Quảng Nam: Chậm nạo vét kênh “làm khó” vụ mùa của nông dân

Lan Anh| 10/03/2023 14:01

(TN&MT) - Dự án nạo vét kênh dẫn vào trạm bơm Cù Bàn (huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) “dậm chân tại chỗ” thời gian dài khiến cho gần 100ha lúa và hoa màu của nhiều hộ dân bị thiếu nước tưới. Chính quyền tỉnh Quảng Nam đưa ra phương án khẩn cấp bố trí kinh phí ngân sách nạo vét, tập kết vật liệu nạo vét tại vị trí phù hợp, sau đó tổ chức đấu giá.

Nguy cơ mất trắng vụ mùa

Ông Hồ Trường (69 tuổi), trú trú thôn Bàn Nam, xã Duy Châu, huyện Duy Xuyên cho biết, ruộng lúa của gia đình đang ở thời kỳ tỉa dặm, bước vào giai đoạn phát triển nhưng lại thiếu nước tưới. Nguyên nhân là do việc bồi lấp cát tuyến kênh từ bờ sông Thu Bồn vào tới trạm bơm hơn 200m, khiến trạm bơm này bị cô lập hoàn toàn, không có nước để bơm.

boi-lap-1.jpg
Đoạn kênh dẫn nước từ sông Thu Bồn về đến trạm bơm Cù Bàn bị bồi lấp nghiêm trọng 

Theo ông Trường, nhiều hộ nông dân đã làm đơn kiến nghị chính quyền địa phương có phương án khơi thông kênh mương nhưng đến nay mọi việc vẫn “dẫm chân tại chỗ”. Nếu chính quyền không vào cuộc nhanh thì lúa và hoa màu sẽ chết khát, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của dân.

“Chúng tôi rất mong nạo vét đoạn kênh mương này để khơi thông dòng chảy phục vụ nước tưới hoa màu cho bà con. Tôi cũng mong muốn là khi khơi thông thì phải để đất cát lại đắp 2 bên bờ sông không nên di chuyển đến địa điểm khác, vì lo sợ vào mùa mưa bão dòng nước chảy mạnh gây sạt lở nhà cửa của người dân dòng bờ sông này”, ông Hồ Trường chia sẻ.

Trạm bơm Cù Bàn được xây dựng từ năm 1985 nhằm lấy nước từ sông Thu Bồn để cung ứng cho gần 100 hecta lúa và nhiều loại hoa màu ở xã Duy Châu, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Những năm qua, ảnh hưởng của mưa lũ khiến kênh dẫn nước vào trạm bơm bị bồi lấp. Vì vậy, nhiều hộ dân địa phương đã làm đơn gửi lên UBND xã Duy Châu kiến nghị mong muốn các ngành chức năng cần phải tiến hành nạo vét, khơi thông dòng chảy mới có nước phục vụ tưới tiêu cho hoa màu.

boi-lap-4.jpg
Kênh dẫn nước từ sông Thu Bồn vào trạm bơm Cù Bàn đã cạn trơ đáy.

“Toàn thôn Bàn Nam có 635 hộ dân với 2.483 nhân khẩu sống chủ yếu bằng nghề nông nên việc đảm bảo nước tưới tiêu là rất quan trọng. Do đó ngành chức năng phải nạo vét kênh dẫn nước vào trạm bơm Cù Bàn càng sớm càng tốt”- ông Đặng Đình Sanh, Trưởng thôn Bàn Nam kiến nghị.

Sớm khơi thông dòng chảy

Ông Nguyễn Dũng, Chủ tịch UBND xã Duy Châu cho biết, tình trạng kênh dẫn nước vào trạm bơm Cù Bàn bị bồi lấp đã diễn ra từ năm 2000 đến nay. Để khắc phục, hằng năm chính quyền xã làm phương án kiến nghị lên huyện xin kinh phí để nạo vét, khơi thông dòng chảy, nhưng chỉ là giải pháp tạm thời.

“Mỗi lần nạo vét như vậy là hơn 100 triệu nhưng chỉ được thời gian ngắn. Vừa rồi, huyện có dự án nạo vét kênh dẫn nước vào trạm bơm Cù Bàn, nhưng sau đó vì một vài lý do nên buộc phải dừng. Chính quyền xã cũng như hàng trăm người dân rất muốn dự án nạo vét này sớm triển khai, bởi nó mang tính cấp thiết”, ông Nguyễn Dũng nói.

boi-lap-5.jpg
Không có nguồn nước, trạm bơm Cù Bàn đã dừng hoạt động

Năm 2021, UBND tỉnh Quảng Nam đã thống nhất chủ trương để UBND huyện Duy Xuyên thực hiện dự án "khơi thông dòng chảy trạm bơm Cù Bàn" nhằm ổn định bờ, đảm bảo cung cấp nước cho người dân về lâu dài. Tuy nhiên, đến nay dự án vẫn chưa thể triển khai do một số hộ dân làm nghề sông nước chưa đồng thuận vì lo sợ khi triển khai dự án thì sẽ gây sạt lở bờ sông.

Theo ông Nguyễn Thế Đức, Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên, địa phương đã nhiều lần tổ chức đối thoại với người dân đồng thời cam kết việc triển khai dự án "khơi thông dòng chảy trạm bơm Cù Bàn" không để xảy ra sạt lở bờ sông.

“Hồ sơ dự án được lập từ năm 2021, đến nay các thủ tục đã hoàn thành nhưng vẫn chưa thực hiện được vì vướng phản đối của số ít hộ dân làm nghề sông nước sống ven sông Thu Bồn. Họ cho rằng khi triển khai dự án sẽ gây sạt lở bờ sông, uy hiếp đến nhà cửa.

Do đó, huyện đã tổ chức đối thoại, giải thích với các hộ dân sinh sống xung quanh trạm bơm Cù Bàn nhằm tạo sự đồng thuận trong nhân dân”, ông Nguyễn Thế Đức nói.

Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh đã có chỉ đạo đối với UBND huyện Duy Xuyên khảo sát quy mô, phạm vi, khối lượng thực hiện cho phù hợp để bố trí vốn ngân sách của huyện nạo vét kịp thời không để xảy ra tình trạng thiếu nước sản xuất nông nghiệp trên địa bàn; tập kết vật liệu nạo vét tại vị trí phù hợp, sau đó tổ chức đấu giá, nộp tiền vào ngân sách nhà nước theo quy định. Mục tiêu quan trọng nhất là nhanh chóng đảm bảo nguồn nước tưới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Nam: Chậm nạo vét kênh “làm khó” vụ mùa của nông dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO