Xã hội

Quảng Bình: Chú trọng đầu tư cho giảm nghèo bền vững

Thanh Tùng 20/09/2023 - 18:03

Là địa phương còn nhiều khó khăn so với cả nước, nhưng trong những năm qua tỉnh Quảng Bình luôn coi trọng, dành nguồn lực đầu tư thích đáng cho công tác giảm nghèo bền vững. Nhờ đó, kết quả giảm nghèo của tỉnh đã có chuyển biến tích cực, đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Hơn 175 tỷ đồng đầu tư cho giảm nghèo

Thực hiện Chỉ thị 05 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2030, Tỉnh ủy tỉnh Quảng Bình đã ban hành Nghị quyết số 09 về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2022 - 2025, định hướng năm 2030. Qua đó, đã tạo ra phong trào thi đua chung sức vì người nghèo và huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị cùng thực hiện chính sách giảm nghèo gắn với mục tiêu phát triển bền vững ở tất cả các địa phương trong tỉnh. Chăm lo cho hộ nghèo trở thành một trong những nhiệm vụ trọng tâm được các cấp ủy đảng quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo.

anh-1(1).jpg
Diện mạo nhiều vùng nông thôn tại Quảng Bình ngày càng đổi mới

Tính đến 30/6/2023, tổng nguồn vốn được phân bổ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh là hơn 175 tỷ đồng, trong đó: vốn sự nghiệp là hơn 120 tỷ đồng; vốn đầu tư phát triển hơn 54 tỷ đồng. Riêng trong năm 2022, tổng nguồn vốn phân bổ là hơn 70 tỷ đồng, trong đó vốn sự nghiệp hơn 40 tỷ đồng, vốn đầu tư phát triển gần 30 tỷ đồng. Sang năm 2023, tổng nguồn vốn phân bổ là hơn 105 tỷ đồng, gồm vốn sự nghiệp hơn 82 tỷ đồng, vốn đầu tư phát triển hơn 24 tỷ đồng.

Theo đánh giá của UBND tỉnh Quảng Bình, các nguồn vốn được phân bổ từ nguồn ngân sách trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng từ nguồn ngân sách địa phương đảm bảo theo quy định tại Nghị quyết số 23/2022/NQ-HĐND ngày 27/5/2022 về quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Quảng Bình; dựa trên các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ.

Về thực hiện tín dụng chính sách xã hội hỗ trợ giảm nghèo, đến 30/6/2023, toàn tỉnh có 41.439 lượt vay vốn tín dụng ngân hàng chính sách xã hội với số tiền hơn 2.400 tỷ đồng. Cụ chể, có 4.915 hộ nghèo được cho vay ưu đãi với tổng vốn vay 347 tỷ đồng theo Nghị định 78/2022; có 6.406 hộ cận nghèo được vay vốn với tổng số vốn vay 476 tỷ đồng theo Quyết định 15/2023; có 8.458 lượt hộ mới thoát nghèo được vay vốn với tổng số vốn vay 631 tỷ đồng theo Quyết định 28/2015; có 14.441 lượt cho vay giải quyết việc làm với số tiền 692 tỷ đồng theo Nghị định 61/2015; 33 lượt cho vay đi xuất khẩu lao động với số tiền 2 tỷ đồng theo Nghị định 61/2015;…

Kết quả giảm nghèo chuyển biến tích cực

Trong những năm qua, do tác động của dịch Covid-19, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của Quảng Bình có nhiều yếu tố không thuận lợi, nhưng với sự nổ lực phấn đấu của các cấp, các ngành từ tỉnh đến địa phương, công tác giảm nghèo của tỉnh đã được tổ chức triển khai đồng bộ và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền và người dân về công tác giảm nghèo bền vững đã được nâng lên và có chuyển biến rõ rệt. Các hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận tốt hơn các chính sách, nguồn lực hỗ trợ của nhà nước và cộng đồng. Mức sống dân cư được cải thiện góp phần củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.

Theo đó, kết quả thực hiện nhiều mục tiêu của Chương trình đạt và vượt chỉ tiêu đề ra. Tính đến 30/6/2023, Quảng Bình còn 68,2% số xã có tỷ lệ hộ nghèo dưới 5%, đạt 85,3% so với chỉ tiêu đạt 80% số xã đến cuối giai đoạn. 4/4 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển được hỗ trợ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, liên kết vùng, phục vụ dân sinh. 100% người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có nhu cầu được hỗ trợ kết nối, tư vấn, định hướng nghề nghiệp, cung cấp thông tin thị trường lao động, hỗ trợ việc làm.

Cùng với đó, 71,5% người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ tham gia bảo hiểm y tế, đạt 71,5% so với chỉ tiêu đến cuối giai đoạn; tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi trẻ em dưới 16 tuổi tại còn 15,5%. Tỷ lệ trẻ em thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo đi học đúng độ tuổi đạt 92,8%; đạt 95,7% so với chỉ tiêu đạt 97% cuối giai đoạn. 73% hộ nghèo, hộ cận nghèo sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, đạt 81% so với chỉ tiêu đạt 90% cuối giai đoạn…

Ngày 20/2/2023, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 207/KH-UBND thực hiện Chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Quảng Bình năm 2023. Phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo 0,8%, tương ứng với giảm 2.045 hộ/12.855 hộ, số hộ nghèo còn lại là 10.810 hộ; hộ cận nghèo 0,5% tương ứng với giảm 1.285 hộ/12.248 hộ, số hộ cận nghèo còn lại là 10.963 hộ. 80% xã có tỷ lệ hộ nghèo dưới 5%; 100% xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển được hỗ trợ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, liên kết vùng, phục vụ dân sinh; 100% cán bộ làm công tác giảm nghèo được bồi dưỡng, tập huấn kiến thức…

anh-2.png
Nhiều mô hình phát triển kinh tế hiệu quả giúp người dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu

Để đạt được mục tiêu này, ông Nguyễn Trường Sơn – Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Bình cho biết, Quảng Bình xác định tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, thực hiện tốt công tác phối hợp giữa các cơ quan chuyên môn, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền mục tiêu giảm nghèo sâu rộng đến các cấp, các ngành, mọi tầng lớp nhân dân đặc biệt là người nghèo, nhằm thay đổi nhận thức trong giảm nghèo, khơi dậy ý chí chủ động, vươn lên của người nghèo, loại bỏ tư tưởng trông chờ vào các chính sách của Nhà nước mà phải sử dụng hiệu quả nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, của cộng đồng để vươn lên thoát nghèo bền vững, làm giàu chính đáng.

Thực hiện có hiệu quả việc lồng ghép các chương trình, dự án, đề án, kế hoạch đào tạo nghề, tạo việc làm, giảm nghèo phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tranh thủ các nguồn hỗ trợ từ các tổ chức phi Chính phủ đầu tư cho công tác giảm nghèo, tăng cường huy động vốn từ ngân sách địa phương, các nguồn huy động đóng góp hợp pháp của doanh nghiệp và vốn đối ứng, tham gia đóng góp của người dân, đối tượng thụ hưởng để tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ cho sản xuất và dân sinh. Nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả, mô hình sinh kế, phát huy các sáng kiến giảm nghèo dựa vào cộng đồng; triển khai các mô hình hợp tác, liên kết với giữa các hộ nghèo với doanh nghiệp trong sản xuất, bao tiêu sản phẩm.

Năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo của Quảng Bình đã giảm được 1,52% so với đầu kỳ, có hơn 3.800 hộ thoát nghèo, vượt chỉ tiêu theo kế hoạch đề ra (giảm 1,5%). Dự ước đến cuối năm 2023, tỷ lệ nghèo đa chiều giảm còn 8,46% (giảm 1,30% so với năm 2022). Tính bền vững trong công tác giảm nghèo đã được cải thiện đáng kể, hộ tái nghèo và nghèo phát sinh mới chỉ chiếm 5,2% so với tổng số hộ nghèo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Bình: Chú trọng đầu tư cho giảm nghèo bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO