TP.Hồ Chí Minh: Đến năm 2020, cơ bản thực hiện các giải pháp thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu

Môi trường - Ngày đăng : 00:00, 01/11/2013

Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.
   
(TN&MT) - Ban Chấp hành Đảng bộ TP.HCM  vừa đề ra chương trình hành động của Thành ủy thực hiện Nghị quyết 24 Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.
   
  TP.HCM là đô thị đặc biệt, chịu tác động trực tiếp, rất nặng của biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Hiện tại, TP.HCM đang triển khai 2 chương trình đột phá về giảm ngập nước, giảm ô nhiễm môi trường, thực hiện Nghị quyết Đại hội IX Đảng bộ thành phố; đề ra nhiều giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý đô thị, nâng cao chất lượng quy hoạch tổng thể, quy hoạch ngành gắn với chiến lược, chương trình, kế hoạch khai thác, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường; huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp hệ thống hạ tầng giao thông, thoát nước, giảm ngập nước, xử lý chất thải, nước thải, nhất là tại các khu chế xuất, khu công nghiệp tập trung; tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm về lấn chiếm sông, kênh, rạch, về khai thác tài nguyên và bảo vệ môi trường.
   
  Tuy nhiên, về công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, TP.HCM mới triển khai một số hoạt động bước đầu, còn bị động, lúng túng, việc quản lý, sử dụng tài nguyên chưa bền vững; tình trạng ngập nước nội thị, ô nhiễm môi trường vẫn nghiêm trọng, ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, sức khỏe và đời sống nhân dân, gây bức xúc trong xã hội.
   
  Những hạn chế nêu trên được Thành ủy TP.HCM xác định chủ yếu là do nguyên nhân chủ quan; một số cấp ủy, chính quyền nhận thức chưa sâu sắc, chưa đầy đủ, đúng mức về tầm quan trọng của công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường đối với sự phát triển bền vững của thành phố; chất lượng quy hoạch đô thị, quy hoạch sử dụng đất chưa đạt yêu cầu, hiệu quả quản lý quy hoạch còn hạn chế, tình trạng tự phát trong đô thị hóa, san lấp, lấn chiếm sông, kênh, rạch; cơ chế quản lý xây dựng và chính sách chưa khuyến khích tăng mảng xanh, hạn chế bê tông hóa trong phát triển đô thị; quản lý khai thác nước ngầm kém hiệu quả… chậm được khắc phục; hiệu quả thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, khai thác và sử dụng tài nguyên chưa cao; cơ chế phối hợp liên ngành, liên vùng trong ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường chưa phát huy hiệu quả.
   
   
  Quán triệt Nghị quyết 24, TP.HCM xác định mục tiêu chung của Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 24 là “Đến năm 2020, TP.HCM cơ bản thực hiện các giải pháp thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu, phòng tránh thiên tai, chuyển giao và áp dụng các công nghệ mới, công nghệ sạch, sử dụng năng lượng tái tạo nhằm giảm phát thải khí nhà kính. Hoàn thành quy hoạch ngành về sử dụng tài nguyên theo hướng bền vững. Cơ bản kiểm soát tất cả các nguồn thải, đảm bảo các chất thải được xử lý đúng quy định trước khi thải ra môi trường. Nâng cao đa dạng sinh học, bảo vệ và phát triển diện tích rừng thành phố, nhất là diện tích rừng ngập mặn trong khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ, tăng cường mảng xanh đô thị, chất lượng môi trường sống được cải thiện rõ rệt. Đến năm 2050, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, có hiệu quả bền vững tài nguyên; bảo đảm chất lượng môi trường sống và cân bằng sinh thái”.
   
  Để hoàn thành mục tiêu trên, TP.HCM đề ra nhiệm vụ chính: “Thực hiện chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh và phát triển bền vững; đánh giá kết quả tăng trưởng xanh và phát triển bền vững của thành phố theo bộ tiêu chí quốc gia. Thí điểm phát triển mô hình kinh tế xanh, công nghiệp xanh, đô thị xanh và nông nghiệp đô thị, nông thôn xanh. Nắm vững, quán triệt mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường vào trong quy hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực và quy hoạch phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của thành phố”; đề ra 5 nhóm giải pháp về tăng cường, đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, hình thành ý thức chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, sử dụng tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường; đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ; tăng cường quản lý Nhà nước; kết hợp đa dạng hóa các nguồn lực tài chính trong và ngoài nước; chủ động phối hợp với các tổ chức quốc tế nhằm tăng cường trao đổi thông tin và chuyển giao công nghệ, kinh nghiệm trong ứng phó với biến đổi khí hậu; tăng cường trao đổi, hợp tác với các viện nghiên cứu, trường đại học trong và ngoài nước đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực hạ tầng đô thị, môi trường, thoát nước đô thị.
   
Nguyễn Thanh
(Theo Thông báo Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố khóa IX)