Rà soát tiến độ thực hiện dự án bảo tồn ĐDSH

Môi trường - Ngày đăng : 00:00, 21/11/2017

(TN&MT) - Ngày 21/11, tại trụ sở Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ban Quản lý dự án “Hành lang bảo tồn đa dạng sinh học Tiểu vùng Mê Công mở rộng, giai đoạn 2 (Dự án BCC), dự án “Lồng ghép bảo tồn đa dạng sinh học, thích ứng với biến đổi khí hậu cảnh quan Trung Trường sơn Việt nam”( DA    BCC_ GEF) đã có buổi làm việc với Đoàn công tác của Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) về tiến độ triển khai thực hiện Dự án và trao đổi về các vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện.

Dự án “Hành lang bảo tồn đa dạng sinh học tiểu vùng Mê Công mở rộng, giai đoạn 2” (Dự án BCC) sử dụng vốn vay của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB). Thông qua dự án  năm  2011 - 2019 hơn 34 triệu đô sẽ được đầu tư cho hành lang bảo tồn đa dạng sinh học vùng Trung Trường Sơn, Việt Nam. Để hỗ trợ và tăng cường hiệu quả của việc thực hiện Dự án BCC, dự án BCC-GEF đã được ra đời. Dự án này thực hiện từ năm 2016 – 2019.

Mục tiêu dự kiến của dự án BCC là sau 8 năm triển khai tại 3 tỉnh Quảng Nam, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế dự án sẽ đạt được các kết quả như: xây dựng các kế hoạch quản lý, các chính sách về hành lang đa dạng sinh học ít nhất cho 530.000 ha rừng và đất không có rừng tại 34 xã vào năm 2018; xác định ranh giới và lập bản đồ hành lang bảo tồn đa dạng sinh học để duy trì và bảo vệ; xây dựng khung chính sách và cơ chế quản lý hành lang bảo tồn đa dạng sinh học để duy trì các dịch vụ hệ sinh thái. Đồng thời, tăng thu nhập hoặc tài sản cho 50% hộ gia đình được lựa chọn so với năm 2011, ít nhất 30% thành viên ban quản lý hành lang cấp thôn/xã là phụ nữ…

Toàn cảnh cuộc họp
Toàn cảnh cuộc họp

Tại buổi làm việc này, TS. Nguyễn Thế Đồng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Giám đốc Ban quản lý Dự án Trung ương cùng với các cán bộ thuộc Đoàn công tác của ADB, Ban Quản lý Dự án các tỉnh và các cán bộ Dự án, tư vấn kỹ thuật… đã rà soát tiến độ thực hiện tổng thể của cả Dự án BCC và Dự án BCC-GEF, tập trung vào các hoạt động quản lý rừng bền vững, các mô hình phát triển kinh doanh và tiến độ triển khai các tiểu dự án cơ sở hạ tầng hỗ trợ cải thiện sinh kế cho các đối tượng hưởng lợi của dự án; đồng thời rà soát tình hình thực hiện các hoạt động đã cam kết.

Theo báo cáo, hiện các bước chuẩn bị cho việc lập mô hình thí điểm quản lý rừng bền vững đang được triển khai và sẽ được nhân rộng trong tất cả các khu vực được dự án lựa chọn tại 3 tỉnh. Tổng cục Môi trường cũng đã có Công văn hướng dẫn việc hoàn thiện và thí điểm thành lập, quản lý hành lang đa dạng sinh học. Vì vậy,  ông Nguyễn Thế Đồng cho rằng, trong năm 2017 ba tỉnh Quảng Nam, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế sẽ hoàn thành việc thành lập và quản lý hành lang bảo tồn đa dạng sinh học.

Tuy nhiên, ông Đồng cũng lưu ý, việc làm này sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức bởi thực tế các địa phương nhiều quy hoạch đang đan xen lẫn nhau, để thành lập được hành lang bảo tồn cần có sự hài hòa. Cùng với đó, để đạt được mục tiêu góp phần tăng diện tích sinh thái, giảm áp lực lên các khu bảo tồn thì cần chỉ rõ trách nhiệm của từng cấp, đồng thời, là làm cho người dân thấy được lợi ích lâu dài của việc bảo tồn.

Năm 2017, là năm then chốt thực hiện phục hồi hành lang đa dạng sinh học, bảo vệ hệ sinh thái và quản lý bền vững với các hoạt động liên quan đến phục hồi rừng và quản lý rừng cộng đồng (QLRCĐ). Hiện nội dung này đang được triển khai đúng quy trình của dự án, tuy nhiên tiến độ thực hiện vẫn còn chậm. Đây là nội dung có khối lượng công việc rất lớn, do vậy, thách thức đặt ra cho các Ban quản lý dự án các tỉnh cần huy động tối đa mọi nguồn lực để hoạt động đảm bảo đúng tiến độ thực hiện đề ra.

Phương Linh