Quan trắc môi trường biển ở miền Trung: Bao giờ "vươn xa"

14/01/2017 00:00

(TN&MT) - Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường vùng biển, ven biển thì công việc "Quan trắc môi trường" là khâu...

 

(TN&MT) - Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường vùng biển, ven biển thì công việc “Quan trắc môi trường” là khâu quan trọng, không thể thiếu. Tuy vậy, đây lại đang là hạn chế lớn nhất đối với những đơn vị làm công tác quan trắc tại các tỉnh ven biển miền Trung trong quá trình thực hiện.

Vùng đới bờ tại thị xã Kỳ Anh - Hà Tĩnh
Vùng đới bờ tại thị xã Kỳ Anh - Hà Tĩnh

Lâu nay, nhiệm vụ điều tra, quan trắc, phân tích chất lượng môi trường; cập nhật, quản lý cơ sở dữ liệu, lập báo cáo hiện trạng môi trường tại địa phương phục vụ cho công tác  bảo vệ môi trường trên địa bàn, việc thực hiện chủ yếu được Sở TN&MT các tỉnh giao cho đơn vị trực thuộc là Trung tâm quan trắc môi trường thực hiện, như tại Hà Tĩnh có Trung tâm Quan trắc môi trường Hà Tĩnh…

Tuy nhiên, nhìn ở góc độ khách quan, một lãnh đạo Sở TN&MT Hà Tĩnh thừa nhận: “Qua sự cố môi trường biển chúng ta đã rà soát, đánh giá lại việc làm lâu nay đối với công tác quản lý môi trường, nhận ra những hạn chế, tồn tại về năng lực, phương tiện…Một dự án lớn như Formosa, vị trí nằm ngay ở cảng biển, việc tác động đến môi trường nhất là môi trường biển khi xảy ra sự cố là rất lớn. Với môi trường trên biển, gần bờ cũng đã khó kiểm soát, đánh giá chứ chưa dám nói ở xa bờ…”.

Đề cập đến hoạt động quan trắc môi trường trên biển, ông Lê Anh Đức- Giám đốc Trung tâm quan trắc môi trường Hà Tĩnh thẳng thắn: “ Rất khó để nói chúng tôi có thể làm tốt nhiệm vụ nếu nhìn vào thực trạng hiện nay mà Trung tâm được trang bị. Bởi lẽ, hoạt động trên biển có những đặc thù riêng, đòi hỏi kỹ thuật và chuyên môn cao, trong khi đó phương tiện, con người của chúng ta chưa đáp ứng được”.

Ông Lê Anh Đức đưa ra một vài dẫn chứng, để lấy mẫu thí nghiệm sinh thái biển hay lấy mẫu dưới đáy biển bằng phương tiện hiện đại thì chưa được trang bị, chúng tôi buộc phải thuê người dân lặn lấy mẫu nên không thể kiểm soát được, còn các kỹ sư của trung tâm nếu muốn thực hiện phải được đào tạo bơi lặn giỏi nhưng hiện chưa đáp ứng. Ngoài ra, những thiết bị hỗ trợ, thiết bị lấy mẫu, thiết bị phân tích thiếu thốn phải thường xuyên đi mượn hoặc thuê, khi có việc cấp bách không thể đáp ứng nhiệm vụ. Chính vì những điều này nên công tác quan trắc môi trường trên biển thời gian qua đối với Trung tâm quan trắc môi trường Hà Tĩnh không phủ nhận những kết quả hạn chế.

Khu vực Cảng biển Việt- Lào (Cảng Vũng Áng)
Khu vực Cảng biển Việt- Lào (Cảng Vũng Áng)

Không chỉ có Hà Tĩnh, trong quá trình tìm hiểu chúng tôi nhận thấy rất nhiều tỉnh ở vùng ven biển miền Trung đang cùng chung một thực trạng.

Ông Lê Anh Đức - Giám đốc Trung tâm quan trắc môi trường Hà Tĩnh, cho rằng: Mặc dù là địa phương đang trực tiếp tham gia quản lý hệ thống cảng biển, những tác động trong quá trình sử dụng và phát triển kinh tế đối với môi trường biển có thể rất lớn cần có một sự giám sát chặt chẽ. Vậy nhưng, phương tiện cần để thực hiện nhiệm vụ này rất hạn chế, chưa đủ sức để có thể kiểm soát. Do đó, năng lực quan trắc của tỉnh mới chỉ nằm ở ven bờ…”

“ Thiết bị hiện đang được sử dụng ở Trung tâm quan trắc môi trường Hà Tĩnh được Bộ TN&MT trang bị từ năm 2007. Muốn quan trắc xa bờ phải chủ động được phương tiện đi lấy mẫu như tàu, sung bắn lấy mẫu…nhưng hiện nay trang thiết bị lấy mẫu sinh thái biển của đơn vị dùng bằng công cụ tự chế (lưới sinh học)….”, ông Đức nói.

Theo lời ông Đức, xảy ra sự cố môi trường biển vừa qua nếu có đầy đủ thiết bị thì đơn vị vẫn chủ động thực hiện. Một số vấn đề hạn chế, như: Thiết bị lấy mẫu trầm tích phải đi mượn nên không đáp ứng được yêu cầu gấp gáp; Phương tiện đi lấy mẫu phải nhờ tàu của Bộ đội Biên phòng (tuy nhiên đây không phải phương tiện có thể thường xuyên sử dụng vì mục đích đề xuất), trong khi đó tàu của ngư dân có nhưng lại không đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật.

Khu vực cảng Vũng Áng - Hà Tĩnh
Khu vực cảng Vũng Áng - Hà Tĩnh

Thực tế hiện nay do còn gặp nhiều khó khăn và năng lực hạn chế, nên chương trình quan trắc tổng hợp môi trường biển đa số mới thực hiện quan trắc môi trường biển đặt cách bờ là 1 hải lý.

Theo đó, phạm vi, đối tượng khảo sát và lấy mẫu phân tích thuộc khu vực vùng biển chủ yếu chỉ thực hiện ở các cửa sông, cảng biển, cảng cá, khu neo đậu tránh, trú bão, cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá, khu nuôi trồng hải sản tập trung, khu du lịch biển và ven biển.

Các nội dung thực hiện gồm điều tra khảo sát, thu thập thông tin, số liệu về hiện trạng môi trường và các hoạt động bảo vệ môi trường. Phân tích, đánh giá số liệu, xác định điểm quan trắc và thu mẫu môi trường. Quan trắc, thu mẫu môi trường (nước biển, trầm tích, mẫu sinh vật biển và không khí) và quan trắc các yếu tố khí tượng, hải văn (sóng, dòng chảy, mực nước và độ mặn nước biển) vùng biển ven bờ.

Trong khi hệ thống cảng biển ở nhiều tỉnh thành ven biển miền Trung ngày càng phát triển, như khu Cảng biển Vũng Áng (Hà Tĩnh), Khu kinh tế Nghi Sơn (Thanh Hóa)…và nhiều dự án trọng điểm khác ven biển đang dần hoàn thiện và đi vào hoạt động nếu chỉ quan trắc môi trường biển cách bờ xa 1 hải lý thì chưa mang tính đại diện, đánh giá hết.

Theo ý kiến đại diện Sở TN&MT của một số tỉnh tại miền Trung hiện đang có chung thực trạng như Hà Tĩnh, các Trung tâm quan trắc địa phương đang phải thực hiện nhiệm vụ tiến hành quan trắc trên biển theo yêu cầu của địa phương, đồng thời là đầu mối lấy mẫu, kết quả phân tích khi có sự cố môi trường trên biển. Mặt khác, tổng hợp, xử lý, chỉnh biên số liệu lập các báo cáo chuyên đề về chất lượng môi trường gồm môi trường nước biển ven bờ, sinh vật biển, trầm tích đáy, không khí, yếu tố hải văn nhằm góp phần kịp thời phát hiện, cảnh báo các sự cố ô nhiễm môi trường.

Tuy vậy, những hạn chế nêu trên nên việc thực hiện chậm trễ, tốn kém, chưa khách quan, kết quả không phản ánh hết được sự việc. Do đó, để phát huy hiệu quả hoạt động ở các Trung tâm quan trắc nhiều địa phương đã có những đề xuất Bộ TN&MT sớm có những đề án hướng dẫn cụ thể để tháo gỡ thực trạng hiện nay…

Bài và ảnh: Đức Cảnh

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quan trắc môi trường biển ở miền Trung: Bao giờ "vươn xa"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO