Vững chãi Trường Sa - Bài 1: Hội ngộ giữa trùng khơi

Xã hội - Ngày đăng : 00:00, 28/06/2017

(TN&MT) - Ròng rã 18 ngày đêm với một hải trình đầy sóng gió (từ 26/5 đến 12/6): vượt hơn 1.540 hải lý (gần 3.000 km), tôi đã qua 12 đảo và điểm đảo trên quần...

(TN&MT) - Ròng rã 18 ngày đêm với một hải trình đầy sóng gió (từ 26/5 đến 12/6): vượt hơn 1.540 hải lý (gần 3.000 km), tôi đã qua 12 đảo và điểm đảo trên quần đảo Trường Sa. Có đặt chân lên đảo mới thấu những gian nan, vất vả và sự hy sinh to lớn của những người lính. Ở đó, tôi bắt gặp niềm hạnh phúc của những cuộc hội ngộ giữa trùng khơi; được chứng kiến sức sống mãnh liệt giữa muôn bề khắc nghiệt của sóng gió và bao câu chuyện kỳ diệu về hạnh phúc, về niềm tin tất thắng thiêng liêng gìn giữ biển đảo quê hương.

Bài 1: Hội ngộ giữa trùng khơi

Khó có thể nói hết được niềm vui của những người lính đảo khi gặp người thân.  Tiếng cười sảng khoái như át đi tiếng gió biển. Trong thanh âm rộn ràng của giây phút gặp mặt, tôi như cảm nhận trong tiếng gió, tiếng sóng vỗ giữa đảo xa, hơi ấm của đất liền, của sự gắn kết... Bên các anh, gia đình, những người dân Việt ở đất liền luôn hướng đến, dành những tình cảm tốt đẹp, trân qúy nhất gửi về nơi đảo xa.

Chiến sĩ Huỳnh Trung Phước với mẹ - bà Nguyễn Thị Ánh
Chiến sĩ Huỳnh Trung Phước với mẹ - bà Nguyễn Thị Ánh

1- Đoàn chúng tôi xuất phát từ Cảng Cát Lái, TP. Hồ Chí Minh. Sau gần hai ngày rẽ sóng, con tàu mang số hiệu HQ 571 đưa chúng tôi đến đảo Đá Lát.

Phút giây hội ngộ giữa trùng khơi thật cảm động. Hai cha con ông Nguyễn Bá Lợi và sỹ quan Nguyễn Hải Lưu ôm ghì siết chặt vòng tay.

- Mẹ con vẫn khỏe. Vợ con và cháu khỏe - ông nói trong giây phút gặp mặt.

Phòng họp gia đình trên đảo nho nhỏ nhưng thật đầm ấm. Trong từng ánh mắt, cái siết tay thật chặt của những người lính đảo với anh em đoàn công tác như truyền tình cảm của họ gửi gắm với đất liền. Rằng nơi đây, những người lính luôn chắc tay súng. Phong ba, bão tố, khó khăn chẳng thể lay được ý chí của những người lính đảo.

"Con cứ yên tâm, ở nhà có ba mẹ, có anh em làng xóm rồi, cháu ngoan lắm. Vợ con năm nay được nhận danh hiệu giáo viên dạy giỏi đấy" - ông Lợi nói với con trai.

Ông Lợi cho biết, Lưu đã 14 năm tuổi quân, ra đảo lần thứ hai. Người cha 61 tuổi mang theo tình cảm của cả gia đình đến với con trai. Ông bảo, “gì thì gì, giữ vững tay súng, làm tốt nhiệm vụ là gia đình mừng”. Nhìn cha con họ rưng rưng mà chúng tôi cũng trào nên niềm xúc động.

Niềm vui gặp mặt
Niềm vui gặp mặt

Với người lính trẻ Đinh Văn Dũng, cuộc hội ngộ với người cha, ông Đinh Văn Hưng sẽ là những ngày không thể quên trong đời. Dũng là con thứ 5, lại là con trai út, duy nhất trong gia đình nên tình cảm hai cha con khi gặp nhau giữa đảo khơi vô cùng xúc động. Trong niềm vui hội ngộ, ông Hưng kể, nhận giấy báo được ra thăm con, đúng ngày, tôi từ Nam Định vào thẳng nơi tập kết của Bộ Tư lệnh Hải quân. Mừng vô cùng anh ạ! Đường xa mà chẳng thấy mệt mỏi gì, cha con gặp nhau là vui như ở nhà rồi.

Ông Hưng như cởi tấm lòng bảo: “Tôi luôn nhắn nhủ con giữ vững truyền thống quê hương, truyền thống gia đình. Tôi muốn nhắn nhủ với con những điều mà người cha nào cũng mong muốn, rằng, những người thân cùng nhân dân cả nước ở đất liền luôn dành tình cảm tốt đẹp nhất đến với các con. Con cùng đồng đội hãy yên tâm, vững chắc tay súng bảo vệ biển đảo, thềm lục địa của Tổ quốc”.

2- Tàu chúng tôi cập Cảng Trường Sa lớn trong bồi hồi xúc động. Trên boong tàu, chị Vũ Thị Hoa (ở Nam Sách - Hải Dương) tíu tít nói vui cùng bạn: Kìa, anh nhà đấy! Cái mũ xanh này mình cầm tay là ám hiệu để nhận ra nhau. Chị cười vui trong nghẹn ngào: 11 tháng rồi chưa gặp nhau. Chồng chị, Trung tá Vũ Duy Nhịp ra nhận nhiệm vụ ở đảo Trường Sa gần một năm.

Chị Hoa bảo, sau đợt thăm này, lại về lo cho đứa lớn thi tốt nghiệp vào đại học. Ra đảo thấy anh khỏe, công tác tốt là mừng rồi.

Trên đảo Trưởng Sa lớn, tôi gặp Phan Đăng Minh Hiếu năm nay 20 tuổi. Hiếu nhận nhiệm vụ ở Trường Sa được 9 tháng. Cuộc hội ngộ giữa hai mẹ con họ thật cảm động. Mẹ Hiếu - bà Lại Thị Nga khăn gói từ Kiến Xương - Thái Bình ra đảo thăm con. Suốt một ngày trên đảo, tôi thấy hai mẹ con như hình với bóng. Hiếu đưa mẹ đi thăm Đền thờ Bác Hồ, Đài tưởng niệm Trường Sa... Bà Nga bảo, thật sung sướng khi thấy cháu mạnh khỏe, ngày một trưởng thành, vững tay súng. Hiếu cũng nói với tôi với giọng khẳng khái rằng: Từ ngày ra đảo, em thấy sự động viên, khích lệ của đất liền qua những chuyến thăm hỏi, em và các đồng đội luôn tự nhủ, phải phấn đấu hơn nữa để làm tròn nhiệm vụ cao cả mà Đảng và Nhà nước giao phó.

Ngay bên cột mốc chủ quyền trên đảo Trường Sa lớn, tôi bất ngờ ghi lại được phút giây gặp gỡ của chiến sỹ Huỳnh Trung Phước với mẹ là Nguyễn Thị Ánh. Bà Ánh bảo rằng, “thằng Phước giờ trông rắn rỏi hơn ngày nhập ngũ. Được vinh dự đóng góp một phần tuổi trẻ gìn giữ biên cương hải đảo là niềm hạnh phúc đối với cháu và gia đình”. Trong niềm hân hoan hội ngộ ấy, họ đã khóc, những giọt nước mắt của niềm tự hào và hạnh phúc.

3- Ở đảo Trường Sa Đông, tôi gặp bác Nguyễn Quỳnh Hoan ở Quảng Yên - Quảng Ninh, ra thăm con trai là chính trị viên của đảo Thiếu tá Trần Minh Đức. Ra đảo được 14 tháng, Đức tâm sự: Nối tiếp truyền thống của gia đình, mình vào quân đội và vinh dự được điều động ra đây công tác.

Bố của Đức, ông Nguyễn Quỳnh Hoan cũng từng là bộ đội trong kháng chiến chống Mỹ. Năm 1970, ông Hoan nhập ngũ, chiến đấu tại chiến trường khu B. Năm 1973 bị thương với thương tật 40%, ông xuất ngũ và trở về quê hương làm nghề giáo. Thật tình cờ, trong chuyến ra đảo thăm con lần này, ông còn được gặp lại học trò của mình cũng đang làm nhiệm vụ ở đảo Trường Sa lớn.

Chính trị viên Trần Minh Đức cho biết, Trường Sa Đông là đảo cấp 2, có vị trí chiến lược quan trọng, là chỗ dựa cho bà con ngư dân. Quán triệt nhiệm vụ Lữ đoàn 146 giao, cán bộ chiến sỹ trên đảo đã xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, đảo gắn bó với bà con đi biển. Riêng năm 2016, đảo đã tiếp nhận và trợ giúp nhiều lượt bà con vượt qua những cơn nguy khó trước biển. Như trường hợp của ngư dân ở Ninh Thuận, đang đánh cá thì bị đau ruột thừa. Về đất liền thì quá xa, thế là phải cập đảo, được các bác sỹ quân y trên đảo mổ thành công…

Xuống đảo Đá Tây A thăm con rể là Nguyễn Viết Ngợi, ông Đỗ Văn Tranh không giấu nổi bồi hồi. Ông bảo: Được Đảng và Nhà nước, Bộ Tư lệnh Hải quân quan tâm cho chúng tôi ra thăm các cháu là một vinh dự lớn. Có được chứng kiến cuộc sống lao động học tập và sẵn sàng chiến đấu của các cháu, chúng tôi càng thấy trách nhiệm lớn lao của những người lính làm nhiệm vụ gìn giữ biển đảo Việt Nam, trách nhiệm và tình cảm của đất liền đối với những người lính nơi đảo xa.

Nguyễn Viết Ngợi sinh năm 1987, ra Đá Tây từ tháng 7/2016. Ngợi người Nam Định. Năm 2006, học tại Nha Trang, sau đó, công tác tại Cục Hậu cần Hải quân, rồi được điều ra Trường Sa. Ngợi bảo, em đã cưới vợ và có 1 cháu hơn 2 tuổi. “Đi riết rồi cũng quen anh ạ. Cái cảm giác nhớ nhà chỉ biết gửi vào gió biển. Hàng đêm, nghe tiếng sóng vỗ vào đảo mà nhớ nhà. Nhưng chúng em xác định, nhiệm vụ là trên hết” – Ngợi nói với tôi nghe cứ da diết.

4- Lần đầu được ra đảo, ông Hoàng Văn Tuấn, thăm con rể là Thiếu tá Thái Quốc Thoại, Đảo trưởng Thuyền Chài A. Ông Tuấn vui mừng khi thấy cuộc sống ở đảo đầm ấm như một nhà. Thái Quốc Thoại như vui lây cùng niềm vui của bố. Hai bố con ôm chầm lấy nhau trong niềm xúc động.

Sinh năm 1983, năm 2005, bắt duyên nghiệp với màu xanh áo lính. Thiếu úy Nguyễn Công Thành, sỹ quan máy ở đảo Thuyền Chài C, ra đảo gần 1 năm. Thành khoe với tôi rằng, tháng 7 này được tăng quân hàm. Anh muốn dành niềm vui tặng bố mẹ và gia đình. Và niềm vui của anh như nhân đôi khi được đón bố là ông Nguyễn Công Linh, ở Nghi Lộc - Nghệ An ra thăm.

Ở đảo Phan Vinh, tôi gặp ông Trương Văn Dũng, xã Nhận Đức, huyện Củ Chi, thăm con là Trương Hữu Lý. Lý nhập ngũ đầu năm 2016 và ra đảo được hơn 5 tháng. Ông Dũng bảo, cũng không nghĩ mình được ra Trường Sa. Ra thăm con lần này mới thấy biển đảo quê hương mình thật đẹp. Làm người cha, tôi luôn răn dạy con rằng, bất cứ khó khăn nào cũng không nhụt chí. Đặc biệt, vinh dự được là người lính canh giữ biển đảo Tổ quốc,  càng phải thể hiện tinh thần quyết vượt khó khăn, tinh thần bất khuất của truyền thống quê hương Củ Chi.

Trường Sa lớn
Trường Sa lớn

5- Sáng 6/6, trở lại Trường Sa lớn đón thân nhân từ đảo lên tàu. Cuộc chia tay sau những ngày hội ngộ ngắn ngủi đầy xúc động. Cán bộ chiến sỹ và nhân dân trên đảo chỉnh tề đổ về cầu cảng. Tôi gặp lại mẹ con Hiếu bịn rịn chia tay nhau.

Tôi thấy những người vợ dụi mặt vào vai chồng. Mắt họ đỏ hoe.

"Anh ở lại mạnh khỏe, làm tốt nhiệm vụ. Ở nhà đã có em, anh nhé!" - Chị Hoa nói dứt khoát sau cái ôm thật chặt.

Ở ngay lối xuống tàu, mẹ con Huỳnh Trung Phước cùng dắt tay nhau lên boong tàu. Bà Nguyễn Thị Ánh, mẹ Phước, ôm cánh tay rắn rỏi của cậu con trai bảo rằng: giữ gìn sức khỏe nghe con. Hoàn thành nhiệm vụ rồi về với ba má và các em!

Đến với Trường Sa, chúng tôi như được tụ họp trong một gia đình lớn. Đâu đâu cũng tràn ngập niềm tin yêu, lạc quan, tinh thần kiên định trước mọi khó khăn. Hôm chia tay, ông Dũng bảo, nhà báo nhớ gửi cho tôi tấm hình chụp với cháu nó nhé. Đó là niềm tự hào của gia đình, là vinh dự của cháu khi được góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Tôi biết, không chỉ ông Dũng, mà những người mẹ, người cha, người vợ mà tôi gặp trong chuyến đi đều có chung tâm nguyện ấy.

Qua 12 đảo và điểm đảo trên quần đảo Trường Sa, cũng là chừng đó lần tôi đứng lặng bên mạn tàu, chứng kiến phút chia tay sau những ngày hội ngộ.

Tôi đã nghe thật nhiều tiếng còi cất vang, những cánh tay đưa lên vẫy chào, hẹn ngày gặp lại.

Và, tôi thấy trong mắt họ, một niềm kiêu hành, niềm tin và hạnh phúc khi được cống hiến, được vinh dự góp phần canh giữ biển đảo quê hương!

Ngọc Thanh