Quản lý an toàn các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy và hóa chất nguy hại

17/01/2018 15:15

(TN&MT) - Sáng 17/1, tại Hà Nội, Ban chỉ đạo Dự án quản lý an toàn các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy (POP) và hóa chất nguy hại tại Việt nam đã tổ chức hội nghị, nhằm đánh giá kết quả thực hiện Dự án trong năm 2017, đồng thời bàn giải pháp thực hiện năm 2018. Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân đến dự và chủ trì Hội nghị.

Dự án quản lý an toàn các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy và hóa chất nguy hại tại Việt nam, do Bộ TN&MT làm cơ quan chủ quản; Tổng Cục Môi trường là đơn vị chủ Dự án; Cục Hóa Chất của Bộ Công thương là đơn vị đồng thực hiện. Dự án được Quỹ môi trường toàn cầu (GEF) tài trợ, ủy thác thông qua Chương trình phát triển liên hiệp quốc (UNDP).

họp BCĐ
Toàn cảnh cuộc họp BCĐ Dự án quản lý an toàn các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy và hóa chất nguy hại tại Việt nam

Dự án được thực hiện trên toàn quốc từ năm 2015 đến năm 2018, và được trình diễn tại các tỉnh Bình Dương, Nghệ An và Quảng Bình. Mục tiêu của Dự án là nhằm tiếp tục giảm thiểu các rủi ro môi trường và sức khỏe con người thông qua việc giảm phát thải các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy và hóa chất nguy hại.

Năm 2017, Luật Bảo vệ Môi trường, Luật Hóa chất và các văn bản dưới luật liên quan đã được rà soát, các vấn đề chồng chéo, mâu thuẫn và khoảng trống trong các văn bản liên quan tới quản lý các chất POP, PTS đã được xem xét, phân tích. Dự kiến bản thảo báo cáo sẽ có vào cuối tháng 1 năm 2018.

Hai quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về nước thải và khí thải công nghiệp sản xuất thép đã được sửa đổi, bổ sung, hiện đang trình Bộ TN&MT cho ý kiến, dự kiến trình phê duyệt trong quý I năm 2018.

Cũng trong năm 2017, Dự án đã hoàn thành việc kiểm kê lượng tồn dư hóa chất bảo vệ thực vật nguyên chất và đất nhiễm có nồng độ trên 50ppm tại điểm ô nhiễm Lâm Hóa, Quảng Bình; đồng thời thu gom, đóng gói được 48 tấn thuốc và đất nhiễm hóa chất bảo vệ thực vật tại vườn Hung Chà Nần và hang Hung Nhàn, trong đó 35 tấn đã được vận chuyển và xử lý tại nhà máy Thành Công, tỉnh Hải Dương, 13 tấn còn lại đang được tập kết an toàn trong hang Hung Nhàn và sẽ vận chuyển đến nhà máy Thành Công để xử lý khi điều kiện về thời tiết và giao thông an toàn.

Để Dự án thực hiện có hiệu quả, năm 2017 đã có 160 cán bộ từ các Sơ, ban, ngành thuộc 30 tỉnh đã được truyền thông về kế hoạch Quốc gia thực hiện Công ước Stockholm về các chất POP; 250 doanh nghiệp được tuyên truyền về các quy định quản lý hóa chất; 5 cán bộ dự án có kiến thức về đấu thầu và nắm bắt được quy trình đấu thầu…
 

thứ trưởng
Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân phát biểu tại cuộc họp

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân đã đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng của các thành viên Ban chỉ đạo trong việc chỉ đạo thực hiện Dự án có hiệu quả trong những năm qua, đặc biệt là kết quả thực hiện trong năm 2017.

Năm 2018 là năm cuối thực hiện Dự án, do đó Thứ trưởng cũng mong muốn: Các thành viên Ban chỉ đạo cần tiếp tục phát huy tinh thần tư duy, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành; đồng thời phối hợp tốt với các Bộ, ngành liên quan, đặc biệt là phối hợp chặt chẽ với các tỉnh được hưởng lợi từ Dự án, để đảm bảo cho Dự án quản lý các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy và hóa chất nguy hại tại Việt nam tiếp tục thực hiện đạt hiệu quả cao.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quản lý an toàn các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy và hóa chất nguy hại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO