Quảng Nam: Giữ rừng thiêng Pơ mu

31/08/2016 00:00

(TN&MT) - Cùng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, trong khi rừng pơ mu hàng trăm tuổi tại xã biên giới La Dêê, huyện Nam Giang bị “lâm tặc” chặt phá khủng khiếp, thì cánh rừng pơ mu nguyên sinh nằm trên đỉnh núi Zi’liêng, huyện Tây Giang vẫn được người dân tộc Cơ Tu bảo vệ và gìn giữ trọn vẹn từ nhiều đời nay

Bảo vệ Pơmu như mạng sống của mình

Rừng Pơ mu nằm ở huyện Tây Giang thuộc hai xã miền núi Axan và Tr’Hy, nằm trên núi Zi’liêng ở độ cao khoảng 1.500m so với mực nước biển, nơi đây với 95% là đồng bào dân tộc Cơ tu sinh sống.

Rừng Pơ mu được chính quyền Tây Giang phát hiện vào năm 2008, đến năm 2011 mới công bố. Quần thể Pơ mu phân bố trên diện tích gần 500ha, với hơn 1.400 cây, trong đó có 725 cây có độ tuổi từ khoảng 300 đến hơn 1.000 tuổi vừa được công nhận là cây di sản Việt Nam.

Với mục tiêu “Rừng còn Tây Giang phát triển, rừng mất Tây Giang suy vong”, bao đời qua, người dân Tây Giang luôn quyết tâm bảo vệ rừng, đặc biệt là rừng Pơ mu. Hiện quần thể cây Pơ mu được chính quyền và nhân dân địa phương bảo vệ nghiêm ngặt và gần như còn nguyên vẹn, không bị phá vỡ. Đây được đánh giá là một trong những rừng cây gỗ quý hiếm nhất còn sót lại ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên nói riêng và cả nước nói chung.

Già làng Pơ Loong Đưm (thôn A Rầng 1, xã A Xan) là một trong số già làng vận động người dân chung tay bảo vệ cánh rừng từ ngày đầu mới phát hiện kể: Cây Pơ mu theo tiếng Cơ Tu là Hynghee. Đây được xem là cây thiêng, nên trước đây, mỗi lần dân làng có việc cần muốn chặt hạ một cây Pơ mu thì phải cúng tế, xin phép thần linh rồi mới được phép động đến. Pơ mu là gỗ quý nên người xuôi săn lùng, thậm chí trả công cho dân làng rất hậu hĩnh để có được những khối gỗ mang về. Từ ngày phát hiện cánh rừng, dân làng họp nhau, bàn bạc đi đến thống nhất sẽ cùng chính quyền bảo vệ đến cùng những gốc cây Pơ mu quý giá. Dân làng huy động mọi người cùng mở đường mòn, đến từng gốc Pơ mu để việc tuần tra, bảo vệ dễ dàng. Dân làng còn lập một chốt chặn ngay lối vào, hằng ngày cắt cử người canh giữ. Nếu chưa được sự đồng ý của chính quyền, bộ đội biên phòng và già làng thì người ngoài không được bén mảng vào khu rừng. “Nếu không bền bỉ, quyết tâm giữ, e rằng, cánh rừng bị đốn hạ mất rồi”- già Đưm cho biết.

Rừng Pơ mu (Tây Giang) được đánh giá là cánh rừng nguyên sinh “độc nhất vô nhị” ở Việt Nam
Rừng Pơ mu (Tây Giang) được đánh giá là cánh rừng nguyên sinh “độc nhất vô nhị” ở Việt Nam

Trước tình trạng “lâm tặc” liên tục phá rừng trái phép, chính quyền huyện đã thành lập tổ bảo vệ rừng gồm 30 người là những thanh niên, già làng dân tộc Cơ Tu thay phiên nhau tuần tra, canh giữ rừng. Mỗi cây Pơ mu được đánh số, gắn chíp định vị để theo dõi, bảo vệ nghiêm ngặt. Chính quyền địa phương cũng vận động các Hội Nông dân, Phụ nữ địa phương tham gia bảo vệ rừng, đưa tiêu chí bảo vệ rừng Pơ mu như một trong những chương trình hành động, bình xét danh hiệu thi đua trong năm. Mặt khác, các hộ dân được giao khoán quản lý, bảo vệ, chăm sóc rừng, với sự hỗ trợ của ngân sách nhà nước.

Ông Hốih Mia - Bí thư Chi bộ Ga Ninh (xã A Xan) được Huyện giao nhiệm vụ đội trưởng, bảo vệ khu vực rừng trung tâm khu rừng Pơ mu cổ thụ. Ông Hốih Mia nói, để bảo vệ được khu rừng như ngày hôm nay, hàng chục năm qua từng tổ đội họp dân thường xuyên, với quyết tâm “không để một cây Pơmu bị đốn hạ, nếu mất một cây như mất một người thân vậy, nên mỗi người dân nơi đây đều là tai mắt, thương Pơ mu như thương chính người thân của mình”- ông Hốih Mia chia sẻ.

Cần cơ chế đặc biệt

Chính quyền huyện Tây Giang nhận thức rằng với việc được công nhận cây di sản, nếu được phát huy sẽ vừa tạo công ăn việc làm cho người dân, góp phần xóa đói giảm nghèo, gắn với hoạt động phát triển xúc tiến du lịch sinh thái, khám phá trong thời gian đến. Vừa qua, huyện Tây Giang đã tổ chức chương trình khởi động năm du lịch Tây Giang, với chủ đề “Tiếng gọi đại ngàn”. Tại đây, du khách được trải nghiệm thực tế tại rừng cây pơ mu, tham gia lễ hội với các nghi thức truyền thống của người Cơ Tu như lễ hiến trâu, múa tâng tung - da dá, nói lý - hát lý... Đây là lần đầu tiên huyện tổ chức phát động năm du lịch nhằm quảng bá, kêu gọi đầu tư, phát triển du lịch sinh thái tại địa phương, vinh danh những giá trị độc đáo về cảnh quan môi trường sinh thái, góp phần nâng cao trách nhiệm bảo vệ môi trường, thiên nhiên, bảo tồn và phát huy giá trị hệ sinh thái rừng pơ mu.

Với nguồn tài nguyên hết sức độc đáo, cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, văn hóa được bảo tồn nguyên vẹn, người dân thân thiện… Nếu được đầu tư về hạ tầng giao thông và quảng bá tốt thì chắc chắn 500 ha rừng Pơ mu, đặc biệt 725 cây Pơ mu mới được công nhận là rừng di sản duy nhất và lớn nhất tại Việt Nam sẽ trở thành một sản phẩm du lịch đặc biệt và khác biệt, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị hệ sinh thái rừng pơ mu.

Mỗi cây Pơ mu được đánh số, gắn chíp định vị để theo dõi, bảo vệ nghiêm ngặt
Mỗi cây Pơ mu được đánh số, gắn chíp định vị để theo dõi, bảo vệ nghiêm ngặt

Trước việc lâm tặc tàn phá rừng pơ mu (gần 50 m3) đặc biệt quý hiếm tại vùng biên giới của huyện Nam Giang (Quảng Nam) giáp với Lào trong khi cơ quan chức năng gần cạnh, lãnh đạo huyện Tây Giang cũng đã lên kế hoạch để tăng cường hơn nữa công tác quản lý, bảo vệ rừng, trong đó đặc biệt chú trọng đến rừng pơ mu. Theo đó, huyện tiếp tục chỉ đạo cụ thể, xây dựng phương án, phân công cụ thể cho từng ban quản lý, hạt kiểm lâm, các tổ đội, người dân tham gia bảo vệ rừng, trong đó có rừng pơ mu…

“Rừng Pơ mu không chỉ là tài sản của Tây Giang mà là của cộng đồng, của Việt Nam. Chính vì vậy nhà nước cần có cơ chế đặc biệt cho khu rừng này để việc quản lý việc bảo vệ rừng được nâng cao hơn, sẽ hạn chế hơn nữa việc phá rừng, đặc biệt liên quan đến những cây di sản đã được công nhận”- ông Bhling Mia, Chủ tịch UBND huyện Tây Giang kiến nghị.

Hàng trăm năm qua khu rừng pơ mu vẫn xanh tươi bóng mát giữa đại ngàn Trường Sơn, minh chứng cho công sức gìn giữ của chính quyền và đồng bào dân tộc Cơ Tu ở Tây Giang. Tuy nhiên, trước tình hình hết sức phức tạp như hiện nay, nếu không có sự nỗ lực, có cơ chế chính sách phù hợp hơn nữa, khó ai đảm bảo rừng pơ mu tại Tây Giang không bị tàn phá.

Bài & ảnh: Lan Anh

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Nam: Giữ rừng thiêng Pơ mu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO