến sự chuyển hóa khép kín trong canh tác nông nghiệp. Tuy nhiên, dù dư địa cho nông sản hữu cơ được đánh giá còn trên 90%, nhưng việc sản xuất nông nghiệp hữu cơ hiện gặp nhiều khó khăn về tiếp cận nguồn vốn, kỹ thuật và tạo dựng lòng tin cho thị trường.

Tại Quảng Nam, sản xuất nông nghiệp hữu cơ đã và đang trở thành xu hướng khởi nghiệp của giới trẻ
Tại Quảng Nam, sản xuất nông nghiệp hữu cơ đã và đang trở thành xu hướng khởi nghiệp của giới trẻ

Tại Quảng Nam, sản xuất nông nghiệp hữu cơ đã và đang trở thành xu hướng khởi nghiệp của giới trẻ với các mô hình nông nghiệp hữu cơ, tạo ra các sản phẩm sạch, an toàn, phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng hiện nay. 

Tuy nhiên, khái niệm về sản xuất nông nghiệp hữu cơ chưa được phổ biến, việc tiếp cận nguồn vốn vay để đầu tư ban đầu gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là khâu tiêu thụ sản phẩm do không cạnh tranh được về giá đối với các sản phẩm sản xuất nông nghiệp truyền thống. Hơn nữa, sản phẩm hữu cơ cũng chưa được người tiêu dùng thực sự tin tưởng. 

Sinh ra từ làng và hiểu rõ về những sản phẩm nông nghiệp, Nguyễn Tấn Pháp, xã Điện Phong, thị xã Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam) đã chọn mô hình rau hữu cơ để khởi nghiệp. Một ngày của Pháp bắt đầu từ 6 giờ 30 sáng chở rau ra thành phố giao cho khách hàng, chiều cắm cúi chăm sóc vườn rau đến khi mặt trời lặn mới trở về nhà. Vất vả là vậy, nhưng Pháp là một trong nhiều các bạn trẻ tại thị xã Điện Bàn mở lối đi cho mình bằng mô hình trồng rau hữu cơ vì niềm đam mê nông nghiệp sạch.

Nguyễn Tấn Pháp đã chọn mô hình rau hữu cơ để khởi nghiệp
Nguyễn Tấn Pháp đã chọn mô hình rau hữu cơ để khởi nghiệp

Nguyễn Văn Pháp cho biết: Nhận thấy thị trường nông sản sạch rất tiềm năng, trong khi hiện nay thực phẩm bẩn, thực phẩm không an toàn tràn nan, người tiêu dùng rất khó nhận biết. Tuy nhiên, khi bắt tay vào làm thì lại không hề đơn giản, giá thành cao hơn rau trồng theo phương pháp truyền thống nên rất khó cạnh tranh, người tiêu dùng thì chưa thực sự tin tưởng vào sản phẩm nông sản sạch, nên việc xây dựng thương hiệu là vấn đề hết sức quan trọng để tạo long tin cho người tiêu dùng.  

Cũng lựa chọn khởi nghiệp từ mô hình nông nghiệp sạch, Hồ Công Thái, xã Điện Tiến, Điện Bàn, Quảng Nam đã chọn mô hình trồng rau sạch theo phương pháp thủy canh, đây là mô hình còn khá mới mẻ tại Quảng Nam.

Với số vốn đầu tư ban đầu lên tới gần 800 triệu đồng, Hồ Công Thái bắt tay thực hiện ước mơ trồng rau sạch. Tự mày mò tìm hiểu kỹ thuật, đi tham quan học tập kinh nghiệp nhiều nơi, rồi cho ra đời trang trại rau trồng theo phương pháp thủy canh đầu tiên ở thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Đến nay, mô hình này bước đầu đã phát huy hiệu quả.

Nguyễn Tấn Pháp đã chọn mô hình rau hữu cơ để khởi nghiệp
Hồ Công Thái với mô hình trồng rau sạch theo phương pháp thủy canh, đây là mô hình còn khá mới mẻ tại Quảng Nam

So với trồng rau truyền thống, trồng rau theo phương pháp thủy canh giúp tiết kiệm đất, nước dựa vào việc bố trí sắp xếp các kệ trồng, đặc biệt giúp rau cách ly với nguồn sâu bệnh, nguồn nước ô nhiễm thông qua phương pháp thủy canh hồi lưu. Với mô hình này, ngoài khâu chăm bón tỉ mỉ, thì việc lựa chọn cây giống cũng rất nghiêm ngặt. Tất cả giống rau trồng trong trang trại của Thái đều được nhập khẩu từ nước ngoài nên giá thành khá đắt đỏ.

Thái cho rằng, để phát triển mô hình nông nghiệp hữu cơ bền vững, ngoài niềm đam mê với nông nghiệp sạch, thì rất cần sự hỗ trợ tích cực của chính quyền địa phương trong việc tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi. Mong muốn của Thái sẽ tiếp cận được với nguồn hỗ trợ của Chính phủ về công nghệ cao để mở rộng sản xuất nông nghiệp sạch.  

Mô hình trồng rau hữu cơ của Bùi Thị Thanh Sương ở Điện Ngọc, Điện Bàn có diện tích hơn 1.000m2 theo phương pháp thủy canh. Ban đầu, Sương gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm. Tuy nhiên đến nay, trung bình mỗi ngày Sương đã cung cấp ra thị trường hơn 100kg rau, củ sạch các loại, mỗi tháng doanh thu trên 50 triệu đồng, trừ chi phí Sương có lãi trên 20 triệu đồng.

Thương hiệu rau sạch mang tên 'Vườn nhiệt đới Kapi' của Bùi Thị Thanh Sương đã và đang chiếm được lòng tin của khách hàng
Thương hiệu rau sạch mang tên "Vườn nhiệt đới Kapi" của Bùi Thị Thanh Sương đã và đang chiếm được lòng tin của khách hàng

Thương hiệu rau sạch mang tên Vườn nhiệt đới Kapi của Sương đã và đang chiếm được lòng tin của khách hàng bởi các sản phẩm rau, củ, quả sạch phong phú. Ngoài ra, Sương đang tiếp tục phát triển ý tưởng gắn phát triển nông nghiệp sạch với du lịch sinh thái.

Bùi Thị Thanh Sương cho biết, hiện nay người tiêu dùng đã chú trọng hơn về những sản phẩm sạch và ở Quảng Nam cũng đã có nhiều dự án mạnh dạn đầu tư vào nông nghiệp sạch. Tuy nhiên, những người trẻ khởi nghiệp từ nông nghiệp hữu cơ như Sương nguồn vốn không có nhiều, mà quan trọng nhất vẫn là vốn để đầu tư mở rộng phát triển sản xuất. 

Có nhiều cách để khởi nghiệp và khởi nghiệp từ nông nghiệp hữu cơ đang là một trong những hướng đi mà nhiều bạn trẻ ở Quảng Nam lựa chọn. Dù biết, khởi nghiệp chưa bao giờ là dễ dàng với thanh niên nông thôn, nhưng hiệu quả bước đầu từ mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ đang tạo được cảm hứng cho nhiều bạn trẻ ở Quảng Nam làm giàu trên chính quê hương mình.   

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Nam: Khởi nghiệp từ Nông nghiệp hữu cơ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO