Quảng Bình: Phát huy nguồn lực tài nguyên khoáng sản phục vụ phát triển kinh tế - xã hội

Hồng Thiệu (thực hiện)| 21/12/2021 12:13

(TN&MT) - Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân và kinh tế - xã hội, ngành TN&MT Quảng Bình đã đạt được nhiều kết quả tích cực, phát huy tốt nguồn lực tài nguyên khoáng sản. Để hiểu rõ hơn việc bố trí nguồn tài nguyên khoáng sản vào phát triển kinh tế - xã hội. Phóng viên Báo TN&MT đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Huệ - Giám đốc Sở TN&MT Quảng Bình về vấn đề này.

PV: Xin ông cho biết những kết quả đạt được trong công tác quản lý tài nguyên khoáng sản thời gian qua?

Ông Nguyễn Huệ:

Năm 2021 là năm đầu tiên đất nước ta thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 và các kế hoạch trên các lĩnh vực theo các Nghị quyết của Đảng. Triển khai thực hiện Kế hoạch năm 2021 trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến toàn bộ đời sống của nhân dân, Sở TN&MT đã thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên khoáng sản.

Về quản lý Nhà nước, Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để triển khai hướng dẫn, áp dụng thi hành Luật Khoáng sản một cách nghiêm túc và kịp thời, sát đúng với thực tế. Ban hành các văn bản chỉ đạo điều hành làm rõ trách nhiệm cụ thể trong công tác quản lý bảo vệ khoáng sản của các cấp, các ngành.

ông Nguyễn Huệ - Giám đốc Sở TN&MT Quảng Bình

Trong quy hoạch khoáng sản, để đáp ứng nhu cầu sử dụng phải xác định được nhu cầu thực tế để cân đối quy hoạch, đáp ứng nguồn cung, không để thiếu nguồn cung làm đẩy giá vật liệu xây dựng, tạo áp lực cho các công trình dự án và gia tăng nạn khai thác trái phép, Sở đã tham mưu UBND tỉnh lập quy hoạch khoáng sản làm vật liệu xây dựng (VLXD) thông thường giai đoạn giai đoạn 2016 - 2020, tầm nhìn đến năm 2025. Tổng số mỏ khoáng sản đưa vào quy hoạch là 184 mỏ, tổng diện tích hơn 2.000ha, trong đó 59 mỏ khoáng sản đá làm VLXD thông thường; 23 mỏ khoáng sản sét gạch ngói; 54 mỏ khoáng sản cát, sỏi làm vật liệu xây dựng thông thường; 48 mỏ khoáng sản đất làm vật liệu san lấp.

Đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính, cải cách công vụ, các quy trình cấp phép khai thác khoáng sản đều được thực hiện thông qua cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh, việc giải quyết các hồ sơ thủ thục về cấp phép hoạt động khoáng sản trong năm 2021 chưa có một trường hợp nào bị chậm trễ.

PV: Được biết, trong những năm tới, Quảng Bình triển khai nhiều dự án đầu tư xây dựng lớn, để đáp ứng đủ nguồn nguyên vật liệu, tỉnh có những phương án gì, thưa ông?

Ông Nguyễn Huệ:

Hiện nay, Sở TN&MT đã hoàn thành việc lập Bản đồ phương án bảo vệ, khai thác, sử dụng, tài nguyên trên địa bàn tỉnh và bàn giao cho Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, đưa vào quy hoạch tỉnh, kết quả đã khoanh định được 281 điểm 232 mỏ khoáng sản làm VLXD thông thường của 4 loại khoáng sản với tổng diện tích  hơn 2.000ha, trữ lượng hơn 900 triệu m3.

Khoáng sản sét gạch, ngói: Khoanh định 23 điểm mỏ; Khoáng sản đất san lấp: Khoanh định 73 điểm mỏ; tổng trữ lượng, tài nguyên dự báo khoảng hơn 50 triệu m3; Khoáng sản cát xây dựng: Khoanh định 80 điểm mỏ.

Quảng Bình luôn chủ động và đáp ứng đầy đủ nguồn nguyên vật liệu cho mọi công trình dự án nhằm phát triển kinh tế - xã hội.

Bên cạnh đó, công tác đấu giá quyền khai thác khoáng sản, cấp phép khai thác khoáng sản luôn được Sở quan tâm chỉ đạo Phòng Khoáng sản thực hiện kịp thời theo đúng quy định của pháp luật và kế hoạch đấu giá năm.... để cấp phép hoạt động khai thác khoáng sản. Hiện, trên địa bàn tỉnh có 108 Giấy phép khai thác khoáng sản do UBND tỉnh cấp còn hiệu lực. Trong đó, 50 mỏ đá xây dựng, trữ lượng 73 triệu m3; 30 mỏ cát, sỏi lòng sông; 18 mỏ cát ven biển; 5 mỏ đất, đá san lấp; 5 mỏ sét làm gạch ngói. Ngoài ra, Bộ TN&MT cấp 16 giấy phép còn hiệu lực. Như vậy, tỉnh Quảng Bình luôn luôn chủ động và đáp ứng đầy đủ nguồn nguyên vật liệu đáp ứng mọi công trình dự án trên địa bàn tỉnh trong mọi  tình huống.

PV: Nhằm khắc phục những khó khăn, hạn chế, đồng thời nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về khoáng sản, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Quảng Bình có những giải pháp nào?

Ông Nguyễn Huệ:

Thời gian tới, để quản lý cũng như phát huy nguồn lực tài nguyên khoáng sản phát triển kinh tế - xã hội, một số nhiệm vụ trọng tâm được tỉnh xác định như: Tiếp tục thực hiện nghiêm túc Luật Khoáng sản và các văn bản thi hành; Quyết định số 29/2021/QĐ-UBND ngày 25/8/2021 của UBND tỉnh về Ban hành Quy chế phối hợp trong công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản trên địa bàn tỉnh; Chỉ thị số 13/CT-UBND ngày 18/9/2020 của UBND tỉnh tăng cường công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên khoáng sản; Quyết định số 249/QĐ-UBND ngày 23/1/2018 về việc ban hành Phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn...

Trong năm 2021, qua thanh, kiểm tra, Sở TN&MT Quảng Bình đã xử phạt vi phạm hành chính 17 trường hợp (15 tổ chức, 2 cá nhân) với tổng số tiền xử phạt gần 871,5 triệu đồng. Nhờ vậy các vụ vi phạm về khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn tỉnh đã giảm hẳn và dần đưa hoạt động này đi vào nền nếp.

Tăng cường công tác quản lý, nắm tình hình, kiểm tra, thanh tra, chủ động phát hiện xử lý nghiêm các sai phạm, kịp thời giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân; Phối hợp chặt chẽ với các Sở, ban, ngành, địa phương, đặc biệt là lực lượng Công an tăng cường kiểm tra trấn áp tội phạm, kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc tại cơ sở trong quá trình thực thi các chính sách pháp luật.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục pháp luật về quản lý khoáng sản; Tích cực triển khai các phong trào quần chúng bảo vệ tài nguyên và môi trường nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật và trách nhiệm của cộng đồng, tạo nguồn lực góp phần bảo vệ tài nguyên khoáng sản trên địa bàn toàn tỉnh.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Bình: Phát huy nguồn lực tài nguyên khoáng sản phục vụ phát triển kinh tế - xã hội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO