Quan tâm tới chính sách đất đai cho các tôn giáo

Thúy Nhi | 20/02/2023, 11:18

Thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm, tạo điều kiện cho hoạt động của các tôn giáo khác nhau, trong đó có chính sách, pháp luật về đất đai.

Theo ước tính hiện nay 95% dân số nước ta có đời sống tín ngưỡng, tôn giáo. Theo thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cả nước hiện có gần 8000 lễ hội, trong đó có 7.039 lễ hội dân gian, 332 lễ hội lịch sử cách mạng, 544 lễ hội tôn giáo, 10 lễ hội du nhập từ nước ngoài vào và hơn 40 lễ hội khác. Riêng tôn giáo, hiện có 37 tổ chức tôn giáo và 01 pháp môn tu học đã được Nhà nước công nhận và cấp đăng ký hoạt động.

11.jpg

 Chùa Thắng Sơn, khu 7, xã Văn Lung, thị xã Phú Thọ đã được cấp GCN năm 2018 (HG).

Theo thống kê chưa đầy đủ có khoảng 24 triệu tín đồ (chiếm khoảng 27% dân số cả nước), hơn 83.000 chức sắc, hơn 250.000 chức việc, 46 cơ sở đào tạo chức sắc tôn giáo, hơn 25 ngàn cơ sở thờ tự…

Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành qua các thời kỳ không phân biệt đối tượng sử dụng đất, đặc biệt không phân biệt các loại hình tôn giáo sử dụng đất đồng thời đã ghi nhận cơ sở tôn giáo là người sử dụng đất, đất do các cơ sở tôn giáo sử dụng được phân thành một loại đất trong nhóm đất phi nông nghiệp. Pháp luật về đất đai khẳng định tính đúng đắn cũng như chính sách nhất quán tôn trọng, bảo đảm quyền tự do tôn giáo, tự do tín ngưỡng theo quy định pháp luật, đồng thời đáp nhu cầu chính đáng về nhà, đất để phục vụ mục đích tôn giáo, tín ngưỡng góp phần tăng cường vận động, đoàn kết các tôn giáo.

Cụ thể, tại khoản 4 Điều 5 Luật Đất đai quy định cơ sở tôn giáo gồm chùa, nhà thờ, nhà nguyện, thánh thất, thánh đường, niệm phật đường, tu viện, trường đào tạo riêng của tôn giáo, trụ sở của tổ chức tôn giáo và cơ sở khác của tôn giáo. Tại khoản 4 Điều 102 Luật Đất đai quy định cơ sở tôn giáo đang sử dụng đất được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất khi có đủ các điều kiện sau đây: Được Nhà nước cho phép hoạt động; Đất không có tranh chấp; Không phải là đất nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho sau ngày 01/7/2004.

12.jpg

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) tiếp tục thừa nhận, quy định đối với việc công nhận quyền sử dụng đất cho tổ chức tôn giáo đang sử dụng đất. (Ảnh: HG)

Thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất do UBND cấp tỉnh thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 105 Luật Đất đai và đất cơ sở tôn giáo được sử dụng với thời hạn ổn định lâu dài theo quy định tại khoản 7 Điều 125 Luật Đất đai. Đất cơ sở tôn giáo được quy định cụ thể tại Điều 159 Luật Đất đai.

Trên cơ sở quy định của Luật Đất đai, Chính phủ đã quy định cụ thể việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất do cơ sở tôn giáo đang sử dụng tại Điều 28 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai.

Nhận thức được tầm quan trọng, tính chất nhạy cảm của vấn đề đất đai liên quan đến tôn giáo nói riêng, các Bộ, ngành và địa phương có liên quan đã nghiêm túc triển khai rà soát, kiểm tra và chấn chỉnh việc quản lý, sử dụng đất đai liên quan đến tôn giáo. UBND các tỉnh, thành phố đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp, UBND các cấp hướng dẫn các tổ chức, cơ sở tôn giáo đang sử dụng nhà, đất kê khai, đề nghị cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho các cơ sở tôn giáo, cải cách thủ tục hành chính đáp ứng nhu cầu sử dụng đất tôn giáo trên địa bàn.

13.jpg

Tính đến ngày 31/12/2019, cộng đồng dân cư và cơ sở tôn giáo: đang sử dụng 599.741 ha (Ảnh: HG)

Theo số liệu kiểm kê đất đai đến ngày 31 tháng 12 năm 2019, cộng đồng dân cư và cơ sở tôn giáo: đang sử dụng 599.741 ha, chiếm 1,81% tổng diện tích đất đã giao cho các đối tượng sử dụng; trong đó đất lâm nghiệp 549.706 ha, đất sản xuất nông nghiệp các loại 3.640 ha, đất cơ sở tôn giáo có 13.211 ha, đất cơ sở tín ngưỡng 7.113 ha. Trong đó đất cơ sở tôn giáo đã tăng 1.692 ha (từ 11.523 ha năm 2014 lên 413.215 ha năm 2019); đất tín ngưỡng tăng 609 ha (từ 6.548 ha năm 2014 lên 7.157 ha năm 2019).

Công tác lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, giao đất cho các cơ sở tôn giáo đảm bảo kịp thời, đáp ứng nhu cầu xây dựng, nâng cấp tôn tạo các công trình chùa, nhà thờ, nhà nguyện, trụ sở.... của các cơ sở tôn giáo tại các địa phương. Đồng thời, để đáp ứng nhu cầu sử dụng đất cho các cơ sở tôn giáo, hàng năm các Sở Tài nguyên và Môi trường đều có văn bản hướng dẫn UBND các huyện, thành, thị rà soát, trình duyệt bổ sung vào Danh mục các dự án phải thu hồi đất và Kế hoạch sử dụng đất hàng năm khi có chủ trương của UBND tỉnh làm căn cứ cho việc giao đất cho các cơ sở tôn giáo đảm bảo chặt chẽ, đúng quy định của Luật Đất đai, đáp ứng nhu cầu sử dụng đất của các cơ sở tôn giáo.

Kế thừa các quy định nêu trên, hiện nay dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) tiếp tục thừa nhận, quy định đối với việc công nhận quyền sử dụng đất cho tổ chức tôn giáo đang sử dụng đất. Cụ thể, Dự thảo Luật đã bổ sung quy định về việc giao đất, cho thuê đất đối với tổ chức tôn giáo thuộc chùa, nhà thờ, nhà nguyện, thánh thất, thánh đường, trụ sở của tổ chức tôn giáo được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất. UBND cấp tỉnh căn cứ nhu cầu thực tế về hoạt động tôn giáo và khả năng quỹ đất của địa phương để quyết định diện tích đất giao cho tổ chức tôn giáo. Đối với diện tích tổ chức tôn giáo sử dụng vào các mục đích khác thì phải trả tiền thuê đất hàng năm theo quy định của Luật này (Điều 118, Điều 203).

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Hội nghị Lãnh đạo Phật giáo ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia lần thứ 2
Sáng 25/12, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Giáo hội Phật Giáo Việt Nam tổ chức khai mạc Hội nghị Lãnh đạo Phật giáo ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia lần thứ 2.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO