Quảng Bình: Đề xuất tháo gỡ vướng mắc về đất cho hoạt động khoáng sản

Đức Cảnh| 22/09/2022 10:19

(TN&MT) - Góp ý cho việc sửa đổi Luật Đất đai 2013, tỉnh Quảng Bình có một số kiến nghị liên quan đến vấn đề xác định loại đất sử dụng cho hoạt động khoáng sản.

Bất cập trong xác định các loại đất

Theo Báo cáo của UBND tỉnh Quảng Bình, công tác quản lý Nhà nước về đất đai tại địa phương thời gian qua có nhiều chuyển biến rõ nét, tỉnh đã chủ động thực hiện các quy định về Luật Đất đai 2013 và các văn bản chỉ đạo, cơ bản đáp ứng yêu cầu, góp phần phát huy hiệu quả nguồn lực đất đai phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, an ninh lương thực, bảo vệ môi trường trên địa bàn.

4-2-.jpg

Cách xác định loại đất sử dụng cho hoạt động khoáng sản còn có những mâu thuẫn

Trong đó, hoạt động cho thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất phục vụ cho hoạt động khai thác khoáng sản đã có nhiều chuyển biến, tạo nguồn thu cho ngân sách. Tính đến năm 2021, Quảng Bình có trên 125 giấy phép khai thác khoáng sản có hiệu lực, gồm 49 giấy phép khai thác đá làm vật liệu xây dựng thông thường, 46 giấy phép khai thác cát làm vật liệu xây dựng, 3 giấy phép khai thác cát làm vật liệu san lấp…

Tuy nhiên, theo UBND tỉnh Quảng Bình, nhiều vấn đề cần phải xem xét thấu đáo hơn trong lần sửa đổi Luật Đất đai tới đây. Cụ thể, vẫn còn tồn tại những mâu thuẫn cần giải quyết trong cách xác định loại đất sử dụng cho hoạt động khoáng sản.

Ông Đoàn Ngọc Lâm - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cho rằng: Theo mục 2.2.5.6, Phụ lục số 01, Thông tư 27/2018/TT- BTNMT ngày 14/12/2018 của Bộ TN&MT quy định về thống kê, kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất, quy định: Đất sử dụng cho hoạt động khoáng sản là đất để thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản gắn liền với khu vực khai thác khoáng sản, đất xây dựng các công trình phục vụ cho hoạt động khoáng sản và hành lang an toàn trong hoạt động khoáng sản; Trừ khoáng sản là đất, đá, cát, sỏi sử dụng để sản xuất vật liệu xây dựng, làm đồ gốm, sứ, thủy tinh.

Quy định nêu trên “trừ khoáng sản là đất, đá, cát, sỏi sử dụng để sản xuất vật liệu xây dựng” là không khớp với quy định tại Điều 152, Luật Đất đai. Đồng thời, Luật Khoáng sản cũng quy định, đối với đất, đá, cát, sỏi sử dụng để sản xuất vật liệu xây dựng cũng được xác định là khoáng sản và phải thực hiện cấp phép thăm dò, khai thác theo quy định. Vậy nên, xác định đất để thăm dò, khai thác khoáng sản là đất, đá, cát, sỏi sử dụng để sản xuất vật liệu xây dựng, làm đồ gốm, sứ, thủy tinh vào loại đất sản xuất vật liệu xây dựng, làm đồ gốm là chưa phù hợp.

Sửa đổi cho phù hợp

Với những bất cập trên, UBND tỉnh Quảng Bình đề nghị, đất sử dụng cho hoạt động khoáng sản là đất để thăm dò, khai thác, chế biến gắn với khu vực khai thác khoáng sản, đất xây dựng cho các công trình phục vụ khai thác khoáng sản (kể cả trụ sở, nhà nghỉ giữa ca và các công trình khác phục vụ cho người lao động gắn với khu vực khai thác khoáng sản) và hành lang an toàn trong hoạt động khai thác khoáng sản.

4-1-.jpg

Nhiều vướng mắc về đất cho hoạt động khai thác khoáng sản cần được tháo gỡ

“Công tác giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất được xem là điểm nhấn đáng chú ý khi triển khai thực hiện tốt, đảm bảo theo quy định của Luật Đất đai, đáp ứng yêu cầu thu hút các dự án đầu tư trong và ngoài tỉnh, giải quyết kịp thời nhu cầu sử dụng của người dân và doanh nghiệp. Việc quy định chặt chẽ các căn cứ, điều kiện giao đất, chuyển mục đích sử dụng đất, cho thuê đất đã góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng đất tiết kiệm…”

Ông Đoàn Ngọc Lâm - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình

Việc đề xuất các giải pháp để tháo gỡ những khó khăn về pháp luật trong tổ chức thi hành Luật Đất đai, UBND tỉnh Quảng Bình cho biết, cần tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện Luật Đất đai và các văn bản quy định chi tiết thi hành: Sửa đổi Luật Đất đai đảm bảo đồng bộ, khắc phục các bất cập, chồng chéo với các quy định của pháp luật khác có liên quan; Xây dựng Nghị định quy định bổ sung một số nội dung về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, giải quyết tranh chấp, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai.

Mặt khác, cần xây dựng và ban hành các Thông tư quy định về việc lập, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đảm bảo tính linh động, phù hợp với thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Bình: Đề xuất tháo gỡ vướng mắc về đất cho hoạt động khoáng sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO