Quảng Nam: Đề nghị tạo điều kiện trả lại gỗ vì cận nghèo

Xã hội - Ngày đăng : 00:00, 05/10/2015

(TN&MT) - Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm kinh tế và chức vụ (PC45) Công an tỉnh Quảng Nam vừa bắt vụ lâm sản trái phép với số lượng lớn được cất giấu tại một nhà dân ở huyện Phước Sơn. Khi lập biên bản vi phạm, chủ nhà không có mặt, nhưng sau đó lại làm đơn cứu xét và được lãnh đạo UBND huyện có công văn đề nghị “tạo điều kiện” trả lại gỗ vì họ thuộc diện hộ cận nghèo.

Ngày 12/8/2015, từ tin báo của quần chúng, tổ công tác của Phòng PC45 Công an tỉnh Quảng Nam phối hợp với Hạt Kiểm lâm Phước Sơn, Công an huyện Phước Sơn phát hiện tại nhà ông Tân Tấn Thìn (thôn 5, xã Phước Đức, Phước Sơn, Quảng Nam) đang cất giấu một lượng gỗ trái phép. Sau khi kiểm tra, tại vị trí khu vực đất trống bên hông phải nhà ông Thìn có 30 phách gỗ các loại; phía sau nhà có 8 lóng và 19 phách gỗ các loại khác. Trong quá trình kiểm đếm, ông Thìn đến nhận lô gỗ giấu sau nhà là của mình. Tuy nhiên, khi mời làm việc thì ông Thìn từ chối. Còn lô gỗ bên hông phải nhà ông Thìn không có ai đến nhận là chủ sở hữu.

Tổ công tác đã lập các thủ tục tạm giữ 57 lóng, phách gỗ các loại từ nhóm VI đến nhóm IIA với khối lượng 6,99m3 gỗ và đưa về tạm giữ tại trụ sở Hạt Kiểm lâm Phước Sơn.

Ban đầu ông Thìn không hợp tác với cơ quan chức năng, nhưng sau đó lại làm đơn xin cứu xét, và ngày 24/8/2015, Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn Nguyễn Mạnh Hà ký văn bản gửi Phòng PC45, Công an tỉnh Quảng Nam; trong đó đề nghị quan tâm giải quyết đơn xin cứu xét, vì ông Thìn là hộ cận nghèo, gia đình có công cách mạng, nằm trong danh sách được hỗ trợ 45 triệu đồng để làm nhà ở, nhưng chưa được duyệt…

Theo nội dung văn bản này: “Số gỗ mà Phòng PC45 tịch thu ngày 12/8/2015 là do gia đình ông Thìn tận dụng mua lại của người dân địa phương, mục đích sử dụng vào việc làm nhà ở tại chỗ, không có dấu hiệu mua bán, kinh doanh gỗ”, nên UBND huyện Phước Sơn đề nghị Công an tỉnh “xem xét tạo điều cho gia đình ông Thìn được nhận lại số gỗ đã tịch thu”.

Lãnh đạo Phòng PC45 Công an tỉnh Quảng Nam cho biết: “Theo quy định, gỗ không có giấy tờ, không có nguồn gốc thì xử lý theo quy định của pháp luật. Dù UBND huyện Phước Sơn có làm công văn đề nghị, nhưng chúng tôi cũng không thể chấp nhận. Nếu hộ cận nghèo, chính sách thì phải làm đơn trước khi mua gỗ chứ không thể làm như thế. Nếu chúng tôi trả gỗ lại cho hộ ông Thìn thì sẽ có hệ lụy xấu về sau, nên cương quyết không trả”.

Hiện vụ việc đang tiếp tục được làm rõ và dư luận mong muốn xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

                                                                                        Tin & ảnh: Võ Hà