Đà Nẵng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương kể từ năm 1997. Hơn 15 qua, Đà Nẵng từ chỗ là một đô thị nghèo, thu ngân sách Nhà nước hạn hẹp, nay đã có bước phát triển mạnh mẽ. Từ năm 2003 đến nay, tính riêng nguồn thu từ đất vào ngân sách Nhà nước, Đà Nẵng đã huy động được trên 20.000 tỷ đồng để tái đầu tư cho phát triển hạ tầng đô thị và xã hội. Bên cạnh đó, Đà Nẵng đã cho nhân dân trả chậm tiền sử dụng đất khoảng 6.845 tỷ đồng, góp phần giảm bớt khó khăn cho người dân có đất bị thu hồi, ổn định cuộc sống mới sau giải tỏa.
Từ khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, Đà Nẵng đã thực hiện thu hồi đất, giao đất và cho thuê đất để triển khai hơn 1.390 dự án với tổng diện tích hơn 17.500 ha, trong đó có 207 dự án đầu tư nước ngoài được cấp phép với tổng vốn đầu tư hơn 3,12 tỷ USD; chuyển mục đích trên 500 ha đất quốc phòng để thực hiện hơn 150 dự án phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội. Với sự đồng thuận của chính quyền và người dân, hơn 95.000 hộ dân đã giải tỏa, di dời đất đai, nhà ở để xây dựng Đà Nẵng trở thành thành phố văn minh, hiện đại. Nhờ vậy, diện mạo của thành phố thay đổi, cuộc sống của người dân được cải thiện.
![]() |
Nhiều chính sách tài chính đất đai riêng có ở Đà Nẵng, được triển khai rất hiệu quả |
Xác định công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, thực hiện chính sách thu hồi đất đai là vấn đề then chốt trong đô thị hóa, Đà Nẵng chủ trương chọn đây là khâu đột phá trong phát triển hạ tầng đô thị. Tập trung quản lý chặt chẽ chất lượng đồ án quy hoạch nhằm nâng cao giá trị tài nguyên đất, giải quyết tốt việc phân chia bình đẳng phần giá trị tăng thêm của đất đai gắn với hạ tầng mới đầu tư và đảm bảo phát triển đúng quy hoạch. Nhiều chính sách tài chính đất đai riêng có ở Đà Nẵng, được UBND TP. Đà Nẵng triển khai rất hiệu quả như: Chính sách về thưởng tiến độ bàn giao mặt bằng đối với những hộ giải tỏa chấp hành bàn giao mặt bằng đúng thời gian quy định, chính sách hỗ trợ ổn định đời sống và ổn định sản xuất, chính sách đối với công tác tái định cư. Công tác đền bù, giải phóng mặt bằng được chuyên môn hóa cao, thể hiện sự quan tâm thiết thực đến lợi ích của người dân và được quán triệt đầy đủ, nhất quán đối với tất cả các dự án trên địa bàn. Nhờ vậy, việc thực hiện giải tỏa đền bù, bố trí tái định cư khá công bằng, minh bạch, giảm thiểu tình trạng khiếu kiện của công dân. Mọi vấn đề liên quan đến đền bù, giải tỏa, bố trí tái định cư đều có sự tham gia trực tiếp của chính quyền địa phương từ lúc bắt đầu cho đến khi kết thúc dự án. Trong các trường hợp khiếu kiện đặc biệt, Chủ tịch UBND thành phố trực tiếp bố trí tiếp dân, lắng nghe, chỉ đạo giải quyết các kiến nghị. Chính nhờ giải quyết cụ thể, kịp thời và thỏa đáng quyền lợi của nhân dân mà Đà Nẵng nhận được sự đồng thuận rất cao, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác giải phóng mặt bằng để quy hoạch xây dựng.
Trong hơn 10 năm qua, thành phố đã tiến hành hàng trăm cuộc thanh tra, kiểm tra việc quản lý sử dụng đất và chấp hành các quy định của pháp luật đất đai, qua đó đã kiến nghị thu hồi hơn 82.000 m2 đất; ban hành 53 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, giải quyết 1.699/1.729 đơn thuộc thẩm quyền về tranh chấp đất đai (đạt 98,88%); 972/998 đơn khiếu nại (đạt 97,40%); 19/19 đơn tố cáo (đạt 100%); và 52/52 đơn đòi lại đất cũ (đạt 100%).
Tỷ lệ cấp giấy chứng nhận đối với đất sản xuất nông nghiệp và đất ở tại các quận, huyện của Đà Nẵng đến nay đã đạt trên 95% diện tích đất cần cấp. Nhằm đẩy nhanh quá trình cấp chứng nhận quyền sử dụng đất, tạo sự thông thoáng trong cơ chế, giúp tinh giản bộ máy hành chính, minh bạch trong công tác cấp phép, hạn chế những vấn đề nhũng nhiễu trong nhân dân. Tính đến nay, thành phố đã hoàn thành việc đăng ký và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 297,7 nghìn trường hợp, trong đó đất đô thị đạt tỷ lệ 91,9%; đất nông thôn đạt tỷ lệ 100%; đất lâm nghiệp đạt tỷ lệ 41,1%; đất nông nghiệp đạt tỷ lệ 97,1%… thu hồi, hủy bỏ gần 300 trường hợp sai phạm trong quyết định giao đất, quy hoạch bố trí đất; chuyển mục đích sử dụng đất sai quy định.
“Thành phố luôn đặt lợi ích của người dân lên trên hết, bảo đảm cho người dân những điều kiện sống tốt hơn sẽ tạo được lòng tin, khiến người dân đồng thuận với các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; sẵn sàng chia sẻ với thành phố, vì lợi ích chung của cộng đồng” - ông Võ Duy Khương - Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng nói. Sự quyết liệt của lãnh đạo thành phố và sự đồng tình ủng hộ của nhân dân đã giúp Đà Nẵng có nhiều thay đổi lớn trong phát triển đô thị, quy hoạch thành phố.
Bài và ảnh: XUÂN LAM