Quản lý, xử lý nước thải, rác thải ở Việt Nam theo hướng phát triển kinh tế gắn với BVMT

Mai Đan | 24/10/2019, 05:39

(TN&MT) - Mặc dù đạt được những thành tựu đáng kể trong phát triển kinh tế nhưng Việt Nam đang phải đối mặt với các vấn đề môi trường liên quan đến nước thải và rác thải. Trong bối cảnh suy thoái môi trường gây nhiều tác động tiêu cực, Việt Nam cần phát triển kinh tế mà không hủy hoại môi trường.

Xung quanh vấn đề này, PV Báo Tài nguyên và Môi trường đã phỏng vấn PGS.TS Bùi Quốc Lập, Trưởng Khoa Hóa và Môi trường của Trường Đại học Thủy Lợi.

PGS.TS Bùi Quốc Lập, Trưởng Khoa Hóa và Môi trường của Trường Đại học Thủy Lợi trao đổi với PV Báo Tài nguyên và Môi trường

PV: Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về tình hình quản lý và xử lý rác thải, nước thải ở Việt Nam?

PGS.TS Bùi Quốc Lập: Việc quản lý và xử lý rác thải cũng như nước thải ở Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Điểm nổi bật đầu tiên phải kể đến là về thể chế chính sách. Việt Nam đã ban hành các Luật như: Luật Bảo vệ môi trường (BVMT), Luật Tài nguyên nước, các Nghị định, Thông tư (Nghị định 38/2015/NĐ-CP về quản lý chất thải và phế liệu, cũng như các chính sách chiến lược về BVMT trong từng thời kỳ (Chiến lược BVMT quốc gia đến 2020, tầm nhìn 2030). Ví dụ, trong thực tiễn về đề xuất các Chiến lược, Quy hoạch, Kế hoạch và các dự án đều có thực hiện việc bắt buộc đánh giá tác động môi trường (ĐTM) và báo cáo ĐTM phải được phê duyệt thì dự án mới được xem xét phê duyệt để thực hiện dự án.... Tất cả những văn bản pháp luật như vậy đã góp phần quản lý, kiểm soát chất thải, trong đó có nước thải và rác thải.

Về cơ cấu tổ chức, nước ta đã hình thành đồng bộ hệ thống quản lý nhà nước về môi trường từ Trung ương đến địa phương.

Đầu tư cho đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực BVMT và tăng cường cơ sở vật chất cho công tác này ngày càng được nhà nước quan tâm đầu tư.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả nêu trên, tình hình ô nhiễm môi trường (liên quan đến nước thải, rác thải) trong thời gian qua vẫn diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng. Điển hình như tình trạng ô nhiễm không khí gần đây ở một số khu vực trên địa bàn Hà Nội và tại TP.HCM, hay tình hình ô nhiễm nguồn nước cấp của nhà máy nước sông Đà vừa qua…

Nguyên nhân tồn tại những mặt hạn chế trên là do việc thực thi luật pháp về BVMT chưa thực sự nghiêm trong 1 số trường hợp; một số quy định của Luật vẫn ở mức khung, chưa có quy định cụ thể nên khó thực hiện trong thực tế; hạn chế về năng lực chuyên môn của đội ngũ cán bộ làm trong lĩnh vực môi trường, đặc biệt ở cấp xã/phường - nơi thường trực tiếp tác động đến môi trường do các hoạt động của người dân nhưng đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý môi trường ở cấp này hầu như vẫn kiêm nhiệm là cán bộ địa chính, không có chuyên môn về môi trường; nguyên nhân nữa là do hạn chế nguồn lực để đầu tư giải quyết các vấn đề môi trường.

PV: Để phát triển bền vững và toàn diện về cả hai mặt kinh tế và môi trường, theo ông, công tác xử lý chất thải rắn và nước thải tại Việt Nam cần tập trung vào những yếu tố nào?

PGS.TS Bùi Quốc Lập: Cần phải áp dụng một trong những nguyên tắc cơ bản trong quản lý môi trường đó là “phòng ngừa ô nhiễm hơn là xử lý ô nhiễm”. Để thực hiện nguyên tác này, đối với rác thải phải thực hiện công tác phân loại tại nguồn thành các loại rác khác nhau như rác hữu cơ, vô cơ, rác có thể tái chế... Hiện nay về mặt quy định, chúng ta đã có quy định về việc phân loại rác thể hiện trong Nghị định 38/2015/NĐ-CP về quản lý chất thải và phế liệu. Tuy nhiên, mới chỉ có quy định chung, chẳng hạn như rác thải sinh hoạt được phân ra làm 3 nhóm (nhóm hữu cơ dễ phân hủy, nhóm có khả năng tái sử dụng, tái chế và nhóm còn lại), chưa có các quy định cụ thể để triển khai việc phân loại này. Thêm nữa, chúng ta cũng chưa có cơ sở vật chất đồng bộ để thực hiện việc phân loại… Do đó, cần phải ban hành các quy định cụ thể hơn về việc phân loại, giảm thiểu chất thải rắn tại nguồn trước khi đem đi xử lý. Có như vậy mới có thể tận dụng được tài nguyên rác và giảm thiểu tới mức thấp nhất các chất thải rắn phải đem đi chôn lấp hoặc đốt.

Đối với nước thải, cũng phải thực hiện nguyên tắc giảm thiểu tại nguồn, tái sử dụng nước thông qua các biện pháp như khuyến khích, nâng cao nhận thức cộng đồng cho người dân về việc sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả vì chúng ta càng sử dụng lãng phí nước thì càng tạo ra nhiều nước thải. Khi nước thải phát sinh phải có các biện pháp xử lý để tái sử dụng phù hợp để giảm thiểu lượng nước thải. Các khu đô thị, khu dân cư tập trung cần phải có hệ thống thu gom nước thải tách riêng với hệ thống thu gom nước mưa....

Ngoài ra, cần thúc đẩy việc thực hiện nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền” thông qua việc phát triển các công cụ kinh tế như là thuế, phí môi trường để có thêm nguồn thu tài trợ cho công tác BVMT.

Bên cạnh đó, cùng với sự phát triển kinh tế nhà nước cần phải có đầu tư thích đáng nguồn lực cho công tác BVMT để từng bước tăng cường tiềm lực cho công tác này như đầu tư cơ sở hạ tầng BVMT; đào tạo phát triển nguồn nhân lực BVMT; nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực BVMT...

PGS.TS Bùi Quốc Lập cho rằng trong bối cảnh suy thoái môi trường gây nhiều tác động tiêu cực, Việt Nam cần phát triển kinh tế mà không hủy hoại môi trường

PV: Ông có thể dẫn chứng những quốc gia điển hình trên thế giới có kinh nghiệm quản lý và xử lý rác thải, nước thải đảm bảo phát triển bền vững? Việt Nam có thể áp dụng được gì từ những kinh nghiệm đó?

PGS.TS Bùi Quốc Lập: Đối với rác thải, hầu hết các quốc gia phát triển trên thế giới như Nhật Bản, Mỹ, các nước Châu Âu đều áp dụng phương thức phân loại rác tại nguồn thành các nhóm phù hợp để có thể tận dụng, tái sử dụng và tái chế rác cho các mục đích khác nhau để giảm thiểu lượng rác phải đưa đi chôn lấp hoặc đốt; áp dụng các công cụ kỹ thuật tiên tiến để thu hồi các chất có giá trị từ rác thải; áp dụng các công cụ kinh tế để quản lý rác thải như các hệ thống đặt cọc – hoàn trả để thu hồi các chất thải sau sử dụng đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường.

Nước Đức là nước áp dụng thành công công cụ đặt cọc – hoàn trả để thu hồi các chai nhựa, thủy tinh sau sử dụng bằng cách khi mua hàng khách hàng phải đặt cọc một khoản tiền được tính trong hóa đơn mua hàng. Khi sử dụng hết sản phẩm trong chai, lọ, khách hàng có thể đem đến trả trong các cây tự động được đặt trước các siêu thị để lấy lại tiền. Hay như các nước quy định việc phân loại rác thì họ phải sản xuất ra các loại bao bì để đựng các loại rác tương ứng để người tiêu dùng có thể dễ dàng mua về đựng rác.

Đối với nước thải, các nước cũng thực hiện việc sử dụng nước tiết kiệm, tái sử dụng nước thải cho các mục đích sử dụng phù hợp như tưới cây, rửa đường... Ngoài ra, các khu đô thị/khu dân cư phải có hệ thống thu gom nước thải tách riêng với nước mưa…

Tất cả những kinh nghiệm quốc tế đó Việt Nam hoàn toàn có thể học tập miễn là có quyết tâm thực hiện và có nguồn lực đầu tư tương ứng.

PV: Trong bối cảnh ô nhiễm môi trường nói chung và ô nhiễm không khí nói riêng hiện nay đang diễn ra phức tạp và ngày càng nghiêm trọng, theo ông, Việt Nam cần thực hiện các giải pháp quản lý và xử lý rác thải, nước thải như thế nào để đảm bảo vừa phát triển kinh tế vừa BVMT?

PGS.TS Bùi Quốc Lập: Như tôi đã trao đổi ở trên, đối với rác thải, phải thực hiện tốt công tác phân loại tại nguồn, khuyến khích việc tái chế, tái sử dụng đi kèm với việc đầu tư đồng bộ các cơ sở hạ tầng để có thể xử lý và tận dụng tốt chất thải sau phân loại.

Đối với nước thải, thực hiện các biện pháp để giảm thiểu lượng nước thải phát sinh phải yêu cầu xử lý thông qua các biện pháp như sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, tái sử dụng nước thải.v.v.

Ngoài ra, tăng cường công tác truyền thông, giáo dục nâng cao nhận thức về môi trường cho cộng đồng dân cư về các biện pháp giảm thiểu chất thải tại nguồn, phân loại tốt rác thải.

Cùng với sự phát triển kinh tế, nhà nước cần tăng cường đầu tư kinh phí cho công tác BVMT tương xứng với sự phát triển kinh tế. Đồng thời, tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực xử lý nước thải, rác thải; xã hội hóa công tác BVMT nói chung cũng như công tác quản lý và xử lý rác thải, nước thải nói riêng.

Trân trọng cảm ơn ông!

Bài liên quan
  • Việt Nam cần Đức hỗ trợ và chuyển giao công nghệ  xử lý nước thải
    (TN&MT) - Trong buổi tiếp và làm việc với ông Peter Stamm, Giám đốc đối ngoại, đại diện Ban lãnh đạo GWP, Đức, Thứ trưởng Bộ TN&MT  Võ Tuấn Nhân cho biết Việt Nam cần Đức hỗ trợ và chuyển giao công nghệ về xử lý nước thải đặc biệt là xử lý nước thải ô nhiễm. Chiều 17/04, tại trụ sở Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân đã có buổi tiếp và làm việc với ông Peter Stamm, Giám đốc đối ngoại, đại diện Ban lãnh đạo GWP, để bàn về các vấn đề trong lĩnh vực tài nguyên Nước, Năng lượng, Biến đổi khí hậu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Phát huy bản sắc văn hóa đặc sắc của 20 dân tộc Lai Châu
(TN&MT) - Với 20 dân tộc, trên 86% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, bức tranh văn hóa tỉnh Lai Châu có sự phong phú, đa dạng đồng thời mang những nét đặc trưng của từng dân tộc. Làm thế nào để khai thác thế mạnh này cho phát triển kinh tế - xã hội đồng thời gìn giữ, bảo tồn nét đặc sắc ấy và đưa hình ảnh, văn hóa các dân tộc Lai Châu đến bạn bè, du khách bốn phương?
Đừng bỏ lỡ
  • Bà Rịa - Vũng Tàu đưa Luật Bảo vệ môi trường 2020 đi vào cuộc sống: Nhiều chuyển biến tích cực
    (TN&MT) - Xác định lĩnh vực bảo vệ môi trường (BVMT) có vai trò rất lớn, có tính quyết định đến phát triển kinh tế - xã hội bền vững của địa phương, vì vậy, việc triển khai Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã được tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu quan tâm chỉ đạo, tổ chức thực hiện và đạt được nhiều kết quả tích cực.
  • Quảng Bình: Xây dựng đô thị sinh thái thích ứng BĐKH
    (TN&MT) - Thành phố Đồng Hới (tỉnh Quảng Bình) là một trong các khu vực dễ bị tổn thương trước biến đổi khí hậu (BĐKH), thiên tai cực đoan.
  • Giao thông xanh thúc đẩy bảo vệ môi trường
    (TN&MT) - Ngày 20/3, tại Đại học Bách Khoa Hà Nội, trong khuôn khổ chương trình “Cuộc thi tranh biện về giao thông xanh”, các đội tuyển đến từ các trường Đại học đã tranh tài biện luận về các chủ đề liên quan đến phát triển giao thông xanh và xây dựng những đóng góp của thế hệ trẻ trong việc bảo vệ môi trường.
  • Ngày 21/3, Đông Nam Bộ nắng nóng, nhiệt độ cao nhất 37 độ
    (TN&MT) - Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, từ ngày 21-22/3, khu vực Đông Nam Bộ tiếp tục xảy ra nắng nóng với nhiệt độ cao nhất trong ngày phổ biến 35-37 độ, độ ẩm tương đối thấp nhất 40-50%.
  • Phú Thọ tổ chức ra quân “Ngày Chủ nhật xanh” năm 2023
    (TN&MT) - “Ngày Chủ nhật xanh” - chương trình nhằm nâng cao nhận thức, vai trò của cộng đồng, đặc biệt là các bạn trẻ trong việc chung tay xây dựng nông thôn mới và văn minh đô thị.
  • Điện Biên mưa đá dông lốc đột ngột gây thiệt hại gần 1tỷ đồng
    (TN&MT) - Chiều tối 19-3, tỉnh Điện Biên đã xảy ra mưa đá, dông lốc kèm theo gió giật mạnh. Tổng thiệt hại ước tính khoảng 1 tỷ đồng, mức độ thiệt hại nhẹ do thời gian mưa, lốc kéo dài trong vòng 20 phút và chỉ xảy ra một số xã nằm trong vòng xoáy của gió.
  • Giải pháp quản lý 3,3 triệu ha rừng chưa có chủ
    (TN&MT) - Ngày 20/3, tại Hà Nội, Hội chủ rừng Việt Nam phối hợp với Trung tâm Giáo dục và Phát triển tổ chức tọa đàm “Giải pháp quản lý và sử dụng 3,3 triệu ha rừng chưa giao do UBND xã quản lý”.
  • Xuân Long quyết tâm giữ vững và nâng cao tiêu chí môi trường
    Xuân Long là một trong những xã vùng sâu, vùng xa của huyện Yên Bình (Yên Bái) với trên 90% là đồng bào dân tộc sinh sống. Vì vậy, việc hoàn thành tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới đã khó, việc giữ vững và nâng cao tiêu chí này lại càng khó hơn.
  • Nâng cao nhận thức, thích ứng và chống chịu BĐKH tại Thừa Thiên – Huế
    UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế vừa tổ chức tổng kết dự án thí điểm NAMA – Hệ thống chiếu sáng sử dụng năng lượng hiệu quả ở TP. Huế (VIE/401) và dự án thích ứng và chống chịu với biến đổi khí hậu (BĐKH - VIE/433) do Chính phủ Luxembourg tài trợ. Thừa Thiên - Huế là địa phương đầu tiên của cả nước nhận hỗ trợ từ Quỹ này.
  • Thời tiết 20/3: Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế trời nắng đẹp, Tây Nguyên có mưa dông vài nơi
    (TN&MT) - Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, dự báo thời tiết ngày hôm nay 20/3 tại các tỉnh, thành từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế nhiều mây, có mưa vài nơi, sáng sớm có sương mù và sương mù nhẹ rải rác, trưa chiều giảm mây trời nắng. Gió nhẹ. Đêm trời lạnh. Tây Nguyên chiều tối có mưa rào và dông vài nơi. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.
  • Thêm 7 cây cổ thụ tại Sơn La được công nhận Cây di sản Việt Nam
    (TN&MT) - Nằm trong chuỗi các hoạt động tại Ngày hội hoa sơn tra 2023, UBND xã Ngọc Chiến, huyện Mường La đã tổ chức Lễ công bố Quyết định và trao Bằng Công nhận cây di sản Việt Nam cho đại diện 4 bản: Nà Tâu, Phày, Lướt, Mường Chiến.
  • Thừa Thiên - Huế phát động phong trào “Ngày Chủ nhật xanh” năm 2023
    Sáng 19/3, tại TP. Huế, UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế đã tổ chức Lễ phát động phong trào “Ngày Chủ nhật xanh” năm 2023 với chủ đề “Hãy hành động để Thừa Thiên - Huế thêm xanh - sạch - sáng”.
  • Thời tiết ngày 19/3: Bắc Bộ tăng nhiệt, trưa chiều trời nắng
    (TN&MT) - Theo Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia, thời tiết ngày 19/3, Bắc Bộ trưa chiều trời nắng, nhiệt độ tăng, cao nhất có nơi 32 độ C, tuy vậy vùng núi cần đề phòng mưa rào và dông có thể xuất hiện vài nơi.
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO