Tại xã vùng cao Phước Kim, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam, mưa lớn, nước lũ đổ về làm trôi ngầm tạm ở địa phương. Hiện, thôn Trà Văn A với 76 hộ dân, hơn 250 nhân khẩu là đồng bào Giẻ Triêng đã bị cô lập hoàn toàn.
Tại huyện Phước Sơn mưa to kéo dài liên tục khiến nhiều tuyến đường liên xã bị chia cắt, nước chảy xiết. |
Ông Hồ Văn Thương, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Kim cho biết: Xã đã lên phương án dùng cáp treo để đưa lương thực vào cho bà con thôn Trà Văn A, giúp người dân ổn định đời sống trong điều kiện mưa lũ kéo dài. Phương án thứ 2 là vận chuyển lương thực bằng đường mòn trên núi, chỉ mong không bị sạt lở đất. Trước mắt, lực lượng chức năng địa phương chốt chặn tại các tuyến đường bị sạt lở, nguy cơ mất an toàn, tuyệt đối không cho người dân qua lại.
Trước đó, ở thôn 3 xã Phước Thành, huyện Phước Sơn có 26 hộ với gần 200 nhân khẩu bị cô lập do nước dâng cao. Xã đã di dời khẩn cấp 103 hộ đến nơi an toàn.
Sạt lở khiến một lượng lớn đất tràn xuống sát vách nhà của 2 hộ dân ở xã Phước Thành, huyện Phước Sơn |
Ông Lê Quang Trung - Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn cho biết, các địa phương trên địa bàn huyện đã tổ chức di dời 160 hộ dân ở vùng nguy hiểm đến nơi an toàn. Để chủ động lương thực cho bà con, chính quyền địa phương vừa vận chuyển 14 tấn gạo cho 3 xã Phước Kim, Phước Thành và Phước Lộc. Gạo được xe tải chở đến các điểm cất trữ của mỗi xã để phòng trường hợp bị cô lập nhiều ngày thì cấp cho người dân.
Theo ông Trung, việc hỗ trợ gạo cho bà con trước khi bão số 5 đổ bộ vào đất liền được chính quyền địa phương thực hiện sau khi rút kinh nghiệm từ trận mưa bão cuối tháng 10/2020 khiến 13 người thiệt mạng và mất tích.
"Mưa lớn khiến nhiều khu vực bị chia cắt, song chính quyền huyện vẫn đảm bảo cung cấp đầy đủ lương thực cho bà con. Đồng thời, lực lượng chức năng vẫn đang thông đường, làm cầu tạm tới vùng cô lập để người dân có thể đến trạm y tế nếu xảy ra ốm đau", ông Trung nói.
Lực lượng chức năng đã chủ động sơ tán người dân vùng nguy hiểm đến nơi an toàn |
Trong khi đó, tại huyện Bắc Trà My, nhiều tuyến đường trên địa bàn huyện bị sạt lở, giao thông bị chia cắt như tuyến xã Trà Đốc đi xã Trà Bui, tuyến Trà Giác đi Trà Ka.
Còn tại huyện Nam Trà My, nhiều tuyến đường ĐH và tuyến về thôn bị sạt lở nghiêm trọng. Thậm chí sạt lở cách UBND xã Trà Vân khoảng 300m, một đoạn dài rộng đến hơn 3m. Hay như đường đường xã Trà Tập, xã Tắc Pỏ có rất nhiều vị trí sạt lở. Nhiều nơi ở miền núi bị cô lập.