Quảng Bình: Xã ký hợp đồng “cho” dân phá 13 ha rừng tự nhiên

Hồng Thiệu| 31/10/2019 16:35

(TN&MT) - Khoảng 13 ha rừng tự nhiên tại Tiểu khu 157 trên địa bàn xã Quảng Hợp, huyện Quảng Trạch đã bị cạo trọc. Điều đáng nói là số diện tích rừng tự nhiên này do UBND xã quản lý, nhưng thay vì khoanh vùng bảo vệ thì chính quyền địa phương lại ký hợp đồng với 9 hộ dân chặt phá rừng để trồng keo.

Sau khi nhận được phản ánh của người dân về việc hơn chục ha rừng tự nhiên bị chặt phá, sáng 30/10 PV Báo Tài nguyên và Môi trường đã có mặt tại thôn Thanh Xuân, xã Quảng Hợp ghi nhận sự việc này.

         

Rừng tự nhiên bị chặt phá nghiêm trọng

Để tiếp cận được khu vực rừng bị chặt phá chúng tôi phải đi vòng qua con suối, đầu con suối này có chốt Trạm bảo vệ rừng Thanh Xuân. Tại Tiểu khu 157 một con đường lớn được mở lên tận đồi cao sát với rừng phòng hộ, cách Trạm bảo vệ rừng Thanh Xuân khoảng 700 mét. Theo quan sát của PV, khoảng hơn 13 ha rừng tự nhiên bị chặt trắng, những khu vực này người dân đã trồng keo, tuy nhiên nhiều gốc gỗ lớn có đường kính từ 20-40cm vẫn còn nguyên. Còn tại những điểm sát với rừng phòng hộ một số người dân vẫn đang cho xe tải lên để thu gom gỗ nhỏ và củi.

         

Diện tịch rừng bị chặt phá tiến sát với rừng phòng hộ

Tiểu khu 157 nằm giáp với rừng phòng hộ do Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Quảng Trạch quản lý, khi đi sâu vào trong nhiều cây gỗ lớn có đường kính từ 20-40cm cũng đã bị chặt hạ.

         

Nhiều cây gỗ có đường kính 40-50cm vẫn còn ứ nhựa

Theo một số người dân đi rừng cho biết, diện tích rừng bị tàn phá này xảy ra vào năm 2018 nhưng không thấy cơ quan chức năng kiểm tra xử lý.

Để nắm rõ hơn về sự việc này, PV đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Công Viên, Chủ tịch UBND xã Quảng Hợp. Ông Viên thừa nhận việc xã ký hợp đồng cho người dân là sai, thiếu sự giám sát dẫn đến việc những hộ dân này tự ý phá rừng tự nhiên và chuyển đổi sang trồng keo. Đồng thời, lý giải cho việc này do xã không có đủ lực lượng nên đã phải ký hợp đồng thuê người dân khoanh vùng bảo vệ.

         

Nhiều điểm chặt phá vào rừng phòng hộ

“Xã họp bàn, tìm phương án để chia cho dân, tuy nhiên khi chia cho dân thì diện tích ít quá, không có lực lượng rất khó khăn cho việc quản lý và bảo vệ nên xã đã mời một số hộ ký hợp đồng khoanh nuôi, bảo vệ hàng năm. Vừa rồi cũng nghe thông tin nên có nhắc nhở những hộ này”, ông Nguyễn Công Viên- Chủ tịch UBND xã Quảng Hợp cho biết.

Khi được PV trao đổi về việc địa phương có tiến hành kiểm tra công tác bảo vệ rừng hay không, ông Nguyễn Công Viên cũng không nắm rõ đến nay hiện trạng diện tích rừng này như thế nào, trong khi đó UBND xã Quảng Hợp chỉ cách Tiểu khu 157 chỉ khoảng 2km.

         

Thay vì khoanh nuôi bảo vệ thì rừng tự nhiên bị người phá trắng

Tại hợp đồng số 01/HĐLĐ-UBND của UBND xã Quảng Hợp ký với 9 hộ dân ngày 01/03/2019, Hợp đồng lao động về việc bảo vệ rừng, phòng cháy và chưa cháy rừng. Hợp đồng này chỉ thể hiện vị trí bảo vệ là thửa đất số 22, tờ bản đồ số 32, Tiểu khu 157; Tổng diện tích bảo vệ là 8,2 ha; Hiện trạng rừng thuộc rừng tự nhiên (trạng thái IIA); Mức phụ cấp là: 4.000.000 đồng/năm và hợp đồng này có thời hạn 1 năm.

         

Hợp đồng UBND xã Quảng Hợp ký với 9 hộ dân

Điều đáng nói là việc UBND xã Quảng Hợp ký hợp đồng với nhiều hộ dân không hề thông qua Đảng ủy xã cũng như chưa có Nghị quyết HĐND cấp xã. Hơn nữa việc ký hợp đồng với người dân UBND xã Quảng Hợp không có văn bản trình xin ý, chưa được sự đồng ý từ các cấp. Tại hợp đồng ký với các hộ dân này cũng thể hiện rõ “…chỉ tận thu lâm sản dưới tán rừng nhưng không được xâm hại đến rừng, làm thay đổi trạng thái rừng…”. Tuy nhiên, đến nay số diện tích rừng tự nhiên mà UBND xã Quảng Hợp quản lý đã bị chặt trắng và đang uy hiếp rừng phòng hộ.

         

Nhiều diện tích đã được người dân trồng keo

Trao đổi với PV về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Lâm, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Quảng Trạch, cho biết: “Rừng thuộc xã quản lý, thuộc rừng tự nhiên. Hợp đồng giữa xã và người dân như thế là sai, hợp đồng là để lập ra một tổ bảo vệ rừng chứ không phải cho sử dụng rừng đó. Trước đó, Hạt Kiểm lâm cũng đã tham mưu cho UBND xã thực hiện khoanh nuôi, bảo vệ và cũng đã có chỉ đạo kiểm lâm địa bàn. Đối với rừng tự nhiên và rừng sản xuất thì phải có phương án khoanh nuôi bảo vệ chứ không thể muốn làm sao thì làm được. Để xảy ra như vậy là do công tác quản lý của chính quyền địa phương, do chủ rừng thiếu trách nhiệm, anh ký hợp đồng với họ để bảo vệ rừng mà anh không giám sát thì phải chịu trách nhiệm và cũng có trách nhiệm của kiểm lâm địa bàn. Cảm ơn báo chí đã thông tin, chúng tôi sẽ tiến hành kiểm tra, phối hợp làm việc với xã để có hướng xử lý”.

Báo TN&MT sẽ tiếp tục thông tin về sự việc này!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Bình: Xã ký hợp đồng “cho” dân phá 13 ha rừng tự nhiên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO