Quan sát Trái đất và địa tin học giữ vai trò quan trọng trong giám sát trượt lở đất

Mai Đan| 05/01/2022 13:24

(TN&MT) - Bộ Khoa học và Công nghệ (Bộ KH&CN) Việt Nam và Bộ Ngoại giao và Hợp tác quốc tế Ý đang phối hợp thực hiện Đề tài về quan sát Trái đất và địa tin học trong giám sát trượt lở đất tại Ý và Việt Nam. Cơ quan chủ trì thực hiện là Trường Đại học TN&MT Hà Nội và Đại học Bách Khoa Milan (POLIMI), Ý.

Giám sát trượt lở đất là vấn đề chung giữa 2 nước Việt Nam và Ý

Đề tài được đánh giá cao và hoạt động hiệu quả

Tại cuộc họp mới đây về các kết quả đạt được trong năm đầu tiên của 2 bên diễn ra theo hình thức trực tuyến, ông Lương Văn Thắng, Đại diện Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ KH&CN) cho biết, đề tài được hoàn toàn chấp thuận từ 2 phía bởi 3 lý do đề tài đã thể hiện được. Cụ thể, về mức độ đóng góp cho cộng đồng, đề tài mang lại những ý nghĩa về khoa học và ý nghĩa ứng dụng trong cộng đồng, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay. Đề tài được lựa chọn do đối tác phía Việt Nam, ở đây là Đại học TN&MT Hà Nội và Đại học Bách Khoa Milan có năng lực. Sau khi hoàn thành đề tài, 2 bên có thể tiếp tục hợp tác trong lĩnh vực đào tạo, nhất là phía Việt Nam học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm nghiên cứu từ phía đối tác Ý.

GS Marco Andrea Abiatti đến từ Đại sứ quán Ý, Tùy viên khoa học Ý tại Việt Nam cho biết: “Đề tài đã đạt được nhiều kết quả ấn tượng chỉ trong năm đầu tiên và đang đi đúng hướng mà Việt Nam và Ý rất cần. Trong thời gian tới, 2 bên cần tăng cường hợp tác nghiên cứu khoa học công nghệ và phát triển kỹ năng của những người làm công nghệ, không chỉ nhập khẩu những kiến thức và khoa học công nghệ mà còn phải đào tạo nhân lực tại chỗ. Chúng ta có thể làm được, bởi chúng ta có đầy đủ môi trường để phát triển khoa học công nghệ và sáng tạo”.

PGS.TS Lê Thị Trinh - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học TN&MT Hà Nội nhấn mạnh, ngay từ giai đoạn đề xuất đề tài, Nhà trường đã nhận thấy, nghiên cứu nguy cơ trượt lở đất là nhiệm vụ quan trọng và là chủ đề nóng cho đến nay, đặc biệt trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Do đó, Bộ KH&CN Việt Nam và Bộ Ngoại giao và Hợp tác Quốc tế Ý đã phê duyệt đề tài song phương này.

Những kết quả tiềm năng

Mặc dù, đề tài mới được triển khai ở phía Việt Nam chỉ khoảng 6 tháng nhưng đã đạt được những kết quả rõ nét. Theo Phó Hiệu trưởng Lê Thị Trinh, tháng 7/2021, phía Việt Nam đã chính thức khởi động đề tài, với sự nỗ lực của các nghiên cứu tại Đại học TN&MT Hà Nội, cùng với sự hợp tác của GeoLab thuộc POLIMI, đơn vị phối hợp Môi trường, Trường Đại học Mỏ - Địa chất Hà Nội, Viện Khoa học Địa chất và Tài nguyên, các nhà khoa học Việt Nam và Ý…

Sau 6 tháng, đề tài hoàn thành đầy đủ các chỉ tiêu kế hoạch đề ra và đạt được một số kết quả tiềm năng như bản đồ tính nhạy cảm sạt lở đất, mối tương quan giữa lượng mưa và sạt lở đất, các lớp thông tin trên nền web (webgis) đã khởi động trong giai đoạn này và có kết quả tiềm năng.

GS Maria Brovelli – Chủ nhiệm đề tài phía Ý cho biết: Giám sát trượt lở đất là vấn đề chung giữa 2 nước Việt Nam và Ý. Sự ảnh hưởng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu khi có những điều kiện cực đoan sẽ làm ảnh hưởng đến trượt lở đất. Hai bên Việt Nam và Ý quan tâm đến trượt lở đất từ những phương pháp tiếp cận mới như công nghệ quan sát trái đất, trí tuệ nhân tạo cho việc xử lý các thông tin và khoa học cộng đồng để tận dụng được thế mạnh của người dân trong việc giám sát và nâng cao nhận thức của người dân về trượt lở đất.

Có thể thấy, đề tài về quan sát trái đất và địa tin học trong giám sát trượt lở đất tại Ý và Việt Nam là một trong những đề tài có thể mang lại nhiều kết quả tiềm năng và ý nghĩa. Đại học TN&MT Hà Nội và Đại học Bách Khoa Milan không chỉ quan tâm đến nghiên cứu mà còn rất quan tâm đến đào tạo, bởi chúng vừa phục vụ cho đề tài, vừa giúp phát triển nguồn nhân lực trong Trường cũng như nhân lực ngoài doanh nghiệp khi người học tốt nghiệp.

TS. Trương Xuân Quang - Đại diện Trường Đại học TN&MT Hà Nội, Chủ nhiệm đề tài phía Việt Nam cho biết, qua năm đầu tiên triển khai đề tài, ngoài kết quả riêng của Ý, phía Việt Nam và phía Ý đều đạt được một số kết quả như:
Các lớp thông tin liên quan đến trượt lở: như bản đồ độ dốc, hướng dốc, khoảng cánh đến đường giao thông, khoảng cách đến hệ thống sông suối, bản đồ dân số;
Mô hình học máy để xây dựng bản đồ nhạy cảm trượt lở và kiểm định mô hình;
Mô hình giám sát trượt lở đất dựa vào ảnh Sentinel 1;
Bản đồ các vị trí trượt lở đất và không trượt lở;
WebGIS thể hiện kết quả và chia sẽ dữ liệu của đề tài cho cộng đồng.
TS. Trương Xuân Quang hy vọng, sự hợp tác của 2 bên hứa hẹn sẽ mang lại nhiều kết quả hơn về nghiên cứu và giám sát trượt lở trong năm 2022.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quan sát Trái đất và địa tin học giữ vai trò quan trọng trong giám sát trượt lở đất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO