Quán triệt, triển khai Nghị quyết của Trung ương về chính sách đất đai và môi trường cho các tỉnh phía Nam

16/09/2013 00:00

(TN&MT) - Sáng 16/9, tại TP. Nha Trang, Bộ TN&MT đã tổ chức Hội nghị quán triệt và triển khai Nghị quyết số 19-NQ/TW và Nghị quyết số 24-NQ/TW .

   
(TN&MT) - Sáng 16/9/2013, tại TP. Nha Trang, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tổ chức Hội nghị quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai và Nghị quyết số 24-NQ/TW về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường cho cán bộ ngành TN&MT các tỉnh khu vực phía Nam (từ Quảng Bình trở vào). Bộ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Minh Quang chủ trì Hội nghị.
   
  Trong thời gian gần đây, công tác quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm, Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị đã ban hành nhiều nghị quyết về các lĩnh vực của ngành TN&MT. Tại Hội nghị lần thứ 6 và lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khóa XI đã thông qua 2 Nghị quyết có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt đối với ngành TN&MT: Nghị quyết số 19-NQ/TW về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại và Nghị quyết số 24-NQ/TW về Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.
   
  Bộ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Minh Quang cho biết: Để phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục những hạn chế, yếu kém, huy động được nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế - xã hội, Nghị quyết số 19-NQ/TW đề ra 6 quan điểm chỉ đạo trong đó tiếp tục khẳng định đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý, quyền sử dụng đất là một loại tài sản và hàng hoá đặc biệt, nhưng không phải là quyền sở hữu.
   
  Nhà nước thực hiện quyền của chủ sở hữu thông qua việc quyết định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; cho phép chuyển mục đích sử dụng và quy định thời hạn sử dụng đất; quyết định giá đất; quyết định chính sách điều tiết phần giá trị tăng thêm từ đất không phải do người sử dụng đất tạo ra; trao quyền sử dụng đất và thu hồi đất để sử dụng vào các mục đích quốc phòng, an ninh, phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và các dự án phát triển kinh tế, xã hội theo quy định của pháp luật.
   
  Người sử dụng đất được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất để sử dụng ổn định lâu dài hoặc có thời hạn và có các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất và được bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất.
   
  Nhà nước không thừa nhận việc đòi lại đất đã được Nhà nước giao cho người khác sử dụng trong quá trình thực hiện các chính sách, pháp luật về đất đai. Không đặt vấn đề điều chỉnh lại đất nông nghiệp đã giao cho hộ gia đình và cá nhân, nhưng Nhà nước có chính sách phù hợp để đất nông nghiệp được người trực tiếp sản xuất nông nghiệp sử dụng với hiệu quả cao nhất.
   
  Nguồn lực đất đai phân bổ hợp lý cho sử dụng đúng mục đích, tiết kiệm và có hiệu quả cao; bảo đảm lợi ích trước mắt và lâu dài, bảo vệ môi trường sinh thái, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Chính sách, pháp luật về đất đai phải góp phần ổn định chính trị - xã hội, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, hội nhập quốc tế; huy động tốt nhất nguồn lực từ đất để phát triển đất nước; bảo đảm hài hoà lợi ích của Nhà nước, của người sử dụng đất và của nhà đầu tư.
   
  Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đất đai; đẩy mạnh cải cách hành chính, bảo đảm công khai, minh bạch trong quản lý đất đai. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân và toàn dân trong thực hiện chính sách, pháp luật về đất đai. Bảo đảm sự quản lý thống nhất của Nhà nước cấp Trung ương về đất đai, đồng thời phân cấp phù hợp cho địa phương, có chế tài xử lý nghiêm các hành vi vi phạm chính sách, pháp luật về đất đai. Kiên quyết lập lại trật tự trong quản lý, sử dụng đất.
   
Toàn cảnh Hội nghị quán triệt, triển khai Nghị quyết số 19-NQ/TW và Nghị quyết số 24-NQ/TW
do Bộ TN&MT tổ chức tại TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa
    
   
  Theo Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang, để chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, Nghị quyết số 24-NQ/TW đề ra 5 quan điểm lớn là:
   
  Thứ nhất, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường là những vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, có tầm ảnh hưởng lớn, quan hệ, tác động qua lại, cùng quyết định sự phát triển bền vững của đất nước; là cơ sở, tiền đề cho hoạch định đường lối, chính sách phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và an sinh xã hội. Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của cả hệ thống chính trị; là trách nhiệm và nghĩa vụ của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư, trong đó Nhà nước giữ vai trò chủ đạo, dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự tham gia, giám sát của toàn xã hội.
  Thứ hai, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường phải trên cơ sở phương thức quản lý tổng hợp và thống nhất, liên ngành, liên vùng. Vừa đáp ứng yêu cầu trước mắt, vừa bảo đảm lợi ích lâu dài, trong đó lợi ích lâu dài là cơ bản. Vừa bảo đảm toàn diện, vừa phải có trọng tâm, trọng điểm; có bước đi phù hợp trong từng giai đoạn; dựa vào nội lực là chính, đồng thời phát huy hiệu quả nguồn lực hỗ trợ và kinh nghiệm quốc tế.
   
  Thứ ba, Biến đổi khí hậu là vấn đề toàn cầu, là thách thức nghiêm trọng đối với toàn nhân loại trong thế kỷ 21. Ứng phó với biến đổi khí hậu phải được đặt trong mối quan hệ toàn cầu; không chỉ là thách thức mà còn tạo cơ hội thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng phát triển bền vững. Phải tiến hành đồng thời thích ứng và giảm nhẹ, trong đó thích ứng với biến đổi khí hậu, chủ động phòng, tránh thiên tai là trọng tâm.
   
  Thứ tư, tài nguyên là tài sản quốc gia, là nguồn lực, nguồn vốn tự nhiên đặc biệt quan trọng để phát triển đất nước. Tài nguyên phải được đánh giá đầy đủ các giá trị, định giá, hạch toán trong nền kinh tế, được quản lý, bảo vệ chặt chẽ; khai thác, sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả và bền vững, gắn với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh tài nguyên. Chú trọng phát triển, sử dụng năng lượng tái tạo, vật liệu mới, tái chế.
   
  Thứ năm, môi trường là vấn đề toàn cầu, bảo vệ môi trường vừa là mục tiêu vừa là một nội dung cơ bản của phát triển bền vững. Tăng cường bảo vệ môi trường phải theo phương châm ứng xử hài hòa với thiên nhiên, theo quy luật tự nhiên, phòng ngừa là chính; kết hợp kiểm soát, khắc phục ô nhiễm, cải thiện môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; lấy bảo vệ sức khỏe nhân dân làm mục tiêu hàng đầu; kiên quyết loại bỏ những dự án gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng. Đầu tư cho bảo vệ môi trường là đầu tư cho phát triển bền vững.
   
  Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Minh Quang nhấn mạnh: Trách nhiệm của ngành TN&MT là hết sức nặng nề, trước hết trong việc sửa đổi, bổ sung các luật, xây dựng mới các bộ luật, các văn bản dưới luật; kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ nhà nước từ Trung ương đến địa phương, cơ sở; xây dựng và thực hiện các kế hoạch, chương trình đặt ra.
   
  Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang đề nghị các địa phương tập trung nghiên cứu, quán triệt, xác định rõ trọng tâm, trọng điểm, nắm bắt, hiểu sâu những tư tưởng, nội dung cơ bản, nội dung mới của các Nghị quyết. Từ đó tham mưu cho Tỉnh ủy, Thành ủy, Ủy ban nhân dân xây dựng Chương trình hành động và triển khai thực hiện Nghị quyết phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.
   
PV
   
   
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quán triệt, triển khai Nghị quyết của Trung ương về chính sách đất đai và môi trường cho các tỉnh phía Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO