Quảng Nam dành nguồn lực sắp xếp ổn định dân cư miền núi

Lan Anh | 21/08/2021, 08:45

(TN&MT) - Năm 2020, thiên tai, lũ quét, sạt lở đất đã gây thiệt hại nặng nề trên địa bàn Quảng Nam. Để xóa đi nỗi lo và những ám ảnh sạt lở cho đồng bào vùng cao, tỉnh Quảng Nam đặt mục tiêu giai đoạn 2021 - 2025, phấn đấu thực hiện sắp xếp, ổn định dân cư cho 7.821 hộ dân ở 9 huyện miền núi đến nơi an toàn một cách bài bản và khoa học.

Mô hình điểm Bằng La

Trở thành khu dân cư mới sau hơn nửa năm từ khi xảy ra sự cố lở đất khiến hàng chục người chết và bị thương tại nóc Ông Đề (xã Trà Leng, Nam Trà My), Bằng La được kỳ vọng sẽ là mô hình điểm trong việc sắp xếp, ổn định dân cư miền núi sau thiên tai.

Khu dân cư rộng 6 ha, phân ra 81 nền đất làm nhà ở. Trước mắt, có 39 hộ bị sạt lở nhà hoàn toàn được bố trí, sau này tiếp tục thực hiện di dời các hộ ở vùng nguy cơ sạt lở cao trước mùa mưa bão năm 2021; còn lại là đất dự trữ và các công trình công cộng. Mỗi nhà rộng hơn 50 m2, trị giá 150 triệu đồng từ nguồn hỗ trợ của các doanh nghiệp.

Khu dân cư Bằng La - nơi ở của các hộ dân vùng sạt lở Trà Leng

Ông Trần Duy Dũng - Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho biết, thiên tai đã xóa sạch 2 ngôi làng ở xã Trà Leng. Tổng mức thiệt hại ước tính trên 1.250 tỷ đồng. Sau thiên tai, để bắt tay vào việc tái thiết cuộc sống mới cho người dân vùng cao, chính quyền địa phương đã tổ chức khảo sát, tìm kiếm các vị trí và tham khảo thêm ý kiến của các vị già làng, người có kinh nghiệm tại địa phương, của các nhà chuyên môn. Từ đó, địa phương mới lựa chọn vị trí xây dựng khu tái định cư mới sao cho phù hợp với tập quán của bà con và phù hợp với các điều kiện phục vụ sản xuất, chăn nuôi cho người dân.

Để đảm bảo cuộc sống, sinh hoạt cho người dân, bên cạnh việc hỗ trợ làm nhà, huyện Nam Trà My đã triển khai đầu tư đồng bộ đường giao thông nội bộ khu dân cư, hệ thống cấp nước sinh hoạt, hệ thống cấp điện cho các hộ dân. Bên cạnh đó, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 đã đầu tư xây dựng công trình nhà sinh hoạt cộng đồng xã Trà Leng. Công trình có quy mô kiên cố 2 tầng, mô phỏng kiến trúc nhà sàn truyền thống, trong đó tầng 1 là không gian sinh hoạt chung, tầng 2 là không gian tổ chức hội họp. Công trình là nơi sinh hoạt cho bà con nhân dân bị sạt lở nhà cửa tại khu tái định cư mới, đồng thời thực hiện chức năng làm nơi tránh, trú khi có thiên tai xảy ra.

Nỗi đau sạt lở đã dần đi vào quá khứ, người dân ở nóc Ông Đề nay đã thực sự an cư nơi làng mới và bắt đầu công việc sản xuất, làm nương rẫy của mình.

Những ngôi nhà tái định cư kiên cố được xây dựng phù hợp với tập quán của bà con và các điều kiện phục vụ sản xuất, chăn nuôi.

Cần sắp xếp, ổn định cho 7.800 hộ dân

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam, qua 4 năm (2017 - 2020) triển khai thực hiện cơ chế sắp xếp, ổn định dân cư cho miền núi theo Nghị quyết 12 và Nghị quyết 31 của HĐND tỉnh, ngân sách tỉnh đã bố trí hơn 385 tỷ đồng hỗ trợ 9 huyện miền núi thực hiện sắp xếp, ổn định dân cư cho gần 7.000 hộ dân.

Tính đến cuối năm 2020, các địa phương đã giải ngân hơn 349 tỷ đồng, đạt 90,7% kế hoạch. Trong đó, hơn 181 tỷ đồng hỗ trợ san lấp nền nhà cho 6.095 hộ; hơn 134 tỷ đồng hỗ trợ di chuyển nhà cho 6.742 hộ; hơn 7,2 tỷ đồng hỗ trợ nước sinh hoạt; hơn 1,9 tỷ đồng hỗ trợ đất sản xuất cho 131 hộ dân với diện tích 150 ha/1 hộ....

Trước nhu cầu bức thiết của người dân, kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh Quảng Nam khóa X, nhiệm kỳ 2021 - 2026 đã thông qua Đề án và ban hành Nghị quyết Quy định cơ chế hỗ trợ sắp xếp dân cư vùng miền núi Quảng Nam giai đoạn 2021 - 2025. Đặt mục tiêu đến hết năm 2025, hoàn thành sắp xếp, di dời đến nơi an toàn khoảng 7.800 hộ, trong đó gần 2.360 hộ vùng thiên tai.

Nhiều ngôi làng ở Quảng Nam có nguy cơ bị xóa sổ do lũ quét, sạt lở sau mỗi đợt thiên tai, lũ quét

Ông Huỳnh Tấn Sâm, Nguyên Bí thư Huyện ủy Bắc Trà My cho rằng, Đề án sắp xếp dân cư các huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam sẽ có ý nghĩa rất lớn, giải quyết được những khó khăn, bức xúc của người dân miền núi khi tình trạng thiên tai, lũ quét, lũ ống thường xuyên diễn ra như hiện nay.

Theo ông Nguyễn Tấn Sâm, các địa phương trước khi đầu tư, san ủi, bố trí sắp xếp dân cư nên thành lập tổ khảo sát kỹ địa hình, địa chất. Khi quy hoạch, sắp xếp, bố trí mặt bằng hay làm nhà cần tham khảo ý kiến nhân dân. Khi triển khai phải làm một cách đồng bộ, không kéo dài gây khó khăn cho người dân, nhất là việc giải tỏa trắng tại làng cũ; đồng thời đầu tư đồng bộ các hạng mục công trình như nước sạch, hệ thống điện, đường, trường, trạm…

“Tôi đề nghị các ngành chuyên môn của tỉnh, huyện trước khi phê duyệt mặt bằng bố trí dân cư nên thành lập tổ công tác đi khảo sát, tìm hiểu nguyên nhân xảy ra những vụ sạt lở ở những ngôi làng mà lâu nay nhân dân vẫn sống ổn định để từ đó có đánh giá chính xác về tác động môi trường, quy hoạch những mặt bằng đảm bảo an toàn lâu dài cho nhân dân định cư” - ông Sâm đề xuất.

Đồng ý với quan điểm này, ông Phạm Thế Quyền, Nguyên Bí thư Huyện ủy Phước Sơn cho rằng, việc xây dựng đề án là cần thiết phù hợp với nguyện vọng nhân dân và cán bộ miền núi, góp phần vào việc mục tiêu giảm nghèo xây dựng nông thôn mới miền núi.

“Đối với 3 xã vùng cao Phước Thành, Phước Lộc, thuộc huyện Phước Sơn cần phải bố trí di dời tập trung vì không thực hiện bố trí xen ghép được. Ngoài ra khi bố trí, quy hoạch đất sản xuất phải gắn liền với nơi ở” - ông Quyền cho hay.

Bài liên quan
  • Sức sống mới trên khu vực “rốn lũ” ở huyện vùng cao Văn Chấn
    (TN&MT) - Sau 3 năm trở lại Bản Tủ xã Sơn Lương, huyện Văn Chấn (Yên Bái), nơi đây đã "thay da đổi thịt", khoác lên mình bộ áo mới của những ngôi nhà khang trang, đường bê tông trải dài dẫn vào bản hòa với màu xanh tươi mát của những đồi chè, ruộng lúa, nương ngô… Tất cả đều vẽ lên bức tranh ấm no, hạnh phúc của Bản Tủ sau cơn lũ lịch sử vào tháng 7/2018.

(0) Bình luận
Nổi bật
Vietjet được đạtTop 50 doanh nghiệp phát triển bền vững tiêu biểu 2024
Giải thưởng Top 50 doanh nghiệp phát triển bền vững tiêu biểu 2024 vừa được công bố với các tên tuổi hàng đầu như FPT, Masan Group, Vinamilk, Vietjet...
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO