PV GAS: Sử dụng hiệu quả tài nguyên, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia

PV| 09/08/2022 15:08

Trong bối cảnh ngành năng lượng dầu khí thế giới có nhiều biến động, Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS) tiếp tục đẩy mạnh tiêu thụ, cung cấp khí và các sản phẩm khí tối đa cho khách hàng. PV GAS từng bước phục hồi tăng trưởng; đồng thới hướng đến phát triển các nguồn năng lượng sạch.

Duy trì chuỗi cung ứng đảm bảo an ninh năng lượng

Đại dịch Covid-19 là thách thức lớn nhất của năm 2021. Với tinh thần hoàn thành mục tiêu kép “vừa phát triển, vừa chống dịch”, PV GAS đã hoàn thành vượt mức tất cả các chỉ tiêu tài chính từ 14–79% kế hoạch; doanh thu tăng 22%, lợi nhuận tăng 12% và nộp ngân sách nhà nước tăng 46% và là năm có doanh thu lớn nhất từ trước đến nay. Bên cạnh đó, PV GAS thực hiện tốt công tác an sinh xã hội và đóng góp vào quỹ vacxin phòng, chống Covid-19 với tổng số tiền gần 290 tỷ đồng, đồng thời đảm bảo đời sống, việc làm và phúc lợi cho người lao động.

he-thong-cong-trinh-khi-cua-pv-gas.jpg
Hệ thống công trình khí của  PV GAS

Năm 2022, ngành Dầu khí gặp một số thách thức toàn cầu khác, bên cạnh dịch Cocid-19 còn rất khó lường. Đó là tác động chính trị từ xung đột Nga – Ukraine, chính sách phòng chống dịch Covid-19 nghiêm ngặt của Trung Quốc gây gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, ảnh hưởng đến cung - cầu năng lượng và làm giá cả hàng hóa, nguyên, nhiên vật liệu tăng cao.

Với quyết tâm cao và sự sáng tạo trong sản xuất, điều hành, trong 6 tháng đầu năm 2022, PV GAS triển khai quyết liệt đồng bộ và hiệu quả nhiều giải pháp như công tác điều độ, huy động khí, vận hành tối ưu; tăng cường các hoạt động phát triển thị trường, trong đó đẩy mạnh kinh doanh LPG, cung cấp khí cho khách hàng công nghiệp; tăng cường công tác quản trị, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, tiết giảm chi phí; thực hiện nghiêm túc phòng chống dịch Covid-19; thực hiện hiệu quả công tác cán bộ;...

Nhờ đó, các chỉ tiêu, nhiệu vụ 6 tháng đầu năm được PV GAS triển khai mạnh mẽ, kiểm soát, bám sát kế hoạch, giảm thiểu mức độ ảnh hưởng từ các yếu tố bất lợi, đạt được kết quả đáng ghi nhận.

Các cơ sở sản xuất kinh doanh của PV GAS hoạt động an toàn; không vi phạm quy định về môi trường; không để sự cố nghiêm trọng nào xảy ra gây ảnh hưởng đến con người, tài sản cũng như uy tín của PV GAS; dịch bệnh Covid-19 tại PV GAS được kiểm soát.

 Đặc biệt, công tác đầu tư xây dựng được PV GAS triển khai tích cực, tiến độ các dự án được bám sát theo kế hoạch. Tổng giá trị giải ngân cho công tác đầu tư xây dựng 6 tháng đầu năm 2022 của công ty mẹ là 1.381,1 tỷ đồng; toàn PV GAS giải ngân 1.427,2 tỷ đồng.

Hướng đến phát triển năng lượng sạch

Với vai trò là nhà cung cấp khí duy nhất cho thị trường Việt Nam, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và sử dụng hiệu quả tài nguyên, PV GAS đã chú trọng xây dựng một hệ thống thu gom khí đồng hành từ hầu hết các mỏ dầu, kết nối với hệ thống khai thác và vận chuyển khí đảm bảo cung cấp ổn định 10 tỷ m3 hàng năm cho các nhà máy điện, đạm và khí thấp áp cho một số hộ tiêu thụ công nghiệp. Cũng với vai trò nhà cung cấp khí duy nhất ở Việt Nam, PV GAS nhận thấy rõ trách nhiệm và thế mạnh của mình trong việc khai thác nguồn năng lượng sạch.

du-an-kho-lng-tiep-tuc-hoan-thien.jpg
Nhập khẩu và phát triển LNG là một trong những giải pháp quan trọng trong Chiến lược năng lượng quốc gia, được (PV GAS tiên phong thực hiện với mục tiêu bắt đầu nhập khẩu LNG từ năm 2022.

Khí là nguồn năng lượng sạch và ngày càng chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu năng lượng sơ cấp của Việt Nam. Để thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, hướng đến phát triển năng lượng sạch là một định hướng lâu dài của nước ta. PV GAS hướng đến phát triển khí hóa lỏng thiên nhiên (LNG).

Do chỉ chiếm 1/600 thể tích so với khí thiên nhiên ở điều kiện tiêu chuẩn (15 độ C, 1 atm), LNG là sản phẩm khí thuận tiện cho việc tồn chứa, vận chuyển từ nơi sản xuất đến các thị trường tiêu thụ trên thế giới. Phương tiện vận chuyển chủ yếu hiện nay là các tàu LNG với tải trọng từ 170,000 m3 đến 260,000 m3, trong đó tải trọng phổ biến nhất là từ 155,000 m3 đến 170,000 m3. Sau khi được vận chuyển đến nơi tiêu thụ, LNG được chuyển trở lại trạng thái khí khi đi qua thiết bị tái hóa khí, sau đó được bơm vào đường ống vận chuyển đến các hộ tiêu thụ. LNG được sử dụng tương tự như khí khô phục vụ cho nhu cầu khí của các nhà máy điện, hộ công nghiệp, khu đô thị.

aid127012.-tram-tiep-bo-pm3-ca-maut.jpg
Trạm tiếp bộ PM3 - Cà Mau

Hiện nay, LNG còn được sử dụng làm nhiên liệu cho các phương tiện giao thông vận tải: tàu biển, tàu hỏa và xe vận tải nặng để giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Do vậy để đảm bảo mục tiêu đảm bảo nguồn nhập khẩu, tàng trữ và phân phối an toàn, hiệu quả loại hình kinh doanh khí LNG, PV GAS đang nỗ lực hoàn thiện hệ thống hạ tầng, mục tiêu là từ năm 2022 bắt đầu nhập khẩu LNG để bù đắp cho nguồn khí trong nước đang suy giảm, chủ động nguồn cung, thúc đẩy phát triển thị trường khí /LNG tại Việt Nam.

Phát huy những thành tựu đã đạt được trong hơn 31 năm qua, mà PV GAS tiếp tục tham gia xây dựng, phát triển tất cả các khâu của chuỗi giá trị khí/LNG/sản phẩm khí ở trong nước; từng bước vươn ra quốc tế nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững. Giữ vị trí là doanh nghiệp hàng đầu trong đầu tư và nhập khẩu khí, LNG cho sản xuất điện và các hộ tiêu thụ khác.

Đồng thời, tham gia sản xuất và kinh doanh các sản phẩm cuối để nâng cao giá trị sản phẩm để thích ứng nhanh với thị trường, trong đó, tập trung chế biến/chế biến sâu, đa dạng hóa sản phẩm khí nhằm gia tăng giá trị, sản lượng khí và sản phẩm khí. Nghiên cứu, phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, chuyển dịch năng lượng, khí công nghiệp. Tham gia đầu tư vào các nhà máy điện khí/LNG trên cơ sở phát huy tiềm năng thế mạnh của chuỗi giá trị khí điện, đảm bảo nâng cao tính cạnh tranh của đầu ra cuối cùng là điện.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
PV GAS: Sử dụng hiệu quả tài nguyên, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO