Quản lý chất thải rắn

Quảng Bình: Phấn đấu 80% chất thải rắn sinh hoạt được thu gom và xử lý theo quy định

Thanh Tùng 11/05/2023 16:26

(TN&MT)  - UBND tỉnh Quảng Bình vừa ban hành Kế hoạch số 847/KH-UBND về thực hiện Chương trình tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.

Mục tiêu của Kế hoạch là nhằm thực hiện có hiệu quả nội dung vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới. Xây dựng môi trường nông thôn xanh, sạch, đẹp, an toàn và bền vững, bảo vệ sức khỏe, giảm các bệnh liên quan do ảnh hưởng của việc ô nhiễm môi trường, thực phẩm không an toàn, thiếu nước sinh hoạt, nguồn nước kém chất lượng.

Cụ thể, đến năm 2025, tối thiểu 60% dân số nông thôn được tiếp cận bền vững với nước sạch đạt chuẩn với số lượng tối thiểu 60 lít/người/ ngày. 70% công trình cấp nước tập trung hoạt động bền vững và tương đối bền vững, trong đó có ít nhất 40% hoạt động bền vững. Tối thiểu 50% số hộ nông thôn triển khai các giải pháp phân loại chất thải sinh hoạt tại nguồn; trong đó có 80% chất thải rắn sinh hoạt được thu gom và xử lý theo đúng quy định; triển khai 1 mô hình xử lý chất thải sinh hoạt quy mô cấp huyện trở lên với công nghệ phù hơn với điều kiện địa phương.

123.jpg
Một bãi xử lý rác thải tại tỉnh Quảng Bình. Ảnh: Thanh Tùng

100% cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản đủ điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm; 100% cơ sở sản xuất - kinh doanh, nuôi trồng thủy sản, làng nghề đảm bảo quy định về bảo vệ môi trường. Tối thiểu 80% chất thải chăn nuôi và phụ phẩm nông nghiệp phải được thu gom, tái sử dụng, tái chế thành các nguyên liệu, nhiên liệu và các sản phẩm thân thiện với môi trường. 100% bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng được thu gom và xử lý theo đúng quy định. 90% chất thải rắn và nước thai sản xuất của các làng nghề truyền thống được thu gom và xuất theo quy định.

Kế hoạch cũng đặt mục tiêu đến năm 2025 tối thiểu 15% số hộ dân nông thôn áp dụng các biện pháp thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt có hiệu quả, phù hợp với điều điều kiện và đặc thủ khu vực; 50% số đơn vị cấp huyện có triển khai mô hình thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt phi tập trung theo cụm hoặc theo khu vực phù hợp tinh hình thực tế địa phương. Tối thiểu 85% hộ gia đình và 95% trường học, trạm y tế có nhà vệ sinh được xây dựng và quản lý, sử dụng đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn.

Để đạt được các mục tiêu này, UBND tỉnh Quảng Bình đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các Sở, ngành liên quan. Trong đó, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị có liên quan tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch; thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, giám sát, theo dõi, đánh giá tình hình thực hiện theo hướng dẫn của Chương trình và thực hiện tổng hợp, báo cáo định kỳ, đột xuất kết quả thực hiện Chương trình và yêu cầu của cơ quan cấp trên.

Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các Sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện các mô hình có liên quan; triển khai xây dựng mô hình quy định về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh.

Hướng dẫn thực hiện tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Sở Tài nguyên và Môi trường, tập huấn các nội dung bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh.

Đồng thời, tổ chức thanh tra, kiểm tra hoạt động bảo vệ môi trường trên địa bàn nông thôn; xử phạt nghiêm các hành vi gây ô nhiễm môi trường theo thẩm quyền. Mặt khác, phối hợp với các sở, ngành có liên quan hướng dẫn và kiểm tra, giám sát các địa phương triển khai thực hiện Chương trình theo đúng tiến độ và quy định hiện hành.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Bình: Phấn đấu 80% chất thải rắn sinh hoạt được thu gom và xử lý theo quy định
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO