Quảng Nam: Doanh nghiệp nỗ lực sản xuất an toàn gắn với kiểm soát ô nhiễm trong bối cảnh đại dịch

Lan Anh| 19/08/2021 15:04

(TN&MT) - Trước thách thức tình hình dịch bệnh Covid-19 còn phức tạp, ảnh hưởng đến nhiều ngành, lĩnh vực, các doanh nghiệp ở Quảng Nam đã nỗ lực thực hiện “mục tiêu kép” vừa đảm bảo sản xuất vừa phòng dịch hiệu quả gắn với công tác bảo vệ môi trường lấy phương châm chủ động là chính và kịp thời ứng phó các sự cố xảy ra.

Ổn định sản xuất trong dịch Covid-19

Tính đến tháng 8/2021, ba địa phương Điện Bàn, Đại Lộc, Duy Xuyên của tỉnh Quảng Nam có 34 CCN và 1 KCN thu hút khoảng 26 nghìn lao động. Trong đó, riêng KCN Điện Nam – Điện Ngọc (Điện Bàn) có hơn 23 nghìn lao động, chuyên gia làm việc, rất nhiều người trong số đó sinh sống tại TP.Đà Nẵng. Để đảm bảo mục tiêu kép vừa sản xuất vừa phòng chống dịch, các doanh nghiệp trong KCN Điện Nam – Điện Ngọc đã nhanh chóng bố trí cho người lao động ăn ở, làm việc tại chỗ.

Đo thân nhiệt cho công nhân ở Khu công nghiệp ở Điện Nam-Điện Ngọc.

Công ty TNHH Điện khí Quốc Quang Việt Nam bắt đầu vận hành thử nghiệm tại KCN Điện Nam – Điện Ngọc từ tháng 10/2020. Với 60/350 lao động đến từ TP.Đà Nẵng, ngay từ khi dịch Covid-19 bùng phát doanh nghiệp này đã cấp tốc chuẩn bị phương án phòng chống dịch tại chỗ.

Bà Cao Thị Hoa Mỹ - Phụ trách hành chính (Công ty TNHH Điện khí Quốc Quang Việt Nam) cho biết, hiện tại đơn vị đã bố trí cho 12 nhân viên đến từ TP.Đà Nẵng ở lại công ty, những nhân viên không thật sự cần thiết phải có mặt tại công ty thì sắp xếp làm việc ở nhà. 

Ngoài ra, doanh nghiệp cũng đã chuẩn bị nơi ở cho công nhân trong trường hợp thực hiện “3 tại chỗ” nhằm đảm bảo an toàn cao nhất công tác phòng chống dịch và sản xuất. “Công ty vẫn còn 1/3 diện tích xưởng chưa sử dụng, nếu dịch bùng phát thì cũng có thế sắp xếp, bố trí được khoảng 300 người ở lại” - bà Mỹ cho biết.

Ông Phan Xuân Quang - Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh cho biết, khi dịch bệnh Covid-19 thứ 4 quay lại, các cấp đã có các hướng dẫn, yêu cầu tất cả doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đều chủ động phòng ngừa bằng cách kích hoạt lại hệ thống chống dịch trong nội bộ. Bắt buộc toàn bộ người lao động đeo khẩu trang, khử khuẩn, thực hiện thông điệp “5K” của Bộ Y tế, không tụ tập, giờ ăn, giờ làm giãn cách, khai báo y tế thường xuyên, kiểm soát người đến và đi, vệ sinh khử khuẩn hàng ngày, xử lý rác thải đúng quy định, bố trí thùng đựng rác và chất thải có nắp đậy kín đặt ở vị trí thuận tiện... Đồng thời, yêu cầu các doanh nghiệp xây dựng các tổ Covid -19 cộng đồng.

Nhờ kiểm soát dịch nên các Khu công nghiệp tại Quảng Nam dịch vẫn hoạt động bình thường

“Hiện tất cả các doanh nghiệp trên địa bàn đều chấp hành tốt các quy định. Một số doanh nghiệp có xuất hiện trường hợp F1, F0 thì cũng chỉ tạm dừng 1-2 ngày để truy vết rồi lại tiếp tục sản xuất và đến nay chưa bùng phát dịch tại đơn vị nào.”- ông Quang cho hay

Chú trọng kiểm soát ô nhiễm

Theo bà Lê Thị Tuyết Hạnh - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Nam cho biết, hiện toàn tỉnh có 6/7 KCN đi vào hoạt động có hồ sơ môi trường và có hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung (chiếm tỷ lệ 85,71%), trong đó có 5/7 KCN đã hoàn thành lắp đặt hệ thống quan trắc online kết nối truyền dữ liệu quan trắc về Sở theo dõi, giám sát. Trong số 54 CCN đang đoạt động trên địa bàn thì chỉ có 22 CCN có hồ sơ về môi trường (chiếm tỷ lệ 40,74%).

“Trước những thách thức về môi trường, diễn biến tình hình dịch bệnh Covid-19 còn phức tạp, chưa có hồi kết thúc, ảnh hưởng đến nhiều ngành, lĩnh vực, do đó bảo vệ môi trường phải lấy phương châm chủ động trong phòng ngừa là chính và kịp thời ứng phó các sự cố xảy ra. Do đó, tỉnh Quảng Nam xác định công tác bảo vệ môi trường được chú trọng ngay từ khâu quyết định thu hút đầu tư, đơn vị thẩm định chặt chẽ việc phê duyệt hồ sơ về môi trường, cấp giấy phép về xả thải đảm bảo.”- bà Hạnh cho hay.

Xây dựng vách ngăn bàn nhà ăn nhằm đảm bảo công tác phòng chống dịch COVID-19.

Với các dự án, lĩnh vực đầu tư có nguy cơ, tiềm ẩn tác động lớn về môi trường, trước khi xem xét, quyết định chủ trương đầu tư dự án đều phải có phương án đánh giá sơ bộ tác động đến môi trường.

Kiểm soát chặt chẽ các cơ sở phát sinh nguồn thải trong mùa dịch Covid-19, nhất là nguồn thải công nghiệp từ các Khu, CCN… xử lý nghiêm đối với hành vi xả thải sai quy định hay vượt quy chuẩn; Sử dụng công nghệ cho các hoạt động giám sát kỹ thuật (lắp đặt thiết bị ghi hình, quan trắc tự động và các biện pháp kỹ thuật khác). Duy trì, phát huy hiệu quả đường dây nóng tiếp nhận và xử lý thông tin phản ảnh, mở rộng hệ thống đường dây nóng đến cấp xã nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các vụ việc gây ô nhiễm môi trường ngay từ cơ sở.

Sở TN&MT đã tham mưu lãnh đạo tỉnh chú trọng đầu tư phát triển các KCN theo quy hoạch từ đường cao tốc về phía Đông của tỉnh thành KCN sinh thái trong đó tỷ lệ cây xanh, mặt nước, quản lý, xử lý chất thải được đặt lên hàng đầu. Mở rộng quy hoạch phát triển công nghiệp dọc tuyến đường Hồ Chí Minh. Tăng diện tích cây xanh cách ly tại các Khu, CCN đang hoạt động tiếp giáp với khu vực dân cư.

Đồng thời, Sở TN&MT cũng tăng cường công tác thanh, kiểm tra, hậu kiểm, thanh tra đột xuất; điều chỉnh cấp phép đầu tư các đối tượng tác động lớn, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao; di dời cơ sở gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu dân cư, chuyển vào các Khu, CCN.

Giai đoạn 2016 - 2020, UBND tỉnh ban hành 27 Quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với 27 đơn vị doanh nghiệp với số tiền hơn 5 tỷ đồng. Lực lượng cảnh sát môi trường Công an tỉnh đã phát hiện, xử lý hành chính 1.334 trường hợp vi phạm quy định về bảo vệ môi trường với số tiền hơn 19 tỷ đồng.

 

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Nam: Doanh nghiệp nỗ lực sản xuất an toàn gắn với kiểm soát ô nhiễm trong bối cảnh đại dịch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO