Đánh giá trữ lượng khoáng sản tại 3 địa phương

Tài nguyên - Ngày đăng : 14:21, 03/06/2022

(TN&MT) - Sáng 3/6 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên chủ trì cuộc họp Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia.
img_9985(1).jpg
Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên chủ trì cuộc họp

Ông Hoàng Anh Tuấn - đại diện Công ty Cổ phần Tư vấn Đầu tư Khoáng sản Việt, đơn vị tư vấn thực hiện thăm dò đá granit làm ốp lát khu vực Suối Tiên, xã Suối Tiên, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa cho biết: Công tác thăm dò đã làm sáng tỏ đặc điểm địa chất khu thăm dò. Khoanh định được diện phân bố của đá granit làm ốp lát và đá làm vật liệu xây dựng thông thường.

Trong khu vực thăm dò phân bố duy nhất loại đá granit biotit có nguồn gốc magma xâm nhập. Đá có cấu tạo khối, chủ yếu có màu xám trắng. Bề mặt địa hình đá lộ ít dưới dạng khối, vách hoặc mặt trượt, còn lại phần lớn diện tích bị phủ bởi tầng đất phủ bở rời hoặc đá granit bị phong hóa. Đá bị nứt nẻ tự nhiên mạnh do ảnh hưởng của các khe nứt tự nhiên.

Ông Nguyễn Xuân Toán - Văn phòng Hội đồng Đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia đánh giá, báo cáo kết quả thăm dò đá granit làm ốp lát khu vực Suối Tiên, xã Suối Tiên, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa đã thu thập, tổng hợp đầy đủ tài liệu thăm dò, xác định được đặc điểm địa chất khu mỏ, cũng như quy mô, chất lượng của đá granit làm ốp lát trong diện tích thăm dò. Trữ lượng sau thăm dò đạt 114% so với mục tiêu đề án đặt ra. Trong quá trình thi công đề án, chủ đầu tư đã tiến hành khai thác, cơ quan quản lý nhà nước đã xử phạt hành chính.

Công ty Cổ phần Tư vấn Đầu tư Khoáng sản Việt cũng là đơn vị tư vấn thực hiện thăm dò khoáng sản đá granit làm ốp lát khu vực sườn Tây Bắc núi Dung xã Nhơn Tân và xã Nhơn Thọ, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định. Ông Đào Trung Tấn - đại diện đơn vị này cho biết: Mỏ đá granit sườn Tây Bắc núi Dung có cấu trúc địa chất đơn giản, phân bố hoàn toàn là các thành tạo đá granitoit thuộc pha 2 phức hệ Vân Canh, đối tượng thăm dò là phần đá gốc cứng chắc và đá tảng lăn, đáp ứng yêu cầu làm nguyên liệu đá ốp lát.

Mỏ đá có điều kiện giao thông thuận lợi, hệ thống sông suối ít phát triển. Diện tích thăm dò không ảnh hưởng đến các công trình kinh tế, quốc phòng và xa khu dân cư. Đơn vị tư vấn đã tính toán trữ lượng đá granit đủ tiêu chuẩn phục vụ cho sản xuất đá khối ốp lát, đá xây dựng đi kèm và khối lượng đất phủ, hệ số bóc.

TS. Lê Văn Lượng - Phó Chánh Văn phòng Hội đồng Đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia nhận xét, báo cáo kết quả thăm dò đá granit làm ốp lát khu vực sườn Tây Bắc núi Dung cơ bản đã tổng hợp đầy đủ các kết quả thăm dò, xác định được đặc điểm địa chất và đánh giá quy mô, chất lượng của đá granit làm ốp lát và làm vật liệu xây dựng thông thường đi kèm trong diện tích thăm dò. Kết quả thăm dò đạt 79% so với đề án đặt ra.

Tuy vậy, TS. Lê Văn Lượng cho rằng, mạng lưới thăm dò thưa so với Thông tư số 05/2020/TT-BTNMT ngày 31/8/2020 của Bộ TN&MT quy định kỹ thuật về thăm dò, đánh giá trữ lượng đá khối sử dụng làm ốp lát và mỹ nghệ. Trong quá trình khai thác sau này, cần có các công trình khoan thăm dò bổ sung để làm tăng độ tin cậy trữ lượng ở mỏ.

Ngoài ra, đá ốp lát ở mỏ có hiện tượng nhạt màu theo thời gian, do đó cần chú ý khi sử dụng. Đồng thời, trong quá trình khai thác, cần lưu ý tận dụng khối lượng đá granit có cỡ khối nhỏ hơn hoặc bằng 0,4m3 không đủ tiêu chuẩn làm ốp lát để làm đá xây dựng thông thường nhằm nâng cao giá trị kinh tế của mỏ và sử dụng triệt để, tiết kiệm tài nguyên khoáng sản.

img_9942.jpg
Toàn cảnh cuộc họp

Tại cuộc họp, Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia cũng tiến hành đánh giá trữ lượng của mỏ than Vàng Danh, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh. Báo cáo kết quả thăm dò nâng cấp trữ lượng trong phạm vi Giấy phép khai thác số 2794/GP-BTNMT ngày 31/12/2008 và số 140/GP-BTNMT ngày 1/2/2013 của mỏ than này, ông Nguyễn Hữu Cương - đại diện Công ty Cổ phần Địa chất mỏ - TKV, đơn vị tư vấn cho biết: Báo cáo đã đi sâu vào việc tổng hợp, chỉnh lý cấu trúc địa chất, xác định sự tồn tại và mức độ duy trì của các vỉa than, tổng hợp và đánh giá tổng quát về đặc điểm địa chất thủy văn - địa chất công trình, xác định trữ lượng và tài nguyên than khu mỏ Vàng Danh đáp ứng yêu cầu thiết kế khai thác than của mỏ.

Ông Nguyễn Xuân Toán - Văn phòng Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia nhận định, báo cáo kết quả thăm dò đã tổng hợp đầy đủ tài liệu thu thập trong quá trình thăm dò nâng cấp, đánh giá được chất lượng và tính được trữ lượng than trong phạm vi các giấy phép khai thác đã cấp. Trữ lượng cơ bản đạt mục tiêu đề án đặt ra. Một phần tài nguyên cấp 333 trong phạm vi Giấy phép khai thác số 2794/GP-BTNMT đã bị khai thác, được tập thể tác giả thống kê trong báo cáo. Tài nguyên cấp 333 còn lại là 2.804 nghìn tấn, phân bố ở phần rìa các vỉa than, số tài nguyên này TKV cần có kế hoạch thăm dò nâng cấp.

Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên và các thành viên Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia đã thông qua trữ lượng khoáng sản các mỏ trên. Theo đó, đối với đá granit làm ốp lát khu vực Suối Tiên, trữ lượng đá granit làm ốp lát cấp 121+122 của mỏ là 1.265 nghìn m3. Trong đó, trữ lượng cấp 121 là 202 nghìn m3; trữ lượng cấp 122 là 1.063 nghìn m3; đá làm vật liệu xây dựng thông thường đi kèm (đá chẻ, đá loka…) là 938 nghìn m3.

Đối với đá granit làm ốp lát khu vực sườn Tây Bắc núi Dung, mục tiêu trữ lượng cấp 121+122 đá khối làm ốp lát là khoảng 7,4 triệu m3 (đá gốc và đá tảng lăn).

Đối với mỏ than Vàng Danh, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh, kết quả nâng cấp được 29.020 nghìn tấn cấp 122 từ tài nguyên cấp 333, cấp 334a.

Mai Đan