Quảng Nam: Dự án “treo” 25 năm có nguy cơ thành điểm nóng

Lan Anh| 09/08/2022 17:32

(TN&MT) - Đến nay, Dự án Làng Đại học thuộc địa phận Đà Nẵng và Quảng Nam mới chỉ triển khai được một phần thuộc địa phận TP Đà Nẵng. Việc dự án kéo dài đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống nhân dân, công tác quản lý an ninh, trật tự xã hội và xây dựng tại địa phương, nguy cơ tạo thành điểm nóng nếu không giải quyết kịp thời

Nguy cơ tranh chấp, khiếu kiện đất đai

Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh vừa có báo cáo về tình hình triển khai dự án Đại học Đà Nẵng trên địa phận thị xã Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam). Theo đó, dự án Đại học Đà Nẵng được Chính phủ phê duyệt triển khai từ năm 1997 với tổng diện tích khoảng 300 ha; trong đó, khoảng 110 ha thuộc phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn (TP Đà Nẵng) và khoảng 190 ha thuộc phường Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn.

Do quy hoạch dự án “treo” nhiều năm nên hạ tầng kỹ thuật đô thị, hạ tầng kinh tế - xã hội tại khu vực không được đầu tư, nâng cấp. Đường giao thông từ khi công bố dự án Đại học Đà Nẵng, địa phương không thể đầu tư bê tông hóa giao thông nông thôn, chỉ có một tuyến đường bê tông rộng 3 m dài khoảng 1,7 km; còn lại là đường đất…

langdh2.jpg
Dự án Làng Đại học Đà Nẵng đã treo 25 năm nay 

Từ năm 1997 đến nay, những người dân ở khu vực này không được thực hiện một số quyền được luật pháp cho phép như lập hộ mới, tách thửa, tặng cho, chuyển nhượng, thừa kế, chuyển mục đích sử dụng đất,... và không được cấp phép xây dựng, cải tạo nhà cửa; chỉ đến khi Luật Xây dựng năm 2013 có hiệu lực, các hộ dân trong khu vực mới được cấp phép xây dựng có thời hạn trong phạm vi đất thuộc dự án Đại học Đà Nẵng.

Theo kết quả tổng rà soát phối hợp giữa UBND thị xã Điện Bàn và Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an tỉnh Quảng Nam: từ 2009 đến nay, có hơn 500 trường hợp xây dựng trái phép, tổng diện tích đất tại khu vực xây dựng trái phép gần 5 ha.

Mặc dù chính quyền địa phương đã tổ chức nhiều biện pháp xử lý; tuy nhiên, tình hình an ninh trật tự tại khu vực này vẫn diễn biến rất phức tạp, việc mua bán chuyển nhượng đất đai tự phát giữa các hộ dân vẫn diễn ra, chính quyền địa phương không thể kiểm soát được, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tranh chấp, khiếu kiện, nếu không có giải pháp giải quyết kịp thời sẽ tạo điểm nóng, gây mất an ninh - trật tự tại địa phương.

Cần khoảng 4.164 tỉ đồng để GPMB

Liên quan đến công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB) và tái định cư, UBND tỉnh Quảng Nam đã giao cho UBND thị xã Điện Bàn chỉ đạo Trung tâm Phát triển quỹ đất thị xã tổ chức kiểm tra, rà soát thực trạng tại khu vực dự án. Kết quả, hơn 1.800 hộ bị ảnh hưởng. 817 căn nhà thuộc diện giải tỏa trắng. 3.155 lô tái định cư dự kiến cần bố trí. Dự kiến chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư là 4.164 tỷ đồng.

langdaihoc2.jpg
Theo kết quả điều tra, tại khu vực Làng Đại học Đà Nẵng có hơn 500 trường hợp xây dựng trái phép, tổng diện tích đất tại khu vực xây dựng trái phép gần 5 ha.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng việc đầu tư xây dựng Đại học Đà Nẵng là cần thiết, góp phần đưa Đại học Đà Nẵng trở thành Đại học quốc gia, trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao cho khu vực miền Trung, Tây Nguyên nói riêng và cả nước nói chung, góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và khu vực.

Tuy nhiên, dự án đã kéo dài 25 năm, gây bức xúc trong chính quyền địa phương và nhân dân do không được thực hiện các quyền về đất đai, xây dựng, nhân khẩu theo quy định của pháp luật. Vì vậy, UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, cùng các Bộ, ngành Trung ương xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ bố trí đủ nguồn vốn để thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và đầu tư các công trình hạ tầng thiết yếu liên quan.

lang-dh1.jpg
Quảng Nam cần 4.164 tỷ đồng để thực hiện bồi thường và hỗ trợ tái định cư người dân chịu ảnh hưởng của dự án

Trước mắt, cần bố trí đủ nguồn vốn để thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng toàn bộ diện tích trên địa bàn tỉnh Quảng Nam trong giai đoạn 2023 - 2025 (160 ha). UBND tỉnh Quảng Nam chịu trách nhiệm chỉ đạo UBND thị xã Điện Bàn, các Sở, ngành, đơn vị liên quan lập quy hoạch, đầu tư xây dựng các khu dân cư phục vụ tái định cư đảm bảo tiến độ theo yêu cầu và thu tiền sử dụng đất để hoàn trả ngân sách.

Trong trường hợp không bố trí đủ nguồn vốn để thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng toàn bộ diện tích, tỉnh này đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì cùng với Bộ Giáo dục và Đào tạo báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép điều chỉnh Quy hoạch phân khu (1/2.000) để tập trung triển khai thực hiện trên một phần diện tích.

Còn lại loại ra khỏi ranh giới dự án để UBND tỉnh Quảng Nam lập quy hoạch chỉnh trang, đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Nam: Dự án “treo” 25 năm có nguy cơ thành điểm nóng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO