Quản lý, sử dụng đất để phát triển đô thị: Thiếu chính sách

15/08/2018 07:14

(TN&MT) - Việc thực hiện chính sách quản lý, sử dụng đất đai để chỉnh trang, phát triển đô thị và khu dân cư nông thôn còn rất hạn chế do ngân sách Nhà nước còn khó khăn, nhà đầu tư ít quan tâm tới các dự án liên quan tới ít lợi ích cộng đồng.

IMG 3534
Chính sách đất đai cho quá trình đô thị hóa luôn dựa trên nguyên tắc Nhà nước thu hồi đất để giao cho nhà đầu tư. Ảnh: Hoàng Minh

Theo Tờ trình đề nghị xây dựng dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai của Bộ TN&MT gửi Chính phủ cho thấy, ở Việt Nam, trong các giai đoạn từ sau đổi mới, chính sách đất đai cho quá trình đô thị hóa luôn dựa trên nguyên tắc Nhà nước thu hồi đất để giao cho nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư khu đô thị mới, hoặc chỉnh trang các đô thị hiện hữu (chủ yếu là mở rộng các tuyến phố).

Theo cơ chế này, nhà đầu tư chỉ quan tâm đến các dự án phát triển, chỉnh trang đô thị có thể mang lại lợi ích cho nhà đầu tư và Nhà nước cũng chỉ có thể đảm bảo kinh phí để thực hiện một số dự án quan trọng. Như vậy, còn khá nhiều nhu cầu chỉnh trang các đô thị nghèo hiện hữu không được các nhà đầu tư quan tâm và cũng ngoài khả năng ngân sách của Nhà nước.

Ở một số địa phương, công đồng dân dư tại một số khu phố nghèo đã cùng nhau bàn bạc đưa ra các phương án góp đất để nâng cấp hạ tầng và góp tiền xây dựng hạ tầng. Trong một số trường hợp, chính quyền địa phương có trợ giúp thêm ngân sách để xây dựng hạ tầng và trong Nghị định số 01/2017 của Chính phủ đã bổ sung quy định để điều chỉnh nội dung này. Song, việc quy định của Chính phủ vẫn chưa đảm bảo tính pháp lý cao để thực hiện và cũng chưa xử lý hết được cách thực tiễn phát sinh.

Trên thực tế, ngay ở TP. Hồ Chí Minh cũng gặp khó khăn trong vấn đề này. Theo báo cáo mới đây của TP. Hồ Chí Minh, thời gian qua, thành phố đã di dời và tổ chức lại cuộc sống cho hơn 36.000 hộ sống trên và ven kênh, rạch; hàng nghìn hộ sống tại các chung cư hư hỏng, xuống cấp; nhiều khu đô thị hiện hữu được chỉnh trang, nâng cấp hẻm, lắp đặt hệ thống cấp, thoát nước và nâng cấp, sửa chữa nhà ở của dân. Tuy vậy, vẫn còn khoảng 20.000 căn nhà trên và ven kênh, rạch; còn nhiều chung cư hư hỏng, xuống cấp cần phải tổ chức di dời và xây dựng mới; còn nhiều khu đô thị hiện hữu cần chỉnh trang. Tiến độ đầu tư phát triển khu đô thị mới theo quy hoạch còn chậm.

Để giải quyết vấn đề này, Bộ TN&MT cho rằng, phải hoàn thiện chính sách quản lý, sử dụng đất để chỉnh trang, phát triển đô thị và khu dân cư nông thôn nhằm góp phần khai thác chính nguồn lực đất đai cho phát triển, cải thiện được điều kiện sống cho cư dân đô thị và nông thôn. Bộ TN&MT đã đề xuất 2 giải pháp thực hiện điều này. Thứ nhất là bổ sung cơ chế cụ thể vào Điều 146 của Luật Đất đai (quy định về đất sử dụng để chỉnh trang, phát triển đô thị và khu dân cư nông thôn). Để điều chỉnh đất đai (góp quyền sử dụng, hợp lô thửa đất, quỹ đất… chỉnh trang phát triển đô thị và khu dân cư nông thôn. Thứ hai là chưa bổ sung quy định trong Luật Đất đai.

Bộ TN&MT đề nghị lựa chọn phương án thứ nhất, bởi việc bổ sung chính sách này sẽ tạo ra cơ chế để chỉnh trang, phát triển đô thị và khu dân cư nông thôn theo hướng Nhà nước và nhân dân cùng làm. Giải pháp này sẽ hạn chế được các tác động tiêu cực do thu hồi đất theo biện pháp hành chính; góp phần thu hẹp các trường hợp Nhà nước thu hồi đất, hạn chế khiếu kiện, khiếu nại của người có đất bị thu hồi; thu hút được nguồn lực xã hội cho đầu tư, phát triển.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quản lý, sử dụng đất để phát triển đô thị: Thiếu chính sách
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO